Năm 2009, Sacombank chủ trương giữ vững nhịp độ tăng trưởng ở mức 25 - 30% so với cuối năm 2008.

Năm 2009, Sacombank chủ trương giữ vững nhịp độ tăng trưởng ở mức 25 - 30% so với cuối năm 2008.

Ngân hàng thận trọng với kế hoạch mở rộng mạng lưới

(ĐTCK) Khi xây dựng kế hoạch cho năm 2008, nhiều ngân hàng đều đưa ra các chỉ tiêu tăng trưởng mạnh, trong đó đáng chú ý là việc mở rộng mạng lưới hoạt động ở các tỉnh, thành. Song với kế hoạch dự kiến cho năm 2009, một số ngân hàng cho biết, sẽ thận trọng hơn trong việc mở rộng mạng lưới kinh doanh. Một phần, do thị trường còn khó khăn, khách hàng chưa mặn mà với việc vay vốn ngân hàng. Trong khi đó, mở rộng mạng lưới đòi hỏi phải có nguồn thu và chậm nhất 1 năm phải đóng góp vào tổng lợi nhuận cho ngân hàng. Mặt khác, trong năm qua, nhiều ngân hàng đã mở rộng quá nhanh mạng lưới hoạt động.

Theo kế hoạch trong năm tới, ACB mở thêm 45 điểm giao dịch mới (cả chi nhánh và phòng giao dịch) so với kế hoạch thực hiện trong năm nay là mở mới 90 điểm, nâng tổng số toàn hệ thống ACB lên gần 193 điểm.

Ông Võ Văn Châu, Tổng giám đốc OCB cho biết, kế hoạch mở rộng mạng lưới từ nay đến năm 2010 của OCB là trên 100 điểm trên toàn quốc, nên đòi hỏi hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin đạt tiêu chuẩn quốc tế. Do đó, OCB vừa ký hợp đồng hợp tác triển khai hệ thống ngân hàng lõi với Temenos (Thụy Sỹ). Mạng lưới hoạt động của OCB hiện tăng đến 68 chi nhánh, phòng giao dịch, phủ kín 17 tỉnh, thành trên cả nước.

Theo ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Sacombank, năm 2009 được nhiều chuyên gia nhận định, kinh tế trong nước còn khó khăn, thách thức bởi độ ngấm của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, mà chịu ảnh hưởng nặng nề nhất có thể là lĩnh vực xuất khẩu, đầu tư nước ngoài, dịch vụ du lịch và đặc biệt là ngành tài chính - ngân hàng. Năm 2009, Sacombank chủ trương giữ vững nhịp độ tăng trưởng ở mức 25 - 30% so với cuối năm 2008. Hiện vốn điều lệ của Ngân hàng đạt 5.116 tỷ đồng, với gần 250 chi nhánh, phòng giao dịch tại 44 tỉnh, thành trên cả nước, 1 văn phòng đại diện ở Trung Quốc và 1 chi nhánh tại Lào.

Năm 2008, Sacombank đã mở mới 38 phòng giao dịch, 2 chi nhánh (trong đó có một chi nhánh tại Lào) và 1 văn phòng đại diện ở Trung Quốc. Chiến lược phát triển của Sacombank từ nay đến năm 2010 là tiếp tục tăng nhanh về năng lực tài chính; mở rộng hệ thống mạng lưới hoạt động đến nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc, đồng thời vươn đến một số quốc gia ngoài lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, so với 2 năm qua, kế hoạch trong năm tới của Ngân hàng có phần khiêm tốn hơn, dự kiến mở thêm 4 chi nhánh trong nước và 1 chi nhánh ở Campuchia cùng 26 phòng giao dịch trên toàn quốc.

Thực hiện chiến lược trở thành một trong những ngân hàng bán lẻ hàng đầu, kế hoạch trong năm 2008 của nhiều ngân hàng là mở rộng mạng lưới hoạt động, tiếp cận với người tiêu dùng. Thế nhưng, theo tìm hiểu của ĐTCK, hiện một số ngân hàng phải hoãn kế hoạch triển khai thêm một số điểm giao dịch mới theo kế hoạch đã định từ đầu năm, nhất là ngân hàng mới gia nhập thị trường và quy mô nhỏ, do thị trường diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh; tăng trưởng tín dụng giảm mạnh so với năm trước. Trong khi đó, lãi suất huy động tăng vọt, khiến ngân hàng không bù đắp được chi phí thuê mặt bằng, trả lương cho nhân viên.

Đây cũng chính là nguyên nhân khiến một số ngân hàng phải ngưng triển khai các điểm giao dịch mới trong năm nay và thận trọng hơn vào năm tới. Tổng giám đốc một ngân hàng thừa nhận, vẫn biết việc mở chi nhánh, phòng giao dịch mới là cơ hội tốt để nâng cao thương hiệu, tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng, nhưng trong năm 2008, lợi nhuận của các điểm giao dịch mở mới (kể cả từ đầu năm) vẫn không đóng góp được vào tổng lợi nhuận của ngân hàng. Ngược lại, ngân hàng còn phải bù lỗ chi phí thuê mặt bằng và trả lương cho nhân viên. Vì vậy, việc mở mới thêm nhiều điểm giao dịch trong năm tới sẽ rất thận trọng, do thị trường còn khó khăn.