Ngân hàng Việt: Hướng tới chuẩn mực hoạt động mới

Ngân hàng Việt: Hướng tới chuẩn mực hoạt động mới

(ĐTCK) Có những tổ chức tín dụng đã hội tụ đủ nội lực, “nhẹ gánh” bước tới một giai đoạn phát triển mới; có những đơn vị vẫn còn đang phải nỗ lực xử lý những vấn đề, hệ lụy của quá trình tăng trưởng nóng một thời, nhưng trao đổi với Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng, lãnh đạo các ngân hàng, công ty tài chính đều rõ ràng một tâm thế hướng tới những chuẩn mực phát triển mang tầm quốc tế.

2019 - năm chuyển đổi ngân hàng số của Vietcombank

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank

Trọng tâm kinh doanh 2019 của Vietcombank tiếp tục hướng vào ba trụ cột: bán lẻ, dịch vụ, đầu tư (kinh doanh vốn). Theo đó, Vietcombank đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm gắn liền với hiệu quả và chất lượng; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, tích cực công tác xử lý, thu hồi nợ. Quyết liệt triển khai huy động vốn theo định hướng, tích cực tập trung phát triển sản phẩm dịch vụ và tập trung tối đa các nguồn lực cũng như giải pháp tăng trưởng mạnh nguồn thu nhập từ dịch vụ.

Cụ thể, tăng tỷ trọng thu nhập phi tín dụng (trọng tâm là thu dịch vụ) trên tổng thu nhập; tập trung tối đa các nguồn lực và giải pháp tăng trưởng mạnh nguồn thu nhập từ dịch vụ; chuyển dịch một phần cơ cấu thu nhập từ lãi sang thu dịch vụ; rà soát, tiếp tục điều chỉnh các biểu phí (bao gồm bán buôn, bán lẻ, thanh toán…) đảm bảo cạnh tranh nhưng vẫn tăng hiệu quả thu dịch vụ cho Ngân hàng.

Đặc biệt, xác định 2019 là năm chuyển đổi ngân hàng số của Vietcombank. Theo đó, đẩy nhanh kế hoạch triển khai dự án chuyển đổi ngân hàng số, ứng dụng công nghệ để phát triển dịch vụ ngân hàng thông minh và đi đầu về chuyển đổi ngân hàng số. Nghiên cứu thành lập Trung tâm Ngân hàng số.

Tập trung nguồn lực và đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình/dự án thuộc Đề án phát triển công nghệ thông tin đến năm 2020. Tiếp tục triển khai nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, đảm bảo đáp ứng đủ tài nguyên cho các dự án được triển khai theo lộ trình đã được phê duyệt. Triển khai thực hiện các nội dung thay đổi chính sách, quy trình tác nghiệp nội bộ của Vietcombank theo lộ trình đối với những thay đổi của hệ thống corebanking mới.

Tập trung ưu tiên bán lẻ, SME

Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV

Năm 2019, BIDV tập trung xây dựng, ban hành và triển khai Chiến lược phát triển của BIDV đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và chiến lược phát triển đối với từng phân khúc khách hàng, trong đó tập trung ưu tiên bán lẻ, SME. Nâng cao chất lượng tài sản, đặc biệt là chất lượng tín dụng, quyết liệt triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu, tăng cường các biện pháp thu hồi các khoản nợ tiềm ẩn rủi ro, nợ xấu.

Cụ thể: tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, phù hợp với định hướng điều hành của NHNN và năng lực vốn của BIDV; nâng cao năng lực quản trị rủi ro tín dụng thông qua việc tăng cường năng lực đánh giá, thẩm định tín dụng; hoàn thiện hệ thống cảnh báo sớm và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý rủi ro tín dụng; nghiên cứu lộ trình tập trung hoá, từng bước phê duyệt tín dụng, quản trị tín dụng tại Trụ sở chính gắn liền với tiến độ triển khai, vận hành các dự án CROM, số hoá…

Triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp xử lý nợ xấu thông qua tăng cường năng lực xử lý nợ cho Trung tâm Xử lý nợ, Công ty BAMC gắn với trách nhiệm xử lý nợ của các đơn vị, cá nhân có liên quan; xây dựng cơ chế khuyến khích và chế tài xử phạt đủ mạnh trong hoạt động xử lý nợ.

Nâng cao năng lực tài chính, trong đó tập trung thực hiện tăng vốn điều lệ từ phát hành cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư tài chính và thực hiện các biện pháp tăng vốn khác như phát hành trái phiếu cấp 2, tăng vốn từ nguồn nội lực của BIDV…

Gia tăng tính tuân thủ trong kỷ cương, kỷ luật điều hành và nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực của công tác kiểm tra giám sát nội bộ. Tiếp tục kiện toàn nhân sự quản lý, điều hành các cấp…

6 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019

Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank

Năm 2019, trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức đan xen, bám sát mục tiêu kế hoạch kinh doanh trung hạn và phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 và phù hợp với chiến lược phát triển, VietinBank tiếp tục đổi mới, sáng tạo, nắm bắt cơ hội thị trường.

Theo đó, Ngân hàng sẽ chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình kinh doanh dựa vào tăng trưởng quy mô là chính sang dựa vào cải thiện, phát triển chất lượng dịch vụ và nâng cao hiệu quả kinh doanh trên cơ sở nền tảng ngân hàng hiện đại và đa dịch vụ, nâng cao năng lực quản trị tài chính, đổi mới hệ thống quản trị phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế tiên tiến, nâng cao chất lượng công tác quản trị rủi ro, kiểm soát tốt chất lượng tăng trưởng.

Một số nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động kinh doanh năm 2019 như sau: (i) Triển khai hiệu quả kế hoạch hành động tại phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020, xử lý triệt để các vấn đề còn tồn tại;

(ii) Tập trung cải thiện hiệu quả, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý gắn với quản lý tốt chất lượng tăng trưởng;

(iii) Cải thiện mạnh mẽ chất lượng dịch vụ, phát triển đa dạng sản phẩm dịch vụ hiện đại, không ngừng cải tiến, tinh gọn, hiện đại hóa quy trình cung cấp sản phẩm dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng;

(iv) Tiếp tục thực hiện đồng bộ và mạnh mẽ các giải pháp nhằm tăng vốn tự có; tái cấu trúc danh mục tài sản có rủi ro;

(v) Đẩy mạnh thu hồi nợ, xử lý rủi ro nợ xấu, nợ bán VAMC, nâng cao chất lượng tài sản;

(vi) Phát huy truyền thống, giữ vững vai trò là ngân hàng thương mại nhà nước chủ lực, tiếp tục thực hiện tốt các công tác an sinh xã hội, đóng góp cho cộng đồng.

