Big C thông báo ngừng nhập các mặt hàng của một số doanh nghiệp dệt may trong nước. Ảnh: Dũng Minh

Big C thông báo ngừng nhập các mặt hàng của một số doanh nghiệp dệt may trong nước. Ảnh: Dũng Minh

Ngành bán lẻ và “cú sốc” Big C

(ĐTCK) “Sửa” mình để phục vụ khách hàng tốt hơn, điều đó không chỉ đến từ tự thân doanh nghiệp với việc bổ sung những mô hình, hạng mục kinh doanh mới, nó còn bao gồm cả văn hóa ứng xử phù hợp của các ông chủ chuỗi bán lẻ.

Big C và câu chuyện về văn hóa kinh doanh

Mới đây, Central Group, chủ sở hữu chuỗi siêu thị Big C Việt Nam đã tuyên bố ngừng nhập các mặt hàng của doanh nghiệp dệt may trong nước. Điều này đã ngay lập tức làm dấy lên làn sóng chỉ trích và tẩy chay từ người Việt.

Điều đáng nói, trước đó, Big C khẳng định sẽ ưu tiên hàng Việt và hứa 90% hàng Việt sẽ có mặt tại chuỗi siêu thị này. Tuy nhiên, lời hứa và hành động của ông lớn ngành bán lẻ lại không giống nhau. Đầu tiên, họ “xua” những nhà làm nhãn hàng riêng cho Big C ra khỏi hệ thống, sau đó đến việc loại Thế Giới Di Động ra khỏi Big C, rồi tăng chiết khấu đối với những nhà cung ứng hàng Việt lên 25 - 30% giá trị. Cuối cùng, cú đấm thép vào lòng tin của người tiêu dùng trong nước là vụ việc ngừng nhập các mặt hàng dệt may nội địa.

Một lần nữa, câu chuyện về chữ tín, về lời hứa của một doanh nghiệp bán lẻ được đem ra mổ xẻ. Trong khi, nhiều thương hiệu bán lẻ khác đang nỗ lực sửa mình để bắt nhịp tốt hơn với xu hướng mua sắm của người dân, ghi điểm trong lòng công chúng thì Big C, bằng cách làm ngược, không những không cải thiện đáng kể các dịch vụ, sản phẩm, mà còn đang khiến nhiều người tiêu dùng sốc và bực tức.

Những thương hiệu lớn trong ngành bán lẻ như Parkson hay Auchan trước đó dù có nhiều nỗ lực trong cải thiện dịch vụ, sản phẩm, vậy mà vẫn không trụ nổi tại thị trường Việt Nam. Trong khi, Big C lại sử dụng những “đòn đánh” khá gắt vào doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước, thì việc nhận lại sự phản ứng mạnh mẽ có lẽ không phải là điều khó hiểu.

Xu hướng mới

Sự thay đổi thói quen mua sắm, nhất là của các khách hàng trẻ tuổi như thế hệ Y (hay còn gọi là millennials - chỉ những người sinh trong khoảng những năm 1980 đến 2000) đang đòi hỏi các nhà bán lẻ phải tự thay đổi để có thể đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thượng đế.

Báo cáo mới đây về thói quen tiêu dùng của Savills đã chỉ ra rằng, những thay đổi về nhân khẩu học, văn hóa, kinh tế và công nghệ đang gây ảnh hưởng lớn đến cách chúng ta sử dụng thời gian và tiền bạc. Xu hướng này có thể được ghi nhận ở nhiều thế hệ, nhưng thế hệ Y là những hiện thân rõ rệt nhất, ưu tiên các hoạt động trải nghiệm như các kỳ nghỉ, các bữa ăn tại nhà hàng và giao tiếp hơn việc tiêu tiền mua đồ.

Ngành bán lẻ và “cú sốc” