Áp lực tái cấu trúc hệ thống là một đòi hỏi sống còn, không chỉ với các nhà băng nhỏ, mà với ngay cả các ngân hàng lớn. (Ảnh: Internet)

Áp lực tái cấu trúc hệ thống là một đòi hỏi sống còn, không chỉ với các nhà băng nhỏ, mà với ngay cả các ngân hàng lớn. (Ảnh: Internet)

Ngân hàng nhỏ trước áp lực tái cấu trúc

(ĐTCK) Tuy không nằm trong diện tái cấu trúc theo yêu cầu của Chính phủ và NHNN, song trước áp lực đào thải của thị trường và khi chủ trương tái cơ cấu ngành đang được NHNN đẩy mạnh, các ngân hàng, nhất là ngân hàng nhỏ phải chạy đua thời gian tái cấu trúc bộ máy.

VietA Bank vừa mới công bố triển khai dự án tái cấu trú với quyết tâm và cam kết mạnh mẽ của HĐQT trong việc triển khai dự án tái cơ cấu và định vị chiến lược mới. Theo đó, dự án tái cơ cấu VietA Bank sẽ được triển khai thông qua 10 dự án cấu phần, với mục tiêu đưa Ngân hàng lọt vào top 15 ngân hàng lớn nhất Việt Nam trong giai đoạn 2013 - 2018. Vì thế, trong quá trình thực hiện tái cơ cấu, VietA Bank sẽ thu hút nhiều nhân sự có chất lượng cao. Đồng thời, trong quý IV năm nay, VietA Bank lên kế hoạch tăng vốn từ 3.098 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng.

Trên thực tế, kế hoạch tăng vốn đã được ĐHCĐ thông qua trong 2 kỳ đại hội trước, tuy nhiên, do điều kiện thị trường chưa cho phép, nên Ngân hàng không thể thực hiện được kế hoạch tăng vốn đã vạch ra.

VietA Bank cho biết, có thể sẽ lựa chọn và tìm kiếm cổ đông chiến lược có thương hiệu, năng lực và kinh nghiệm về quản trị điều hành để hỗ trợ Ngân hàng phát triển thành ngân hàng đa năng. Tuy nhiên, mục tiêu hàng đầu của VietABank trong năm nay là tái cơ cấu hệ thống và giải quyết nợ xấu. Do đó, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế được đặt ra ở mức tương đối thận trọng, 311 tỷ đồng, cao hơn 100 tỷ đồng so năm trước. Còn tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới mức 4%, so với tỷ lệ của năm trước là 5%.

Không chỉ với VietA Bank, những nhà băng nhỏ, vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng khác cũng đang phải đối mặt với áp lực tái cấu trúc. Vì thế, định hướng hoạt động của hầu hết ngân hàng nhỏ trong năm nay là ưu tiên tập trung tái cơ cấu để có thể tồn tại và tránh làn sóng mua bán, sáp nhập (M&A) được dự báo sẽ dần sôi động hơn.

Bà Nguyễn Thị Xuân Loan, Chủ tịch HĐQT NamA Bank cho biết, năm 2013, NamA Bank tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức phù hợp với quy mô và sự phát triển của Ngân hàng trong giai đoạn phát triển mới, tăng năng lực tài chính thông qua việc tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 3.700 - 4.000 tỷ đồng. NamA Bank tích cực thu hồi triệt để nợ xấu, thực hiện các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng theo quy định của NHNN cũng như thu hút, đào tạo nguồn nhân lực về chất.

Trong năm 2013, NamA Bank phấn đấu nâng tổng tài sản lên mức 28.000 tỷ đồng, tăng 74,72% so với năm 2012, lợi nhuận trước thuế phấn đấu đạt 400 tỷ đồng.

Mới đây, sự kiện được giới tài chính đánh giá cao là IFC chính thức trở thành cổ đông lớn của ABBank sau khi chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu phổ thông. Với sự tham gia góp vốn của IFC và phần vốn nhằm duy trì tỷ lệ sở hữu 20% của Maybank, vốn điều lệ của ABBank tăng từ gần 4.200 tỷ đồng lên gần 4.800 tỷ đồng.

Phát biểu tại ĐHCĐ ABBank ngày 28/4 vừa qua, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT ABBank cho biết, Ngân hàng được các đối tác đánh giá như một ngân hàng có uy tín và chấp nhận hợp tác, vì họ nhìn thấy được ABBank có chiến lược, tầm nhìn tốt, phù hợp cho sự đầu tư an toàn và bền vững. Một trong những công tác trọng tâm mà ABBank thực hiện được trong năm 2012 nhằm xây dựng ngân hàng phát triển ổn định là dự án tái cấu trúc với nhà tư vấn Deloitte Consulting. Dự án tái cấu trúc ngân hàng đã được sự ủng hộ và trợ giúp từ các cổ đông lớn của ABBank như Maybank, EVN, IFC và Geleximco….

Năm 2013, trước dự báo còn nhiều khó khăn đối với hoạt động của ngành ngân hàng, áp lực tái cấu trúc hệ thống là một đòi hỏi sống còn, không chỉ với các nhà băng nhỏ, mà với ngay cả các ngân hàng lớn. Chủ tịch HĐQT ABBank cho biết, ngay cả một định chế tài chính lâu năm và vững mạnh như Maybank cũng phải cải tổ và họ đã thành công sau thời gian thực hiện từ năm 2008 - 2011.

“Tái cấu trúc là một vấn đề khó, nhưng muốn phát triển phải đổi mới, phải chấp nhận những khó khăn và hy sinh ban đầu để có được cuộc ‘cách mạng’ thành công. Và quan trọng là cải cách phải từng bước chứ không san bằng, với những bước đi thận trọng nhưng tích cực”, ông Tiền đánh giá.

Theo các chuyên gia kinh tế, đối với các ngân hàng thương mại cổ phần quy mô nhỏ, thì ngoài việc vốn điều lệ còn thấp, hệ số CAR (hệ số an toàn vốn) tối thiểu chưa cao, thì nợ xấu cũng đang có xu hướng tăng. Vì thế, tái cơ cấu được xem là vấn đề nóng đối với lĩnh vực ngân hàng trong thời gian tới. Do đó, làn sóng sáp nhập, hợp nhất cũng sẽ sôi động hơn.

Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đang là mục tiêu trọng điểm được NHNN đẩy mạnh, trong đó 4 ngân hàng nhỏ nằm trong danh sách phải tái cơ cấu là GP.Bank, Navibank, TrustBank và Western Bank. Đến thời điểm này, đã có 2 nhà băng là TrustBank và Western Bank đã có phương án tái cấu trúc. Trong đó, TrustBank chọn giải pháp bán cho cổ đông chiến lược, với nhóm cổ đông mới vào nắm giữ khoảng 84% cổ phần của TrustBank, trong đó, riêng Tập đoàn Thiên Thanh chiếm hơn 9% tỷ lệ cổ phần của ngân hàng này. TrustBank cũng vừa chính thức đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam .

HĐQT TrustBank cho biết, đề án tái cấu trúc Ngân hàng đang từng bước được triển khai và hướng chuyển sang mô hình ngân hàng xây dựng để phục vụ các doanh nghiệp trong ngành - vốn là thế mạnh của nhóm cổ đông mới tham gia vào Ngân hàng.

WesternBank đã chọn phương án sáp nhập với PVFC, còn Navibank và GP.Bank đến thời điểm này vẫn chưa tiết lộ thông tin về đề án tái cấu trúc.