Chất lượng tăng trưởng là kim chỉ nam cho mọi hành động

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank

Ban lãnh đạo và HĐQT VPBank đã đặt ra mục tiêu thực tế và tập trung, đó là tập trung phát triển ngân hàng sâu hơn. 5 năm đầu tiên, chúng tôi phát triển mở rộng quy mô ngân hàng, nâng tầm ngân hàng 60.000 - 70.000 tỷ đồng lên gần 300.000 tỷ đồng.

Tăng trưởng tiếp tục là một trong những động lực quan trọng, tuy nhiên tập trung vào củng cố và tạo ra tăng trưởng chiều sâu, tăng trưởng chất lượng. Khẩu hiệu của VPBank là chất lượng của sự tăng trưởng trở thành kim chỉ nam cho suốt quá trình quản trị và điều hành của Ban lãnh đạo.

Năm 2018 có nhiều sự thay đổi trên thị trường tài chính - ngân hàng với việc các ngân hàng bắt đầu dần phục hồi và mở rộng hoạt động, nên sự cạnh tranh lớn hơn. Các quy định của cơ quan quản lý nhà nước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng ngày càng rõ ràng, minh bạch và yêu cầu có chất lượng quản trị cao hơn.

Điều đó thúc đẩy những cải cách sâu rộng để VPBank luôn đáp ứng những tiêu chuẩn cao nhất của một ngân hàng tiên tiến. VPBank sẽ nỗ lực duy trì sự tăng trưởng cao hơn mức trung bình của toàn ngành và đồng thời tạo ra được sự thay đổi về chất, chuẩn bị những bước quan trọng cho các năm kế tiếp.

Về cơ bản, các chỉ số chính của Ngân hàng trong năm 2018 đều đạt trên mức 90%. Mức hoàn thành có thấp hơn so với các năm trước bởi các nguyên do: Thứ nhất, yếu tố khách quan là năm 2018, các yêu cầu kiểm soát của NHNN được tăng cường nên hạn mức tăng trưởng tín dụng của VPBank cũng như FE Credit thấp hơn so với phương án dự kiến.

Thứ hai, yếu tố chủ quan là chính Ban lãnh đạo Ngân hàng cũng chủ động chậm lại nhằm khắc phục một số rủi ro nảy sinh trong quá trình phát triển mạnh mẽ theo chiều rộng của các năm trước.

Thứ ba, thị trường chứng khoán không thuận lợi nên kế hoạch tăng vốn của VPBank dự kiến trong năm 2018 không được thực hiện, do vậy thiếu hụt nguồn vốn ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh…

Hướng đến mục tiêu ngân hàng bán lẻ hàng đầu

Ngân hàng Việt: Hướng tới chuẩn mực hoạt động mới ảnh 6

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch HĐQT HDBank

HDBank hiện đứng thứ 8 trong hệ thống ngân hàng thương mại dựa trên các chỉ số huy động, dư nợ, tổng tài sản. Về lợi nhuận, HDBank đứng thứ 6 trong hệ thống. Lợi thế phát triển của Ngân hàng là có sự gắn bó tin tưởng của cổ đông. Bên cạnh đó, Ngân hàng cũng có đội ngũ cán bộ công nhân viên có chuyên môn, tâm huyết, gắn bó với khách hàng, tốt cho kênh phân phối.

Kênh phân phối của Ngân hàng cũng rộng khắp, bên cạnh các phòng giao dịch của riêng HDBank, còn điểm giao dịch của các công ty tài chính tiêu dùng. Ngân hàng có hệ sinh thái khách hàng rộng lớn, dữ liệu khách hàng hơn 7 triệu người. Cổ đông 

Vietjet hiện có tài khoản thanh toán và thu chi hộ tại HDBank nên có cơ hội tiếp cận tập khách hàng của Vietjet (kế hoạch vận chuyển 27 triệu khách). Với kế hoạch sáp nhập thêm PGBank trong thời gian tới, HDBank có thỏa thuận với Petrolimex về việc tiếp cận tập khách hàng xăng dầu khổng lồ, ngoài ra còn nhiều khách hàng với các đối tác khác... Đây là những điều kiện thuận lợi, lợi thế để HDBank hướng đến mục tiêu ngân hàng bán lẻ hàng đầu, tốt nhất Việt Nam.

Năm 2018, lợi nhuận sau thuế của HDBank đạt 3.202 tỷ đồng, tăng gần 64% so với năm trước đó. Các chỉ tiêu khác như tổng tài sản tăng 14,4%, dư nợ tín dụng tăng 17,8%. Với kết quả đó, Ngân hàng trình cổ đông thông qua phương án phân phối lợi nhuận 2018 với tỷ lệ chia cổ tức bằng cổ phiếu 10%. Phần lợi nhuận giữ lại sau khi chia cổ tức (1.605 tỷ đồng) sẽ được sử dụng vào mục đích bổ sung vốn hoạt động. Bên cạnh đó, HDBank phát hành 20% cổ phiếu thưởng từ nguồn thặng dư vốn cổ phần tích lũy được để tăng vốn điều lệ (1.962 tỷ đồng).

Năm 2019, HDBank đặt kế hoạch huy động vốn tăng 20%, dư nợ tín dụng tăng hơn 24% và không vượt quá hạn mức do NHNN phê duyệt, mạng lưới điểm giao dịch tăng từ 285 điểm lên 308 điểm. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế kế hoạch của HDBank năm nay là 5.077 tỷ đồng, tăng 27% so với năm trước; tổng tài sản tăng 16%, lên 250.066 tỷ đồng.

ACB đã đạt chuẩn Basel II

Ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ACB

NHNN vừa ban hành Quyết định 845 đồng ý cho ACB áp dụng chuẩn Basel II vào ngày 22/4/2019. Theo đánh giá của HĐQT, việc áp dụng chuẩn Basel II không ảnh hưởng gì đến tình hình hoạt động của Ngân hàng, bởi tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của ACB là 9%, cao hơn yêu cầu là 8%.

Năm 2019, ACB đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 15%; tín dụng tăng 13%; tỷ lệ nợ xấu dưới 2%; lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 7.279 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 5.823 tỷ đồng; chia cổ tức 30%, trong đó 20% bằng cổ phiếu, 10% bằng tiền mặt. Đồng thời, tổng tài sản tăng 15%, tín dụng tăng 13% và tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.

Cũng trong năm 2019, ACB thực hiện kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm hơn 3.741 tỷ đồng từ chia cổ tức bằng cổ phiếu phổ thông cho cổ đông, tương đương phát hành tối đa thêm hơn 374 triệu cổ phiếu. Tổng vốn điều lệ dự kiến tăng từ gần 12.886 tỷ đồng lên tối đa 16.627 tỷ đồng.

