Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ngăn lợi ích nhóm trong lựa chọn sách giáo khoa

0:00 / 0:00
0:00
Gần đây cử tri, dư luận đã nêu những hiện tượng bất thường trong việc thực hiện Thông tư số 25/2020/TT - BGDĐT ngày 26/8/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc lựa chọn sách giáo khoa.

Gần đây, cử tri phản ánh những hiện tượng bất thường trong việc thực hiện Thông tư số 25/2020/TT - BGDĐT ngày 26/8/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc lựa chọn sách giáo khoa, có khả năng dẫn đến triệt tiêu chủ trương “một chương trình - nhiều sách giáo khoa”.

Để nâng cao chất lượng giáo dục, Nghị quyết số: 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội khoản g , mục 3, điều 2 quy định “Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học”.

Khoản b điều 32 Luật Giáo dục quy định: “Mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa; việc xuất bản sách giáo khoa thực hiện theo quy định của pháp luật”.

Đó là những quy định của pháp luật thể hiện chủ trương “một chương trình - nhiều sách giáo khoa” - một chủ trương mang tinh thần đổi mới sâu sắc, có tính cách mạng trong giáo dục phổ thông, nhằm huy động các nguồn lực, tạo nhiều kênh cung cấp tri thức, tránh tình trạng độc quyền sách giáo khoa của cơ chế bao cấp cũ để phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong thời đại kinh tế tri thức, cách mạng công nghệ 4.0 và xu thế hội nhập nhập với thế giới.

Nhờ có chủ trương đúng, chỉ đạo phù hợp, nên thời gian qua, việc biên soạn, xuất bản sách giáo khoa đã đạt được những kết quả ban đầu tích cực, được xã hội đồng tình. Tuy nhiên, việc thực hiện chủ trương “một chương trình - nhiều sách giáo khoa” không dễ dàng trong thời kỳ chuyển đổi.

Đặc biệt là gần đây, cử tri, dư luận đã nêu những hiện tượng bất thường trong việc thực hiện Thông tư số 25/2020/TT - BGDĐT ngày 26/8/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc lựa chọn sách giáo khoa, có khả năng dẫn đến triệt tiêu chủ trương “một chương trình - nhiều sách giáo khoa”.

Nhìn một cách tổng thể, có thể thấy bên cạnh những quy định phù hợp, việc Thông tư số 25/2020/TT - BGDĐT trao toàn quyền bỏ phiếu lựa chọn sách giáo khoa cho hội đồng lựa chọn sách giáo khoa có thể bị lợi dụng để thực hiện “lợi ích nhóm”. Cụ thể, điểm b khoản 4 Điều 8 quy định: “Hội đồng bỏ phiếu kín lựa chọn một hoặc một số sách giáo khoa cho mỗi môn học”.

Quy định này sẽ dẫn đến 2 hệ quả. Một là, mâu thuẫn giữa các quy định trong Thông tư: Theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 cũng thuộc Điều 8, cơ sở giáo dục phổ thông phải tổ chức xét chọn rất công phu: tổ chuyên môn tổ chức cho giáo viên nghiên cứu, đánh giá và bỏ phiếu kín lựa chọn sách giáo khoa; cơ sở giáo dục phổ thông “tổ chức cuộc họp với thành phần dự họp gồm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, tổ trưởng tổ chuyên môn và đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh để thảo luận, đánh giá sách giáo khoa trên cơ sở danh mục sách giáo khoa do các tổ chuyên môn đề xuất; lựa chọn một sách giáo khoa cho mỗi môn học”.

Tuy vậy, toàn bộ kết quả lựa chọn hết sức công phu của các tập thể và cá nhân trực tiếp sử dụng sách giáo khoa rất có thể bị một hội đồng chỉ gồm 15 người bác bỏ. Lý do bác bỏ có thể chỉ đơn giản là nếu toàn tỉnh (toàn thành phố) sử dụng một quyển sách giáo khoa, một bộ sách giáo khoa thì thuận tiện hơn cho cơ quan chỉ đạo. Như vậy có nghĩa là toàn bộ các quy định ở khoản 1, khoản 2 và khoản 3 bị vô hiệu hóa bằng khoản 4.

