Ngân hàng tìm cách bù đắp tổn thất

Ngân hàng tìm cách bù đắp tổn thất

(ĐTCK-online) Mặc dù kết thúc 8 tháng đầu năm, con tàu lợi nhuận của một số ngân hàng lớn đều giữ được vận tốc khá ổn định và có khả năng về đích trước hạn, nhưng nhiều con tàu khác đang phải gồng mình trước những khó khăn do tác động của quyết định tăng mạnh dự trữ bắt buộc và Chỉ thị 03/2007/CT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.

Nguồn thu giảm, chi phí đội cao

Từ tháng 6/2007, việc tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc lên gấp đôi, từ 5% lên 10%, đã bắt đầu tác động mạnh vào hoạt động của các ngân hàng. Cụ thể, theo tính toán của ông Nguyễn Khắc Thân, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), chi phí của BIDV sẽ tăng lên ít nhất 0,25%/năm. Với quy mô của ngân hàng hàng đầu Việt Nam , đó là một khoản chi phí lớn, đồng nghĩa với lợi nhuận sẽ bị chia sẻ. Ngay như với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), tỷ lệ dự trữ bắt buộc được áp dụng thấp hơn (8% thay vì 10%), nhưng đại diện lãnh đạo ngân hàng này cũng khẳng định, chi phí đầu vào đội cao sẽ níu kéo tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng trong năm nay.

Trong khi đó, lợi nhuận của các ngân hàng thương mại, đặc biệt là khối ngân hàng cổ phần, đang bị cắt giảm từ nguồn cho vay đầu tư chứng khoán. Chỉ thị 03 đã “đánh” đúng vào thời điểm hoạt động tín dụng này sôi động, thậm chí trở thành một kênh tạo lợi nhuận chính của một số ngân hàng cổ phần. Tại một số ngân hàng mới chuyển đổi, lo ngại về mục tiêu lợi nhuận năm nay khó hoàn thành đang lớn dần, bởi các ngân hàng này mới nhập cuộc sân chơi lớn, thị phần và sản phẩm dịch vụ đang định hình, nguồn thu nhanh và thuận lợi chủ yếu là cho vay đầu tư chứng khoán.

 

Năng động dịch chuyển

Tính đến hết tháng 8, lợi nhuận của những ngân hàng lớn hầu hết đều khả quan. Hai đầu tàu khối ngân hàng cổ phần là Ngân hàng Á châu (ACB) và Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vẫn đảm bảo những con số có giá trị tuyệt đối lớn nhất. ACB, một ngân hàng từng có hoạt động cho vay đầu tư chứng khoán khá mạnh, vẫn giữ được tốc độ tăng lợi nhuận, hiện đạt hơn 1.100 tỷ đồng trước thuế và nhiều khả năng sẽ hoàn thành 1.600 tỷ đồng lợi nhuận cả năm. Với Sacombank, con số đó hiện là 900 tỷ đồng. Theo ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Sacombank, với đà tăng trưởng hiện có cùng với mùa cao điểm cuối năm, Ngân hàng sẽ sớm hoàn thành mục tiêu 1.200 tỷ đồng lợi nhuận cả năm 2007; thậm chí, con số 1.400 tỷ đồng có thể hướng tới. Những ngân hàng khác như Eximbank, Techcombank, MB, VIB Bank, VPBank… cũng đang tăng tốc về đích. Trong đó, MB đã đạt 96% kế hoạch cả năm (405 tỷ đồng), quý IV dự báo sẽ là phần vượt mục tiêu; VIB Bank đã đạt 75% kế hoạch và còn cách mục tiêu cả năm gần 100 tỷ đồng; Techcombank cũng đạt 434 tỷ đồng sau 8 tháng…

Theo ông Trịnh Thanh Bình, Phó tổng giám đốc VIB Bank, các ngân hàng cổ phần đang ngày càng năng động hơn; cơ cấu lợi nhuận cũng đã mở rộng và đa dạng hơn, trong đó đáng chú ý là sự chuyển dịch dần sang dịch vụ thay cho sự chi phối nguồn thu từ tín dụng. Dù mới tham gia thị trường thẻ nhưng chỉ riêng doanh số giao dịch qua hệ thống ATM của VIB Bank đã vượt trên 132 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.

Ông Lê Đắc Sơn, Tổng giám đốc VPBank dự báo rằng, trong tương lai cơ cấu lợi nhuận của các ngân hàng có thể sẽ đạt 60% từ tín dụng, 40% từ dịch vụ và hoạt động khác. Đây cũng là lý do để VPBank đẩy mạnh dịch vụ thẻ và thanh toán trong năm nay.

“Tôi cho rằng, cho vay đầu tư chứng khoán chỉ là một cấu thành trong tổng lợi nhuận và mang tính thời vụ. Ngay khi có hạn mức, những cấu thành khác đã nhanh chóng chuyển dịch để bù đắp. Bản thân các ngân hàng luôn tính toán trước những khả năng có thể xảy ra để chủ động với mục tiêu lợi nhuận”, lãnh đạo một ngân hàng nói. Điều dễ nhận thấy trong thời gian gần đây là các ngân hàng liên tục phát triển những dịch vụ mới, tăng cường giải ngân để bù đắp cho những “tổn thất” nêu trên.