Ngoài ra, để tăng vốn cho hoạt động kinh doanh, HĐQT trình phương án bán cổ phiếu quỹ trong năm, với tổng số lượng dự kiến bán tối đa 6,222 triệu cổ phiếu, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Trong thời gian tới, chiến lược của ACB là tiếp tục đẩy mạnh thu nhập phi tín dụng. ACB đặt mục tiêu thu nhập từ 3 mảng lớn tăng trong năm 2019, gồm bancassurance (tăng gấp 3 lần so với 2018), thẻ (tăng trưởng 40%), thu phí bảo lãnh, thanh toán nước ngoài (tăng 30%). Mảng bán lẻ hiện đóng góp khoảng 60% thu nhập và chiếm khoảng 50% tổng lợi nhuận Ngân hàng. Vì vậy, ACB đẩy mạnh đầu tư số hóa trong Ngân hàng và đó cũng là xu thế tất yếu hiện nay.

Từ năm 2017, ACB bắt đầu đầu tư để số hóa một số quy trình. Việc tự động hóa đang được thực hiện từng bước, hiện có mảng thanh toán nước ngoài, quy trình cấp tín dụng đều đã được tự động hóa. Với mảng thanh toán nội địa, ACB có chương tình nâng cấp mobile banking, dự kiến bắt đầu hoạt động trong tháng 5 - 6/2019.

Đội ngũ nhân sự giỏi chuyên môn và giàu nhiệt huyết là khối tài sản vô giá

Bà Trần Tuấn Anh, Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc Kienlongbank

Tại phiên họp ĐHCĐ thường niên 2019 của Kienlongbank diễn ra trong tháng 4/2019, cổ đông đã thống nhất thông qua các báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh 2018 và định hướng kinh doanh năm 2019.

Các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2019 được thông qua là tổng tài sản 50.000 tỷ đồng, tăng 18,18%; tổng nguồn vốn huy động 45.200 tỷ đồng, tăng 20,54%; dư nợ cấp tín dụng 33.900 tỷ đồng, tăng 15,02% (thực hiện khi được NHNN chấp thuận); lợi nhuận trước thuế 306 tỷ đồng; kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 2%; cổ tức dự kiến chia 13%.

Kienlongbank sẽ tập trung đẩy mạnh thu hồi nợ xấu và phấn đấu tất toán toàn bộ 100% trái phiếu đặc biệt đã bán VAMC trước ngày 31/12/2019. Đồng thời, tiếp tục thực hiện lộ trình cơ cấu lại Ngân hàng giai đoạn 2016 - 2020.

Ngoài ra, Kienlongbank sẽ tập trung hoàn thiện và nâng cấp hệ thống quản trị rủi ro phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực của Ủy ban Basel và lộ trình triển khai Basel II, hoàn chỉnh hệ thống kiểm soát nội bộ theo quy định của NHNN.

Có thể nói, trong năm 2018, hầu như tất cả các lĩnh vực kinh doanh của Kienlongbank đều đạt kết quả khả quan. Để có được những kết quả ấy, ngoài sự hỗ trợ và giúp đỡ từ phía NHNN Việt Nam, sự tin tưởng, ủng hộ của đối tác, cổ đông và khách hàng, thì sự đồng lòng, nỗ lực của tập thể CBNV là yếu tố quyết định.

Bên cạnh đó, Ban lãnh đạo Kienlongbank đã có những chiến lược phát triển rõ ràng, kiên định và quyết liệt trong triển khai chiến lược. Cùng với đội ngũ nhân sự giỏi chuyên môn và giàu nhiệt huyết - đó là khối “tài sản vô giá” của Ngân hàng mà Ban lãnh đạo luôn sẵn sàng đầu tư để Kienlongbank nhanh chóng phát triển lên tầm cao mới.

2018 còn là một năm hợp tác thành công của Kienlongbank với những đối tác lớn như: Tổ chức thẻ tín dụng quốc tế JCB, Công ty TNHH Tư vấn KPMG, Công ty Bảo hiểm nhân thọ AIA Việt Nam… Đó là tiền đề để năm 2019, Kienlongbank tiếp tục hoàn thiện các danh mục sản phẩm cũng như hoạt động kinh doanh, triển khai những kênh sản phẩm mới với nhiều ưu đãi giúp khách hàng có thêm những giải pháp tài chính phù hợp.

Tập trung phát triển theo mô hình ngân hàng số

Ngân hàng Việt: Hướng tới chuẩn mực hoạt động mới ảnh 10

Ông Nguyễn Thanh Nhung, Tổng giám đốc VietBank

Sau hơn 2 năm triển khai, VietBank đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống công nghệ thông tin phục vụ việc quản lý dữ liệu, tính toán vốn tự có, tài sản tính theo rủi ro tín dụng, vốn yêu cầu cho rủi ro hoạt động, vốn yêu cầu cho rủi ro thị trường và tỷ lệ an toàn vốn theo yêu cầu của Thông tư 41. VietBank đã thực hiện tính tỷ lệ an toàn vốn tính theo Thông tư 41 tại thời điểm 30/3/2019 và kết quả là lớn hơn mức quy định của Thông tư 41.

Bắt đầu từ cuối quý I/2019, VietBank đã tổ chức thu thập những thông tin cần thiết để thực hiện tính tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của Thông tư 41 theo tiêu chuẩn Basel II. Trong quý II/2019, Ngân hàng sẽ nộp hồ sơ lên NHNN để xin áp dụng tính tỷ số an toàn vốn tối thiểu trước thời hạn.

Với tỷ lệ người sử dụng Internet thuộc top đầu thế giới tính theo quy mô dân số với 84% người sử dụng điện thoại thông minh, Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên của một cuộc cách mạng số. Dịch vụ ngân hàng cũng không thể đứng ngoài cuộc.

Do đó, Ban lãnh đạo VietBank đã có định hướng chiến lược rõ ràng và nhất quán trong việc tập trung phát triển Ngân hàng theo mô hình ngân hàng số, nhằm nhanh chóng bắt kịp và tận dụng xu thế của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

VietBank đã thành lập Khối Dịch vụ Ngân hàng số với đội ngũ nhân sự có chuyên môn tốt, được đào tạo và cập nhật các kiến thức công nghệ hiện đại, chuyên trách phát triển, vận hành các sản phẩm dịch vụ ngân hàng số. Chúng tôi đầu tư mạnh mẽ cho nền tảng công nghệ thông qua ba mũi nhọn gồm: Thay thế toàn bộ hệ thống phần mềm ngân hàng lõi corebanking của Finastra, đầu tư mới toàn bộ hệ thống lõi cho Thẻ của Cardzone, chuẩn bị thay thế Internet banking bằng hệ thống DC (digital channel) mới.

