HSBC đã hiện diện tại Việt Nam tròn 150 năm

HSBC đã hiện diện tại Việt Nam tròn 150 năm

Ngân hàng ngoại âm thầm tiến bước

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Không ồn ào, phô trương, các ngân hàng ngoại tại Việt Nam vẫn lặng lẽ song hành cùng ngành ngân hàng và nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020 đầy khó khăn...

Trái phiếu sẽ phát hành thường xuyên tại Việt Nam

Tháng 8/2020 chứng kiến Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC Việt Nam - ngân hàng nước ngoài đầu tiên phát hành thành công trái phiếu tại thị trường tài chính trong nước với tổng giá trị 600 tỷ đồng. Trái phiếu có tên gọi Hoa Sen theo quốc hoa của Việt Nam, mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, lãi suất phát hành cố định ở mức 5,8%/năm mệnh giá và có kỳ hạn 3 năm.

“Trái phiếu được các nhà đầu tư đăng ký vượt mức minh chứng cho thương hiệu mạnh của HSBC tại thị trường Việt Nam”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định.

Về sự kiện này, ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho biết: “Trái phiếu được phát hành nhân dịp 150 năm HSBC hiện diện tại Việt Nam, khẳng định cam kết lâu dài cũng như mong muốn giữ vai trò tiên phong trong sự phát triển không ngừng của các doanh nghiệp và thị trường vốn Việt Nam. Sau đợt trái phiếu thành công này, chúng tôi sẽ phát hành thường xuyên hơn, tiếp tục xây dựng vị thế ngân hàng quốc tế hàng đầu tại Việt Nam”.

Thông tin từ HSBC Việt Nam cho biết, số tiền từ đợt phát hành sẽ được sử dụng để tăng quy mô vốn hoạt động, đa dạng hóa nguồn vốn bằng tiền đồng nhằm phục vụ cho việc tăng trưởng kinh doanh bền vững của Ngân hàng trong thời gian tới.

Ngoài tăng quy mô vốn, trong năm qua, HSBC Việt Nam còn tiến hành nâng cấp, đổi mới mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch để mang lại diện mạo chuyên nghiệp và mới mẻ hơn, đáp ứng sự thay đổi hành vi và nâng cao trải nghiệm dịch vụ khách hàng.

Theo đó, Phòng giao dịch Thảo Điền đặt tại Trung tâm thương mại Pearl Center, tòa nhà Thảo Điền Pearl (địa chỉ 12 Quốc Hương) ngay trung tâm phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM đã được khai trương vào tháng 9/2020.

“Động thái này khẳng định cam kết phát triển thị trường Việt Nam, đem lại cho khách hàng những dịch vụ tài chính toàn diện và đẳng cấp toàn cầu thông qua mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch”, ông Pramoth Rajendran, Giám đốc Toàn quốc khối Quản lý tài sản và tài chính cá nhân, HSBC Việt Nam cho biết.

Tăng cường sự hỗ trợ từ công ty mẹ

Trong năm 2020, cũng lần đầu tiên một ngân hàng nước ngoài khác là Ngân hàng TNHH một thành viên Standard Chartered Việt Nam được tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings xếp hạng là Nhà phát hành nợ dài hạn bằng ngoại tệ và nội tệ lần lượt ở mức BB và BBB-, đồng thời đánh giá triển vọng tín nhiệm ở mức “Ổn định”.

Đánh giá từ Fitch Ratings được đưa ra dựa trên kỳ vọng nhận được sự hỗ trợ từ Tập đoàn mẹ Standard Chartered PLC, trụ sở đặt tại Vương quốc Anh, cho chi nhánh tại Việt Nam (với 100% vốn sở hữu của Tập đoàn). Việc xếp hạng tín nhiệm này phụ thuộc vào xếp hạng quốc gia ở mức BB của Fitch Ratings đối với Việt Nam và là mức xếp hạng cao nhất dành cho một ngân hàng đang hoạt động tại đây có thể đạt được.

Theo các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế, rủi ro từ các khống chế mức trần trong thanh toán khoản vay bằng đồng nội tệ thấp hơn so với những hạn chế trên đồng ngoại tệ. Do đó, Standard Chartered Việt Nam đạt mức xếp hạng nhà phát hành nợ dài hạn bằng VND cao hơn định hạng quốc gia tại mức BBB- phản ánh khả năng hỗ trợ vững mạnh từ Công ty mẹ.

