Cụm công nghiệp Phước Tân (Biên Hòa, Đồng Nai) tuy chưa có giấy phép xây dựng, nhưng các doanh nghiệp đã tự ý xây nhà xưởng.

Cụm công nghiệp Phước Tân (Biên Hòa, Đồng Nai) tuy chưa có giấy phép xây dựng, nhưng các doanh nghiệp đã tự ý xây nhà xưởng.

Ngang nhiên xây cụm công nghiệp “chui” giữa lòng TP. Biên Hòa

Do buông lỏng quản lý đất đai, xây dựng, nên TP. Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đang lúng túng không biết xử lý ra sao trước những “việc đã rồi”, trong đó, đặc biệt là sai phạm tại Cụm công nghiệp “chui” Phước Tân.

Tiến thoái lưỡng nan

Xử lý thế nào với sai phạm đất đai, xây dựng tại Cụm công nghiệp Phước Tân (xã Phước Tân) đang là bài toán hóc búa đặt ra với chính quyền TP. Biên Hòa và tỉnh Đồng Nai. Cụm công nghiệp này rộng tới 72 ha, xây dựng trái phép trên đất quy hoạch rừng, nhưng đến nay đã có hơn 50 doanh nghiệp vào đầu tư nhà xưởng sản xuất, khiến chính quyền không biết phải làm sao trước sự việc đã rồi này.

Theo đó, năm 2015, cụm công nghiệp này được tỉnh Đồng Nai đưa vào quy hoạch, nhưng chưa được cấp phép đầu tư. Tuy nhiên, đơn vị được giao thực hiện dự án đã phân lô bán cho doanh nghiệp, dẫn đến việc gần 50 công trình gồm nhà xưởng, nhà máy xây dựng trái phép.

Điều đáng nói ở đây là dù chưa chuyển mục đích sử dụng đất, chưa có giấy phép xây dựng, nhưng các công trình trái phép vẫn được cấp điện, nước để hoạt động. Với chi phí từ 4 đến 10 tỷ đồng/công trình, ước tính các doanh nghiệp tại Cụm công nghiệp “chui” Phước Tân đã đầu tư khoảng 300 - 400 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng. Toàn bộ trường hợp vi phạm không thực hiện biện pháp khắc phục, khôi phục hiện trạng ban đầu, mà tiếp tục hoàn thiện công trình rồi đưa vào sử dụng. Nhiều doanh nghiệp đã đi vào hoạt động với số lượng lao động lên tới hàng ngàn người.

Trước tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai làm rõ và báo cáo Chính phủ. Tại cuộc họp của Đảng bộ tỉnh Đồng Nai, Bí thư Thành ủy TP. Biên Hòa, ông Lê Văn Dành, thừa nhận trách nhiệm của lãnh đạo Thành phố khi để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép tại Cụm công nghiệp Phước Tân. Ông Dành cho rằng, vì thiếu kiên quyết xử lý ngay từ đầu, nên đã dẫn đến tình trạng xây dựng trái phép và sai phạm trên. Ngoài ra, còn trách nhiệm của các sở, ngành liên quan khi đã cấp điện, nước cho các doanh nghiệp xây dựng trái phép hoạt động.

Vào tháng 1/2019, một số doanh nghiệp tại Cụm công nghiệp Phước Tân đã kiến nghị Đoàn công tác Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho tồn tại công trình. Lý do các doanh nghiệp đưa ra là họ đã bỏ vốn lớn để đầu tư nhà xưởng, tuyển dụng nhiều công nhân, nếu tháo dỡ sẽ gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng đến người lao động.

Theo thông tin mà phóng viên Báo Đầu tư có được, tới thời điểm này, chính quyền tỉnh Đồng Nai chưa đưa ra được hướng giải quyết dứt điểm sai phạm tại Cụm công nghiệp Phước Tân. Hiện có 2 luồng quan điểm: Một là, xử phạt doanh nghiệp vi phạm, xử lý cơ quan, người có trách nhiệm để xảy ra sai phạm, nhưng vẫn để công trình hoạt động. Hai là, kiên quyết cưỡng chế tháo dỡ công trình trái phép, khôi phục hiện trạng ban đầu.