Đồng thời, Ngân hàng đẩy mạnh hợp tác với các đối tác lớn trong nước và quốc tế như: Finastra, CISCO, VNPAY… Chiến lược kết hợp sức mạnh công nghệ của các đối tác, đặc biệt là các FinTech giúp VietBank có các giải pháp công nghệ thông minh phục vụ khách hàng như: Tổng đài thông minh xác thực khách hàng trực tuyến (eKYC), ứng dụng thanh toán QR code trên điện thoại thông minh, thanh toán  bằng thẻ phi tiếp xúc (contactless).

Chú trọng phát triển nhanh về khoa học công nghệ nhưng yếu tố bảo mật cũng luôn được VietBank đặt lên hàng đầu bằng việc đáp ứng các tiêu chuẩn bảo mật PCI-DSS trong thanh toán thẻ, hỗ trợ chứng thứ số CA, Soft token cho các giao dịch tài chính trên các kênh ngân hàng số nhằm đem đến sự an tâm cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ ngân hàng số của VietBank.

Thúc đẩy quá trình phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam

Ngân hàng Việt: Hướng tới chuẩn mực hoạt động mới ảnh 11

Ông Dmitry Mosolov, Tổng giám đốc Home Credit Việt Nam

Sự bùng nổ tín dụng tiêu dùng của Việt Nam chỉ vừa bắt đầu và đang được thúc đẩy bởi quá trình đô thị hóa, thu nhập tăng cao và sự chuyển dịch sang ngành tài chính hộ gia đình. Việt Nam hiện là quốc gia có tỷ lệ chi tiêu tiêu dùng trên GDP cao thứ hai trong khối ASEAN.

Trong đó, độ tuổi lao động chiếm đến 70% trong hơn 90 triệu dân số. Tuy vậy, lượng người dân có giao dịch tín dụng được ghi nhận thông qua ngân hàng, các công ty tài chính mới chỉ đạt khoảng 33,5 triệu người. Theo dự báo của các chuyên gia, dân số Việt Nam có thể đạt tới 100 triệu người vào năm 2025, dư địa này rất tiềm năng cho kênh tài chính tiêu dùng bứt phá.

Riêng Home Credit, cuối năm 2018, chúng tôi đã ra mắt gói vay tiêu dùng với hạn mức lên đến 200 triệu đồng và được khách hàng ủng hộ. Tại Home Credit, để hoàn thiện cơ sở dữ liệu, bên cạnh việc nhận thông tin từ các nguồn chính thức như CIC hay các đối tác kinh doanh, chúng tôi tự xây dựng cho mình cơ sở dữ liệu Big Data. Điều này giúp chúng tôi đảm bảo thu thập các thông tin của khách hàng an toàn hơn và thấu hiểu hành vi, sở thích của khách hàng một cách hiệu quả hơn.

Trong nhiều năm qua, với tư cách là nhà cho vay có trách nhiệm, Home Credit luôn tìm kiếm mọi cơ hội để phổ cập và hướng dẫn khách hàng hiện tại cũng như khách hàng tiềm năng những kiến thức về tài chính tiêu dùng. Chúng tôi thực hiện nhiều chương trình tư vấn tài chính dành cho phụ nữ, hộ gia đình, sinh viên và khách hàng đại chúng, đồng thời phát hàng trăm ngàn cẩm nang tư vấn kiến thức về tài chính tiêu dùng.

Trong năm 2019, Home Credit tiếp tục đẩy mạnh việc phổ cập kiến thức tài chính tại Việt Nam, tập trung vào nhóm khách hàng trẻ trong phân khúc 22-36 tuổi, giúp họ hiểu quyền và nghĩa vụ của mình trước các quyết định tài chính. Điều này cũng sẽ giúp các công ty tài chính giảm được rủi ro khi cho vay. Chúng tôi hy vọng những đóng góp của Home Credit sẽ góp phần thúc đẩy quá trình phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam.

Tăng trưởng bền vững và hiệu quả

Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank

Trong năm 2018, tình hình kinh doanh của Nam A Bank hết sức khả quan, không chỉ đảm bảo được yêu cầu tăng trưởng mà còn đáp ứng được tính bền vững và hiệu quả khi mức chia cổ tức dự kiến được đệ trình ĐHCĐ 2019 lên đến 16%. Ngoài mức chia cổ tức dự kiến hết sức ấn tượng, tại ĐHCĐ vừa qua, Nam A Bank còn thảo luận và quyết định rất nhanh nhiều nội dung quan trọng khác như thông qua kế hoạch phát triển mạng lưới, kế hoạch niêm yết và tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng.

Là một thương hiệu NHTM đang được chú ý trên thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam, Nam A Bank đã đáp ứng kỳ vọng của cổ đông khi liên tiếp nhận được sự tin tưởng của NHNN khi phê duyệt Đề án tự tái cơ cấu giai đoạn II (2016 - 2020), chấp thuận cho mở mới 35 điểm giao dịch trên cả nước, được chỉ định tham gia tái cấu trúc 3 quỹ tín dụng nhân dân tại địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Kết thúc quý I/2019, Nam A Bank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 300 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ và hoàn thành hơn 1/3 kế hoạch lợi nhuận năm. Tính đến hết 31/3/2019, tổng tài sản của Nam A Bank đạt gần 75.000 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ. Tổng huy động vốn từ các tổ chức kinh tế và cá nhân đạt hơn 60.000 tỷ đồng, tăng hơn 39% so với cùng kỳ 2018 và tăng 6,3% so với đầu năm.

Tổng dư nợ của Nam A Bank đạt gần 54.000 tỷ đồng với cơ cấu cho vay tiếp tục được dịch chuyển sang hướng bán lẻ, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Kết thúc quý I/2019, lợi nhuận trước thuế của Nam A Bank đạt hơn 300 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, chỉ trong quý đầu tiên, Nam A Bank đã hoàn thành 38% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Là ngân hàng ngoài quốc doanh đầu tiên ký kết với Quỹ hợp tác khí hậu toàn cầu (Global Climate Partnership Funds - GCPF) triển khai chương trình tín dụng xanh, Nam A Bank cấp vốn cho khách hàng với lãi suất ưu đãi chỉ từ 7%/năm trong thời gian lên đến 24 tháng. Với chương trình ưu đãi này, Nam A Bank mong muốn tạo điều kiện để khách hàng bổ sung vốn cho các mục đích đầu tư, kinh doanh, tiêu dùng cũng như tuân thủ định hướng của NHNN trong việc phát triển tín dụng xanh, góp phần bảo vệ môi trường.

Hoàn tất Basel II, OCB có thêm điều kiện trong tăng trưởng tín dụng

Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB

ĐHCĐ thường niên 2019 của OCB đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế ở mức 3.200 tỷ đồng, tăng trưởng 45% so với cùng kỳ; tổng tài sản đạt 120.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2018; tổng huy động đạt gần 106.000 tỷ đồng, tăng trưởng 21%; tổng dư nợ thị trường 1 dự kiến ở mức 75.250 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với năm 2018; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%. Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2018, sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại ở mức 1.486 tỷ đồng, OCB trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20%.