“Việt Nam luôn là thị trường quan trọng đối với Standard Chartered, nơi chúng tôi đã có hơn 115 năm lịch sử hoạt động. Chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục đầu tư để phát triển chi nhánh tại Việt Nam và hỗ trợ khách hàng tốt hơn nữa. Báo cáo xếp hạng từ Fitch Ratings đã tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của Standard Chartered với Việt Nam và mục tiêu hỗ trợ hiệu quả khách hàng trong quá trình hiện thực hóa các tham vọng tăng trưởng”, ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Việt Nam và nhóm 5 nước ASEAN và Nam Á, Standard Chartered cho biết.

Không nói suông về cam kết giúp Việt Nam tạo nên sự khác biệt, Standard Chartered đã thể hiện bằng những hành động cụ thể, đó là cung cấp tín dụng cho nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam để bổ sung vốn lưu động phục vụ cho hoạt động sản xuất khẩu trang y tế, khẩu trang vải, áo bảo hộ y tế… như khoản vay hạn mức 63 tỷ đồng (khoảng 2,7 triệu USD) cho May Bắc Giang LGG, 70 tỷ đồng (khoảng 3 triệu USD) cho May Đồng Nai (Donagamex), 100 tỷ đồng (tương đương 4,3 triệu USD) cho Tổng công ty May 10…, hay khoản vay 35 tỷ đồng (khoảng 1,5 triệu USD) cho Nhựa Duy Tân phục vụ việc sản xuất chai nhựa cung ứng cho các doanh nghiệp sản xuất dung dịch sát trùng…

Như lời ông Nirukt Sapru nói, các khoản tín dụng trên “là một phần trong những nỗ lực không ngừng nghỉ của Standard Chartered nhằm hỗ trợ cho thêm nhiều doanh nghiệp Việt Nam hơn nữa thông qua gói tài chính toàn cầu 1 tỷ USD, đồng thời đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm đẩy lùi đại dịch”.

“Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, chúng tôi luôn hợp tác chặt chẽ với khách hàng, đối tác cũng như cộng đồng trong nỗ lực phòng chống dịch và khôi phục hoạt động kinh tế”, ông Nirukt Sapru nhấn mạnh.

Và một cam kết cho ngành ngân hàng Việt vững mạnh

Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngành ngân hàng Việt Nam đã tích cực chung tay cùng Chính phủ và các cơ quan quản lý trong việc hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn trong thời gian dịch bệnh cũng như trong thời kỳ phục hồi hoạt động kinh tế, góp phần quan trọng vào việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý…

“Đóng góp vào những thành quả trên không thể không nhắc đến vai trò của các đối tác nước ngoài, các tổ chức quốc tế, các đại sứ quán, phái đoàn ngoại giao. Sự giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời, tích cực của các tổ chức quốc tế và chính phủ các nước dành cho Việt Nam nói chung và ngành ngân hàng nói riêng được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặc biệt trân trọng, ghi nhận và biết ơn”, Thống đốc nói.

Thống đốc cũng nhấn mạnh về sự tin tưởng đối với các tổ chức tín dụng các nước tại Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong chặng đường mới để đạt được những thắng lợi mới.

“Chúng tôi đánh giá cao sự phối hợp, hợp tác và hỗ trợ đầy tích cực mà các tổ chức quốc tế, chính phủ các nước đã dành cho Việt Nam nói chung và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nói riêng, đặc biệt trong việc truyền thông các chủ trương, chính sách của Việt Nam ra cộng đồng quốc tế, giúp củng cố lòng tin nhà đầu tư, duy trì động lực phát triển”, bà Hồng nói.

Ông Nirukt Sapru, đại diện Nhóm Công tác ngân hàng (BWG) ghi nhận Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã luôn hợp tác chặt chẽ, phối hợp tích cực với BWG trong việc rà soát, giải quyết các vấn đề kỹ thuật thông qua các trao đổi, các cuộc họp tham vấn, hội thảo chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế, mang lại nhiều cải thiện tích cực và loại bỏ nhiều trở ngại. Các ngân hàng thành viên BWG cùng cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao và mong muốn tiếp tục cơ chế đối thoại chính sách tích cực này cùng với sự hỗ trợ không ngừng của Chính phủ, các bộ ngành và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

“BWG cam kết đồng hành, hỗ trợ Chính phủ trong việc xây dựng ngành ngân hàng vững mạnh và cải thiện môi trường đầu tư để Việt Nam tăng khả năng thu hút dòng vốn đầu tư lưu động và ngày càng khẳng định vị trí là điểm đến yêu thích của các nhà đầu tư nước ngoài - khu vực kinh tế đang đóng vai trò chủ đạo trong tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam”, ông Nirukt Sapru nói.

Tin bài liên quan