Tuy nhiên, một lãnh đạo tỉnh Đồng Nai thừa nhận, rất khó chọn lựa giải pháp. UBND tỉnh Đồng Nai và TP. Biên Hòa đang “tiến thoái lưỡng nan”, bởi không hướng giải quyết nào có thể vừa không làm thiệt hại tài sản của doanh nghiệp, ảnh hưởng việc làm của hàng ngàn lao động, lại vừa phù hợp với quy định của pháp luật, đảm báo tính nghiêm minh, thượng tôn pháp luật và có sức răn đe.

Liệu có tái diễn “phiên bản Phước Tân”

Đáng lo ngại là, dường như tỉnh Đồng Nai chưa rút được kinh nghiệm từ vụ việc Cụm công nghiệp “chui” Phước Tân. Tại địa phương này còn diễn ra nhiều vụ vi phạm về đất đai do thiếu kiên quyết từ phía cơ quan hữu trách.    

Chỉ tính riêng xã Phước Tân đã có 200 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất xây dựng nhà xưởng trái phép bị chính quyền lập biên bản xử lý. Nhiều doanh nghiệp vi phạm bị xử phạt tiền và buộc khôi phục hiện trạng trong 10 ngày. Đã quá hạn từ vài tháng đến vài năm, song các doanh nghiệp vẫn không thực hiện tháo dỡ công trình vi phạm, khôi phục hiện trạng ban đầu.   

Trong gần 2 tháng qua, Báo Đầu tư (Baodautu.vn) đã đăng tải loạt 4 bài viết phản ánh việc xây dựng hạ tầng khu dân cư, phân lô bán nền 2 khu đất tại phường Tân Hoà và phường Long Bình Tân, thuộc địa bàn TP. Biên Hoà.

Trong đó, đặc biệt là trường hợp khu đất 2,8 ha tại đường Điều Xiển, phường Tân Hoà, được tỉnh Đồng Nai cho Công ty cổ phần Đồng Nai thuê với mục đích sử dụng sản xuất, kinh doanh. Khu đất này hiện đã biến thành Dự án Khu đô thị Golden Center City 4, do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Thuận Lợi (tỉnh Bình Dương) làm chủ đầu tư.

Điều đáng nói là khu đất này chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở đô thị, đồng nghĩa chưa có giấy phép xây dựng, nhưng chủ đầu tư đã ngang nhiên thi công xây dựng hạ tầng khu dân cư và đã phát sinh giao dịch mua bán đất nền.

Phóng viên Báo Đầu tư đã liên lạc với lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai để tìm hiểu quan điểm của tỉnh về hướng xử lý sai phạm, song chúng tôi vẫn chưa gặp được ai để tìm câu trả lời.

Ngày 9/8/2019, Chủ tịch UBND TP. Biên Hoà có văn bản chỉ đạo các cơ quan hữu trách kiểm tra và xử lý hoạt động xây dựng hạ tầng, phân lô và bán nền tại 2 dự án khu dân cư thuộc phường Tân Hoà và phường Long Bình Tân, mà Báo Đầu tư đã phản ánh.

Cụ thể, tại Văn bản số 9849/UBND-DT gửi Phòng Tài nguyên và Môi trường, Đội quản lý trật tự đô thị TP. Biên Hoà, UBND các phường Tân Hoà, Long Bình Tân, Chủ tịch UBND TP. Biên Hoà đã chỉ đạo kiểm tra, rà soát tính pháp lý và báo cáo kết quả trước 15/8/2019 để Thành phố có hướng xử lý.

Liên quan đến vụ việc, trước đó, UBND TP. Biên Hoà từng quyết định xử phạt vi phạm tại khu đất 2,8 ha tại đường Điều Xiển, sau khi UBND phường Tân Hoà lập biên bản vi phạm hành chính. Tuy nhiên, ngày 15/11/2018, Công ty cổ phần Đồng Nai gửi Văn bản số 115/GT-CODONA2019 lên UBND TP. Biên Hoà, giải trình việc xin gia hạn bổ sung hồ sơ Dự án Golden Center City 4.

Bất chấp chỉ đạo của UBND Thành phố, tới nay, vi phạm tại khu đất 2,8 ha đường Điều Xiển vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Dư luận hoài nghi, liệu việc xử lý có kiên quyết, triệt để không, hay lại chiếu lệ, qua quýt và rồi nhiều vi phạm khác sẽ lại nảy sinh.

Tin bài liên quan