Trong năm 2019, OCB lên kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 9.083 tỷ đồng, từ mức 6.599 tỷ đồng hiện tại. Để thực hiện tăng vốn, Ngân hàng sẽ phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu (20%) và phát hành mới cổ phiếu theo hình thức riêng lẻ cho nhà đầu tư (gần 118,5 triệu cổ phiếu).

Giá chào bán dự kiến không thấp hơn giá trị sổ sách trên mỗi cổ phần của Ngân hàng tại thời điểm cuối quý gần nhất với thời điểm phát hành. HĐQT OCB trình Đại hội thông qua phương án sử dụng cổ phiếu quỹ phân phối theo chương trình lựa chọn cho cán bộ nhân viên ngân hàng. Tổng số cổ phiếu sẽ được phân phối là 5 triệu đơn vị. Thời gian thực hiện dự kiến trước ĐHCĐ thường niên năm 2020.

Theo tôi, hoạt động của ngành ngân hàng năm 2019 tuy còn khó khăn, song cũng sẽ có nhiều điểm sáng khi nợ xấu dần được đẩy lùi. Trong năm qua, OCB đã mua lại toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC trước đó và sẽ cố gắng tất toán hết trái phiếu VAMC trong năm nay. Một thuận lợi trong tăng trưởng tín dụng trong 2019 của OCB là Ngân hàng đã hoàn tất việc triển khai và áp dụng Basel II.

Vì thế, OCB cũng như những ngân hàng đã hoàn tất Basel II sẽ có thêm điều kiện trong tăng trưởng tín dụng. Vả lại, hoạt động của Ngân hàng hiện cũng đã có sự thay đổi trong cơ cấu nguồn thu đóng góp vào lợi nhuận, trong đó nguồn từ bán lẻ và dịch vụ tăng. Vì thế, mục tiêu lợi nhuận trước thuế 3.200 tỷ đồng năm nay là có cơ sở để đạt được và trong quý I/2019, Ngân hàng cũng đã hoàn thành đúng kế hoạch này.

Đặt trọng tâm vào chuyển đổi số và nâng cao trải nghiệm khách hàng

Ngân hàng Việt: Hướng tới chuẩn mực hoạt động mới ảnh 15

Ông Kalidas Ghose, Tổng giám đốc kiêm Phó chủ tịch Hội đồng thành viên FE CREDIT

Trong năm 2018, số lượng khách hàng của chúng tôi tăng thêm gần 30%. Đây là thành tựu đáng kể đối với một công ty đã dẫn đầu thị trường và chiếm thị phần tài chính tiêu dùng lớn nhất Việt Nam như FE CREDIT.

Số lượng khoản vay tiền mặt của FE CREDIT tiếp tục tăng trưởng ở mức vừa phải trong năm 2018 và chúng tôi hy vọng hoạt động kinh doanh thẻ tín dụng đã sẵn sàng để trở thành động lực tăng trưởng của FE CREDIT trong 5 năm tới. Nguyên nhân là do chúng tôi nhận thấy người tiêu dùng có nhu cầu ngày càng cao về tiền mặt để ứng trước trong các trường hợp khẩn cấp, đồng thời phải có các tiện ích phục vụ cuộc sống hàng ngày và thẻ tín dụng của chúng tôi đáp ứng được cả hai nhu cầu này.

Ngoài ra, FE CREDIT đã trải qua một sự chuyển đổi đáng kể để số hóa gần như tất cả các quy trình kinh doanh. Kết quả là, FE CREDIT có thể thiết kế, phát triển và cung cấp các sản phẩm và dịch vụ mới một cách đột phá, cũng như giúp chúng tôi tăng cường khâu quản lý vận hành. Những nỗ lực chuyển đổi đã giúp FE CREDIT được biết đến là đơn vị dẫn đầu về công nghệ tài chính (FinTech) trong khu vực châu Á. Một số sản phẩm và nền tảng số của chúng tôi đã được trình chiếu gần đây trong sự kiện SG Fintech Festival lớn nhất thế giới tại Singapore.

Tài chính tiêu dùng là một ngành rất đặc thù, do đó đòi hỏi đội ngũ quản lý phải có chuyên môn cao. FE CREDIT đã xây dựng được một đội ngũ giàu kinh nghiệm, bao gồm cả đội ngũ chuyên gia trong nước và nước ngoài để cùng tạo nên sức mạnh ở tất cả các cấp.

Tóm lại, với việc ra mắt các sản phẩm và dịch vụ mới, mạng lưới phân phối rộng rãi, đội ngũ giàu kinh nghiệm và sử dụng các nền tảng kỹ thuật số để giúp tất cả sản phẩm của chúng tôi dễ tiếp cận khách hàng hơn, được bảo vệ bởi quy trình quản lý rủi ro thực sự vững chắc, doanh nghiệp của chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ như những năm trước và duy trì vị trí dẫn đầu thị trường.

SCB đẩy nhanh tốc độ tái cấu trúc bằng phương án tái cơ cấu chủ động

Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB

Trên cơ sở đánh giá tình hình kinh tế thế giới, bối cảnh kinh tế - xã hội Việt Nam, mục tiêu tổng quát của ngành ngân hàng năm 2019…, SCB đã xây dựng cho mình kế hoạch kinh doanh phù hợp. Theo đó, mục tiêu của Ngân hàng trong năm 2019 là chuyển đổi cơ cấu tài chính với trọng tâm là chuyển dịch mô hình kinh doanh theo hướng tăng thu ngoài lãi; đẩy mạnh tăng trưởng khách hàng cá nhân; kiện toàn kết cấu tổ chức và xây dựng đội ngũ nhân sự chất lượng; phát triển công nghệ ngân hàng hướng đến khách hàng và tối ưu hóa vận hành; xây dựng và nâng cao văn hóa SCB; đồng thời tiếp cận phương thức quản trị rủi ro theo định hướng Basel II…

Bên cạnh đó, với định hướng trở thành ngân hàng bán lẻ đa năng hiện đại và lấy hệ thống trải nghiệm khách hàng làm nền tảng, SCB nhắm tới mục tiêu nâng số lượng khách hàng cá nhân lên 2 triệu khách hàng trong năm 2020, tăng nguồn thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng, tăng trưởng thu phí dịch vụ ít nhất 50%. Chúng tôi cũng sẽ tập trung phát triển tín dụng mới, đặc biệt là tín dụng cá nhân, doanh nghiệp SME và tín dụng nông nghiệp và nông thôn; đồng thời đẩy mạnh sản phẩm dịch vụ trên nền tảng số.

