Ngân hàng nào “ôm” nhiều bất động sản nhất?

Ngân hàng nào “ôm” nhiều bất động sản nhất?

Các ngân hàng BIDV, Vietcombank, Sacombank, Agribank, ACB, Vietinbank, Phương Tây, Nam Việt... là những cái tên trong danh sách những "đại gia" cho vay vốn với tài sản đảm bảo là bất động sản.

Mới đây, hàng loạt các “đại gia” trên sàn chứng khoán bị lọt vào tầm cảnh báo do thua lỗ, trong đó phải kể đến những tên tuổi như CTCP Quốc Cường Gia Lai, CTCP Công nghệ viễn thông Sài Gòn – Saigon Tel (SGT, do ông Đặng Thành Tâm làm Chủ tịch HĐQT)…

Theo các báo cáo tài chính của những công ty này, phần lớn vốn đều đang bị ứ đọng vào bất động sản. Lãnh đạo CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) cho rằng, nguyên nhân dẫn đến thua lỗ phần lớn do không tiêu thụ được hàng hóa bất động sản, trong khi đó vẫn phải trả lãi vay ngân hàng.

Công ty Quốc Cường Gia Lai có hoạt động chính là phát triển và kinh doanh bất động sản. Không đề cập nhiều đến việc QCG thua lỗ bao nhiêu tiền, chỉ cần “soi” các khoản vay của QCG từ những ngân hàng nào thì đủ biết ngân hàng đó đang phải “ôm” bao nhiêu khối nợ là bất động sản.

Trong năm 2011, QCG đã vay của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Chi nhánh Gia Lai) khoảng 11 tỷ đồng (lãi suất 16,5%/năm). Với tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất và tài sản trên đất lô số 1265 và 772 tại Phường Bình Trưng Tây, quận 2, TP. HCM; quyền sử dụng đất tại lô A5-1 Khu Đảo Xanh, TP. Đà Nẵng; quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại căn hộ số 12, ngõ 62, đường Cù Chính Lan, TP. Hà Nội với tổng trị giá là trên 12 tỷ đồng. Ngày đáo hạn là 24/11/2011.

Cùng năm, QCG vay Ngân hàng Liên doanh Việt Nga (chi nhánh Đà Nẵng) khoảng trên 40 tỷ đồng (lãi suất từ 12 - 17%/năm) cũng với một số tài sản đảm bảo là bất động sản.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam  (BIDV) cũng cho QCG vay khoảng 50 tỷ đồng (ngày đáo hạn 26/4/2011), tài sản đảm bảo là bất động sản và cổ phiếu của bà Nguyễn Thị Như Lan - Chủ tịch HĐQT của QCG.

Còn một số khoản vay dài hạn lên lên tới hàng trăm tỷ đồng cũng được QCG thế chấp bằng nhiều dự án bất động sản. Trong số này, BIDV cho vay nhiều nhất khoảng hơn 100 tỷ đồng (kỳ hạn trả gốc là ngày 15/3/2012).

Công ty của “đại gia” Đặng Thành Tâm cũng chịu thua lỗ trên lĩnh vực cho thuê đất, bán và cho thuê nhà xưởng. Ngoài ra “đại gia” Đặng Thành Tâm còn đưa ra nguyên nhân lớn nhất khiến kết quả kinh doanh năm 2011 bị lỗ là do tình trạng lãi suất cho vay luôn duy trì ở mức cao làm cho chi phí tài chính của Công ty tăng đột biến, tăng hơn 270% so với cùng kỳ năm 2010.

Tính đến khoảng thời gian từ cuối năm 2011, đầu năm 2012, Công ty SGT vẫn còn tới hơn chục dự án dở dang với tổng giá trị lên tới gần 700 tỷ đồng.

Các khoản vay ngắn hạn tại một số ngân hàng như Ngân hàng TMCP Phương Tây (150 tỷ đồng), Ngân hang TMCP Nam Việt (15 tỷ đồng), hợp đồng ngày 15/12/2011, với thời hạn vay là 12 tháng kể từ ngày giải ngân với lãi suất 24,92%/năm.