Hai là, hệ quả trong thực tiễn: Theo một số ý kiến của công luận, hiện nay, do có nhiều nhà xuất bản tham gia biên soạn và phát hành sách giáo khoa nên đã xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh với nhiều thủ đoạn tinh vi (nhà xuất bản “đầu tư” cho Sở Giáo dục và Đào tạo để có lợi cho việc phát hành sách của mình; cạnh tranh về tỷ lệ chiết khấu phát hành; vận động không lành mạnh một số địa phương và cán bộ quản lý giáo dục trong việc chỉ định mua sách giáo khoa; chỉ đạo các công ty phát hành sách giáo khoa ở địa phương không được phát hành sách giáo khoa của các nhà xuất bản khác…).

Điều này, Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn toàn có thể lường trước được vì không hề khó đoán. Quy định tại khoản 4 Điều 8 trao toàn quyền cho hội đồng lựa chọn sách giáo khoa đã tạo điều kiện cho thành viên hội đồng chỉ thực hiện quyền mà không phải chịu trách nhiệm do cơ chế bỏ phiếu kín.

Kẽ hở pháp luật này rất dễ bị lợi dụng, phục vụ cho lợi ích nhóm, vô hiệu hóa quyền dân chủ của cơ sở, làm thiệt hại cho quyền lợi của giáo viên và học sinh. Khi tình trạng lựa chọn sách giáo khoa thiếu khách quan diễn ra tràn lan thì việc lựa chọn sách giáo khoa lại quay về cơ chế chỉ có một bộ sách giáo khoa cho một môn học ở địa phương, tức là triệt tiêu chủ trương “một chương trình - nhiều sách giáo khoa” của Đảng và Nhà nước.

Để khắc phục và hạn chế việc lợi dụng Thông tư 25 nhằm thực hiện lợi ích nhóm tiêu cực và ngăn chặn tình trạng đi ngược lại chủ trương “một chương trình - nhiều sách giáo khoa”, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm sửa đổi Điều 8 Thông tư 25 theo hướng tôn trọng quyền lựa chọn sách giáo khoa của tập thể, cá nhân trực tiếp sử dụng sách giáo khoa.

Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa chỉ kiểm tra để xác nhận sách giáo khoa được cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn là sách đã được Bộ phê duyệt cho sử dụng, báo cáo UBND tỉnh quyết định. Trong trường hợp sách giáo khoa được dưới 10% cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn, hội đồng khuyến nghị Sở Giáo dục và Đào tạo thông báo cho các cơ sở đó biết tỷ lệ lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở khác trong toàn tỉnh (thành phố) để cơ sở nghiên cứu, lựa chọn lại, nếu cần. Việc lựa chọn lại thực hiện theo đúng quy trình từ tổ chuyên môn lên, như quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều 8. Trong trường hợp cơ sở giáo dục phổ thông vẫn giữ ý kiến đề xuất của mình thì hội đồng lựa chọn sách giáo khoa báo cáo UBND cấp tỉnh quyết định trên cơ sở bảo đảm quyền dân chủ của tập thể, cá nhân trực tiếp sử dụng sách giáo khoa.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần bổ sung vào Thông tư 25 các quy định về yêu cầu dân chủ, công khai, minh bạch trong việc lựa chọn sách giáo khoa; cách xử lý ý kiến khác nhau giữa đề xuất của cơ sở giáo dục phổ thông và hội đồng lựa chọn sách giáo khoa địa phương.

UBND cấp tỉnh cũng cần quan tâm chỉ đạo để việc lựa chọn sách giáo khoa ở địa phương có định hướng và cơ chế lựa chọn đúng đắn, đặc biệt, cần chỉ đạo chặt chẽ việc lựa chọn thành viên hội đồng lựa chọn sách giáo khoa (về năng lực chuyên môn, trình độ nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức) và quy chế hoạt động của hội dồng; xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực.

Tin bài liên quan