SCB đang trong giai đoạn cuối của quá trình tái cơ cấu, và giai đoạn này dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2020. Tuy nhiên, Ngân hàng có thể chủ động đẩy nhanh tốc độ tái cấu trúc bằng phương án tái cơ cấu chủ động. Hiện nay Chính phủ và NHNN đã có chủ trương cho phép SCB xây dựng phương án tái cơ cấu mới cho giai đoạn tiếp theo.

Đây được xem là phương án tái cơ cấu chủ động nhằm hỗ trợ thêm một số cơ chế mới, giúp SCB vững chắc hơn sau quá trình tái cơ cấu, phát triển một cách lành mạnh và bền vững. Dự kiến, phương án tái cơ cấu chủ động này sẽ được Chính phủ và NHNN thông qua vào quý II/2019. 

VIB 2.0 và Bước chuyển đổi thành công

Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB

Đối với VIB, năm 2018 là một bước ngoặt với các hoạt động chuyển đổi mạnh mẽ đã và đang diễn ra trên phạm vi toàn hệ thống và đã ghi nhận được những kết quả tích cực.

Năm 2018 là năm hoạt động kinh doanh của VIB tăng trưởng mạnh và chất lượng nhất trong 5 năm qua, với tất cả các khối kinh doanh đều vượt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận. VIB đã quy chuẩn và ban hành nhiều sản phẩm và dịch vụ có tính cạnh tranh cao trên thị trường.

Từ góc độ quản lý hiệu quả, VIB đã thiết kế cấu trúc tổ chức gọn nhẹ, các chính sách lương thưởng hấp dẫn, chính sách tuyển dụng linh hoạt. Từ góc độ quản trị rủi ro, VIB tiếp tục duy trì được chất lượng tín dụng ở mức cao với tỷ lệ nợ xấu duy trì mức thấp. 2018 cũng đánh dấu năm thứ 2 liên tiếp Ngân hàng đạt kết quả kinh doanh xuất sắc kể từ khi chuyển đổi sang VIB 2.0.

Sau 2 năm chuyển đổi mạnh mẽ và sâu rộng trên phạm vi toàn hệ thống, VIB đã xây dựng được mô hình vận hành xuất sắc, mang đến cho khách hàng trải nghiệm tuyệt vời về các sản phẩm và dịch vụ ưu việt.

Nhờ đó, VIB đã có một năm kinh doanh thành công, nâng cao nhận diện thương hiệu và tiếp tục được các tổ chức trong nước và quốc tế ghi nhận bằng những giải thưởng danh giá. Với kinh nghiệm chuyển đổi đã được tích lũy trong 2 năm qua, VIB kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng của Ngân hàng ở mức cao hơn thị trường về cả tỷ lệ tăng trưởng lẫn chất lượng tăng trưởng, trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu.

Về định hướng kinh doanh năm 2019, VIB sẽ huy động nguồn lực để triển khai thành công 6 trọng tâm kinh doanh chiến lược, cụ thể: tăng trưởng mạnh mẽ tín dụng và huy động vốn; dẫn đầu sản phẩm chiến lược thẻ tín dụng và bảo hiểm; xây dựng mô hình tương tác nhằm thiết lập quan hệ win-win với khách hàng; tạo dựng kênh bán hàng xuất sắc; marketing và truyền thông mạnh mẽ; công nghệ là ưu tiên hàng đầu.

Đưa hoạt động kinh doanh bám sát các chuẩn mực quốc tế

Ông Phạm Doãn Sơn, Tổng giám đốc LienVietPostBank

LienVietPostBank sẽ triển khai và hoàn thành kế hoạch tăng vốn điều lệ năm 2019 trên cơ sở phương án đã được NHNN chấp thuận nhằm đảm bảo các tỷ lệ an toàn vốn theo quy định, đáp ứng nhu cầu đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất của Ngân hàng.

Tập trung phát triển tín dụng vào các ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ và NHNN. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu và phát triển các sản phẩm cho vay tiêu dùng mới, phục vụ đa dạng đối tượng khách hàng, đặc biệt là phân khúc khách hàng bán lẻ.

Đẩy mạnh hơn thu nhập từ hoạt động dịch vụ thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm, phục vụ hiệu quả khách hàng, xây dựng các sản phẩm dịch vụ tiện ích mới, mang đến những trải nghiệm dịch vụ tài chính tốt nhất cho khách hàng, góp phần cải thiện cơ cấu thu nhập của Ngân hàng.

Song song với đó, tập trung nguồn lực triển khai áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN trong năm 2019, đưa hoạt động kinh doanh của
LienVietPostBank bám sát các chuẩn mực quốc tế. Tiếp tục phối hợp với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đẩy nhanh tiến độ nâng cấp các phòng giao dịch bưu điện đủ điều kiện thành phòng giao dịch Ngân hàng.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác tuyển dụng nhân sự để đáp ứng nhu cầu phát triển mạng lưới trong năm 2019; linh hoạt công tác tuyển dụng nhân sự nhằm đảm bảo tuyển dụng nhân sự đáp ứng yêu cầu thực tế công việc.

Tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định, thông suốt, hỗ trợ tối đa hoạt động kinh doanh của toàn hệ thống và đáp ứng được kịp thời việc mở rộng mạng lưới của Ngân hàng. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các dự án để đưa vào khai thác các phần mềm hỗ trợ công tác quản trị, điều hành… giúp chuẩn hoá hệ thống số liệu…

Đặc biệt, tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác với các đối tác lớn trên cơ sở hợp tác cùng phát triển, hỗ trợ triển khai và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế của các bên…

Xác định chiến lược ngân hàng số

Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB

Trên cơ sở các dự báo kinh tế vĩ mô, kinh tế Việt Nam năm 2019 và thời gian tới sẽ có nhiều khó khăn. Đồng thời, từ đầu năm 2019, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ giảm từ 45% xuống còn 40%, trong khi đó việc huy động trung dài hạn hiện nay vẫn rất khó khăn trong bối cảnh lãi suất chịu nhiều áp lực. Việc áp dụng CAR theo chuẩn Thông tư 41 cũng sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2020, theo đó, SHB muốn đẩy mạnh phát triển kinh doanh thì phải tăng được vốn điều lệ, vốn tự có đảm bảo tương ứng.

Định hướng hoạt động của SHB năm 2019 là: Phát triển ngân hàng bán lẻ đa năng theo hướng hiện đại, có khả năng cạnh tranh lớn hơn với lợi thế và luôn tạo sự khác biệt, dựa trên nền tảng công nghệ, quản trị ngân hàng tiên tiến, phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế về hoạt động ngân hàng.

Tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống công nghệ làm nền tảng cho các hoạt động chính, nâng cao năng lực quản trị điều hành, năng suất lao động của nhân viên; đồng thời, phát triển nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng đồng bộ, tiện ích và cạnh tranh.

Phát triển mạnh mẽ hoạt động cho vay tiêu dùng khách hàng cá nhân nhằm tăng nguồn lợi nhuận đáng kể, đóng góp vào kết quả hoạt động kinh doanh thông qua Công ty Tài chính tiêu dùng SHB. Tập trung lành mạnh hoá và tăng cường năng lực tài chính; phát triển quy mô và trình độ tương ứng với các ngân hàng trong khu vực để từng bước đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Đảm bảo an toàn hoạt động tín dụng, thanh toán, giảm thiểu tổn thất, chi phí xử lý những vấn đề rủi ro phát sinh của hệ thống. Nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như bảo đảm các chỉ tiêu tài chính theo chuẩn mực quốc tế và yêu cầu của Uỷ ban Basel và mục tiêu năm 2020, SHB triển khai thành công và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn theo Basel 2. 

Đại diện Ngân hàng Bản Việt

Kết thúc quý I/2019, tổng huy động vốn và tổng dư nợ cho vay của Ngân hàng Bản Việt tăng 25% so với cùng kỳ năm 2018, và đạt hơn 80% so với kế hoạch đặt ra. Cụ thể, tính đến 31/3/2019, tổng tài sản của Ngân hàng đạt 46.000 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ 2018; tổng huy động đạt gần 42.000 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, tổng dư nợ cho vay cũng tăng trưởng tốt (tăng 25% so với cùng kỳ 2018), đạt hơn 30.000 tỷ đồng, hoàn thành gần 90% kế hoạch năm 2019.

Hoạt động kinh doanh quý I/2019 của Ngân hàng Bản Việt đang đi theo đúng định hướng đặt ra trong năm 2019 và lộ trình chiến lược 5 năm (2016 - 2020), đặc biệt trong việc nâng cấp, phát triển các tiện ích, dịch vụ mang đến cho khách hàng như: các tính năng thanh toán, chuyển tiền 24/7, liên kết ví điện tử… cùng hàng loạt các chương trình ưu đãi tiền gửi, vay, thẻ dành cho khách hàng.

Cũng trong quý I, Ngân hàng khai trương liên tiếp 2 trụ sở mới tại Tiền Giang, Cà Mau và 3 phòng giao dịch Cai Lậy (Tiền Giang), Hòa Thành (Tây Ninh), Vĩnh Hải (Nha Trang).

Trước đó, năm 2018, Ngân hàng Bản Việt cũng đã có một năm kinh doanh tích cực khi lợi nhuận tăng 145% so với kế hoạch đặt ra, mở mới 23 điểm giao dịch, bao gồm 4 chi nhánh và 19 phòng giao dịch, tổng số đơn vị cải tạo theo nhận diện thương hiệu mới là 60 đơn vị. Việc phát triển mạng lưới nhanh trong thời gian ngắn, đặc biệt là từ cuối quý IV/2018 chính là tiền đề cho việc tăng trưởng trong  thời gian tới.

Với định hướng trở thành “Ngân hàng bán lẻ đa năng, hiện đại, hướng đến khách hàng, đặc biệt là khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ”, Ngân hàng Bản Việt tin tưởng hướng đi đúng đắn cùng những đổi mới tích cực về nền tảng, con người, vận hành, sản phẩm, dịch vụ sẽ không chỉ mang đến kết quả khả quan trong năm 2019, mà còn khẳng định sự phát triển ổn định, bền vững và hơn thế nữa là sự tin tưởng của khách hàng, đối tác, cổ đông… dành cho Ngân hàng.

2019 - Chuyển đổi mạnh mẽ

Ngân hàng Việt: Hướng tới chuẩn mực hoạt động mới ảnh 20

Ông Huỳnh Bửu Quang, Tổng giám đốc MSB

Năm 2019 được kỳ vọng sẽ đem đến sự chuyển hóa toàn diện của MSB, tạo đà bứt phá cho Ngân hàng đạt đến những mục tiêu cao hơn và mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.

Sự chuyển đổi mạnh mẽ của MSB được khởi đầu ngay từ ngày 4/1/2019 bằng việc thay đổi nhận diện thương hiệu và tên viết tắt từ Maritime Bank sang MSB cùng hình ảnh logo mới thân thiện và năng động hơn. Cùng với sự hỗ trợ của McKinsey, với mục tiêu lấy khách hàng làm trọng tâm, chiến lược kinh doanh mới của MSB trong giai đoạn 2019 - 2023 sẽ vận dụng tối đa sức mạnh công nghệ vào mọi hoạt động của ngân hàng, phát huy thế mạnh của quản lý rủi ro, nâng cao hiệu suất bán hàng, tối ưu hóa hiệu quả các kênh phân phối và xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp sáng tạo, coi trọng nhân tài.

Năm nay, MSB sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực lớn đầu tư và triển khai mạnh hệ thống công nghệ để thực hiện mục tiêu số hóa trải nghiệm khách hàng. Nhiều dự án công nghệ được triển khai trong năm 2019 sẽ góp phần quan trọng trong việc số hóa các hoạt động vận hành, tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống, năng suất làm việc của từng CBNV.

Nhiều dịch vụ, sản phẩm mang hàm lượng công nghệ cao, sử dụng trí tuệ nhân tạo sẽ được MSB giới thiệu trong năm 2019 nhằm mang đến sự thuận tiện, nhanh chóng và trải nghiệm tốt nhất cho người sử dụng.

Ngân hàng hàng đầu về phát triển và ứng dụng công nghệ

Ngân hàng Việt: Hướng tới chuẩn mực hoạt động mới ảnh 21

Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank

Phấn đấu đưa TPBank trở thành ngân hàng dẫn đầu về Digital Banking và Top 10 ngân hàng đa năng về hiệu quả hoạt động trong giai đoạn 2018-2020. Những định hướng chiến lược chính đã được HĐQT Ngân hàng lên kế hoạch và lộ trình thực thi.

Đó là triển khai Đề án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 đã được NHNN phê duyệt thông qua các nhóm giải pháp đồng bộ và toàn diện nhằm nâng cao năng lực tài chính, hoạt động và quản trị của Ngân hàng. Tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng gắn với cơ cấu tín dụng, kiểm soát nợ xấu; giám sát tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả trên cơ sở lựa chọn khách hàng phù hợp và ngành ít rủi ro, giám sát xử lý và thu hồi nợ xấu.

Tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, ngân hàng số, tăng cường an ninh bảo mật. Kiên định với định hướng trở thành ngân hàng hàng đầu về phát triển và ứng dụng công nghệ, chỉ đạo tập trung triển khai xây dựng các sản phẩm mũi nhọn trên nền tảng công nghệ hiện đại nhất trong hệ sinh thái tài chính của TPBank nhằm mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.