Khoản nợ dài hạn đến hạn trả vào ngày 31/12/2011 của 2 ngân hàng trên và thêm Ngân hàng TMCP Công Thương là 25 tỷ đồng.

Theo dẫn giải của SGT, khoản vay của Ngân hàng Phương Tây có một số hợp đồng ký từ đầu năm 2009, trong hạn mức tín dụng là 35 tỷ đồng, thời gian vay là 06 tháng, khoản vay này được đảm bảo bằng chính tài sản hình thành từ vốn này.

Một hợp đồng tín dụng khác cũng ký với Ngân hàng Phương Tây vào cuối tháng 5/2011, trị giá 150 tỷ đồng, lãi suất 22%/năm.

Khoản vay dài hạn tại Ngân hàng Nam Việt vào giữa tháng 8/2009, với hạn mức tín dụng là 21 tỷ đồng, thời gian vay là 60 tháng (ân hạn lãi phần nợ gốc). Khoản vay này nhằm thực hiện Dự án đầu tư xây dựng KCN Tân Phú Trung, Củ Chi. Tài sản đảm bảo bằng chính tài sản hình thành từ nguồn vốn vay.

Cũng ký với Ngân hàng Nam Việt một hợp đồng khác vào giữa tháng 6/2011, với số tiền vay khoảng 50 tỷ đồng, lãi suất 25,42%/năm. Khoản vay này dùng vào việc đền bù, giải tỏa mặt bằng dự án KCN Đại Đồng- Hoàn Sơn giai đoạn II, tỉnh Bắc Ninh. Thời gian vay lên tới 07 năm. Khoản vay này được đảm bảo bằng 1.200.000 cổ phiếu của Công ty Khoáng sản Sài Gòn Quy Nhơn – SQC.

Một khoản khác mà Ngân hàng Nam Việt cho SGT vay hồi đầu tháng 12/2011, với số tiền hơn 41 tỷ đồng, lãi suất 25,42%/năm, thời gian vay là 84 tháng. Khoản vay này lại được đảm bảo bằng hơn 11 triệu cổ phiếu của Ngân hàng Phương Tây.

Cũng dùng tài sản là các dự án hình thành bằng vốn vay, giữa tháng 8/2009, SGT đã vay của Ngân hàng Công Thương Quế Võ khoảng 80 tỷ đồng, để đầu tư xây dựng 50.000 m2 nhà xưởng tai Khu công nghiệp Đại Đồng – Hoàn Sơn...

Năm 2011, BHXH Hà Nội đã khởi kiện 3 đơn vị ra tòa gồm: CTCP CAVICO Điện lực tài nguyên, nợ số tiền 2,53 tỷ đồng; CTCP CAVICO giao thông nợ 2,1 tỷ đồng; CTCP CAVICO khoáng sản và công nghiệp nợ 319 triệu đồng.

Không công bố cụ thể, nhưng theo nguồn tin từ một số ngân hàng, những nhà băng đã chót cho Cavico vay hiện đang bí bách với đống tài sản thế chấp của Cavico.

“Đại gia” Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) có một hệ thống đồ sộ gồm nhiều công ty con, trong đó có cả công ty lĩnh vực xây dựng, bất động sản.

Năm 2011 là năm Hoàng Anh Gia Lai bị ứ đọng vốn vào nhiều dự án. Danh sách vay vốn ngân hàng của Hoàng Anh Gia Lai cũng khá dài, trong đó phải kể đến Ngân hàng BIDV, Vietcombank, Sacombank, Agribank, ACB, Vietinbank.

Theo báo cáo tài chính 2011 của HAGL, các khoản vay dài hạn năm 2011 chủ yếu được sử dụng để tài trợ cho các dự án xây dựng và phát triển thủy điện, trồng cây cao su, xây dựng căn hộ, khách sạn, khu nghỉ dưỡng và mua sắm máy móc thiết bị của Tập đoàn.