Tiếp tục nâng cao năng lực quản trị, điều hành, tính minh bạch trong hoạt động; tiếp tục nâng cao văn hoá quản lý rủi ro theo Basel 2, tuân thủ Thông tư 41, Thông tư 13…

Phát triển hệ sinh thái tài chính bên cạnh hoạt động NHTM, đầu tư, mua công ty tài chính, thành lập công ty mua bán nợ…

Tiếp tục mở rộng mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch cũng như hệ thống Live Bank VTM đáp ứng nhu cầu phát triển kinh doanh và phục vụ khách hàng.

Không ngừng kiến tạo bản sắc văn hoá TPBank, củng cố 5 giá trị cốt lõi của con người TPBank, xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, thân thiện, đoàn kết và gắn bó với tổ chức…

Đẩy mạnh hợp tác với nhà đầu tư chiến lược

Ngân hàng Việt: Hướng tới chuẩn mực hoạt động mới ảnh 22

Ông Vũ Mạnh Tiến, Phó chủ tịch HĐQT NCB

Năm 2019, NCB sẽ chú trọng tái cấu trúc kinh doanh, trong đó hướng tới việc tăng tỷ lệ dịch vụ, đa dạng hóa dịch vụ để thu phí từ hoạt động bán lẻ, ngân hàng số…

Hiện nay, NCB đã triển khai hợp tác chiến lược với một số đối tác lớn thuộc tập đoàn bảo hiểm, bất động sản, bất động sản nghỉ dưỡng nhằm tham gia vào chuỗi sinh thái của họ. Trong năm 2019, NCB sẽ triển khai hệ thống sinh thái lớn, nhỏ tại các đơn vị kinh doanh tại các chi nhánh trên các địa bàn toàn quốc.

Thời gian qua, NCB đã rất tích cực làm việc và đàm phán với các tổ chức tài chính nước ngoài, tìm kiếm nhà đầu tư đáp ứng các điều kiện của NHNN và quy định của pháp luật.

Vì vậy, việc phát hành cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi để đạt được vốn hoạt động là 10.000 tỷ đồng vào năm 2020 là nhu cầu của NCB và cũng là theo yêu cầu của NHNN để tăng cường năng lực cạnh tranh của Ngân hàng. Đối với việc phân phối lợi nhuận và trích lập quỹ, việc sử dụng lợi nhuận các năm trước (24 tỷ đồng) cho mục đích đáp ứng cam kết của NCB trong đề án tái cơ cấu mà Ngân hàng đã trình NHNN.

Theo đó, NCB cam kết sử dụng tối đa lợi nhuận thu được để trích lập dự phòng rủi ro tài chính cũng như các rủi ro khác. Mục tiêu là tăng tốc, lành mạnh hóa tình hình tài chính của NCB. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hơn nữa văn hóa DN đề cao tính hợp tác, tự giác và hướng đến mục tiêu đưa NCB trở thành ngôi nhà thứ hai của các cán bộ nhân viên.

Để đảm bảo sự cạnh tranh với các ngân hàng khác, NCB xác định những điểm mạnh, đặc thù tại các chi nhánh mà hoạt động, uy tín của NCB khá tốt; định hướng triển khai Digital Banking với các kênh đối tác, hợp tác toàn diện song song với các gói sản phẩm truyền thống nhà và xe ở mảng bán lẻ; các sản phẩm hướng tới gia tăng thu phí; nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng các nhu cầu của khách hàng…

Đối với công tác triển khai và áp dụng Basel II: từ cuối năm 2017, NCB đã thành lập Ban Dự án triển khai Thông tư 41/2016/TT-NHNN và chuẩn mực Basel II với định hướng trước mắt đảm bảo dữ liệu và hệ thống theo đúng quy định của Thông tư 41/2016/TT-NHNN. Trong năm nay, NCB cũng đang đặt trọng tâm về nguồn lực và đầu tư cho dự án này.

BAC A BANK góp phần tạo cú huých cho nền sản xuất trong nước

Ngân hàng Việt: Hướng tới chuẩn mực hoạt động mới ảnh 23

Bà Thái Hương, Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc BAC A BANK

2019 là một năm đặc biệt với BAC A BANK bởi bầu ra Ban lãnh đạo Ngân hàng trong 5 năm tới (2019 - 2024); năm đầu tiên của một nhiệm kỳ mới. Nhìn lại nhiệm kỳ trước, năm 2012, BAC A BANK được duyệt đề án Tái cấu trúc theo các chỉ tiêu của NHNN giao và Ngân hàng đều hoàn thành nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2013 - 2018.

Năm 2018, hầu hết các giới hạn và tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định của NHNN được BAC A BANK thực hiện đúng và vẫn còn biên độ giới hạn để đảm bảo cho hoạt động kinh doanh. Cụ thể, hệ số CAR đạt 11,15% so với quy định tối thiểu 9%; tỷ lệ dự trữ thanh khoản là 18,32% so với quy định tối thiểu 10%; tỷ lệ cho vay/ tổng tiền gửi 73,79% so với quy định tối đa 80%; tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 39,64% so với quy định tối đa 40%; cơ cấu trong thu hút dịch vụ đến nay đã đảm bảo 16% - 18% theo quy định của NHNN trên tổng mức thu.

Trong năm 2019, BAC A BANK xây dựng kế hoạch kinh doanh với các chỉ tiêu phù hợp với định hướng quản trị, điều hành của Ngân hàng trên nền tảng phát triển ổn định và bền vững - mang lại lợi ích lâu dài cho các cổ đông khi sở hữu cổ phiếu BAB.

Ngân hàng Việt: Hướng tới chuẩn mực hoạt động mới ảnh 24

Các dự án do BAC A BANK tư vấn đầu tư sẽ hoạt động có lãi trong những năm tới, hứa hẹn nguồn thu phí dịch vụ từ các lĩnh vực này sẽ đột phá trong giai đoạn 2019 - 2020 và dài hạn hơn đảm bảo nhiệm kỳ 2019 - 2024 hoàn thành tăng thu phí dịch vụ. Với tư duy khác biệt của BAC A BANK: đồng hành cùng các dự án nông nghiệp công nghệ cao, y tế, giáo dục và an sinh xã hội, hoạt động kinh doanh của BAC A BANK sẽ góp phần tạo cú huých cho nền sản xuất trong nước và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Nhiệm kỳ này, BAC A BANK cũng sẽ hoàn thành và phát triển ngân hàng số - đây là nhiệm vụ quan trọng tại BAC A BANK nhằm thu hút tăng thêm, thu hút dịch vụ từ ngân hàng số hướng tới cách mạng công nghệ 4.0 như định hướng của Chính phủ.

Tin bài liên quan