Các khoản vay dài hạn của HAGL chiếm khá nhiều tài sản đảm bảo là bất động sản, như, toàn bộ tài sản dự án Đắck Psi 2B; Quyền sử dụng đất tại 33 Nguyễn Công Trứ, TP. Buôn Mê Thuật, Đắk Lawk; toàn bộ tài sản nhà máy bê tông giai đoạn 1; trạm trộn bê tông; toàn bộ tài sản của Khách sạn HAGL; tòa nhà hội sở chính HAGL tại Gia Lai; giá trị quyền sử dụng đất và toàn bộ tài sản lien quan đến đất của Dự án căn hộ đầm sinh thái Quy Nhơn; quyền sử dụng đất của dự án An Tiến; giá trị quyền sử dụng đất và tài sản liên quan đến đất của dự án New Sài Gòn; dự án Đà Nẵng Plaza; dự án Dawsk Srong 2...

Báo cáo tài chính của HAGL cho thấy, toàn bộ số tiền vay và tài sản của Tập đoàn này được luân chuyển khá tốt. Lãnh đạo một trong những ngân hàng từng cho HAGL vay cho biết, riêng với HAGL nhiều ngân hàng sẵn sang cho vay hơn so với nhiều doanh nghiệp khác.. Bởi, tầm ảnh hưởng và quy mô, lĩnh vực hoạt động của HAGL khá lớn.

Trở lại câu chuyện nợ nần của nữ đại gia Diệu Hiền, hiện các công ty do bà Diệu Hiền làm chủ đang nợ khoảng gần chục ngân hàng với tổng nợ trên 1.000 tỷ đồng. Việc kinh doanh thua lỗ, nguyên nhân một phần là do Bianfishco sử dụng tiền vay không đúng mục đích như đầu tư vào bất động sản, chứng khoán…

Theo cáo cáo của Bianfishco gửi Ngân hàng Nhà nước và một số cơ quan chức năng khác, đã có 9 ngân hàng Bianfishco nợ, gồm: Ngân hàng Phát triển Nhà chi nhánh Cần Thơ 20 tỷ đồng; Ngân hàng Á Châu 61,3 tỷ đồng; Ngân hàng Xuất khẩu chi nhánh Sài Gòn trên 30 tỷ đồng; Ngân hàng An Bình 63,5 tỷ đồng với 10 triệu USD; Ngân hàng Đầu tư phát triển 139,2 tỷ đồng và 2,6 triệu USD; Ngân hàng Việt Thái chi nhánh TP. HCM 3,5 triệu USD; Ngân hàng Phát triển chi nhánh Cần Thơ - Hậu Giang 310,2 tỷ đồng; Ngân hàng Habubank chi nhánh TP. HCM 63,9 tỷ đồng và Ngân hàng Công thương chi nhánh Cần Thơ 3 tỷ đồng.

Sau khi quy đổi ngoại tệ, Bianfishco xác định tổng số nợ hiện nay là 1.275 tỷ đồng. Theo đánh giá của đơn vị kiểm toán thì tổng tài sản của doanh nghiệp này có khoảng trên 2.700 tỷ đồng.

Theo lời lãnh đạo một ngân hàng, nhiều khoản nợ của các "đại gia" đã được trả nhưng còn nhiều khoản khác vẫn tiếp tục phải trả trong dài hạn. Kinh doanh là phải vay vốn, đó là điều hết sức bình thường ở các doanh nghiệp. Tuy nhiên, tài sản thế chấp là bất động sản trong giai đoạn này quả là thách thức lớn cho cả ngân hàng và doanh nghiệp.

Cũng vị lãnh đạo này cho biết, nhiều ngân hàng ở trên nằm trong số những ngân hàng lớn nhất và những khoản vay trên chưa phải là những con số lớn nhất. Hiện còn nhiều ngân hàng khác đang chịu cảnh "ôm" đất chờ phát mãi vì nguy cơ không thu hồi được nợ.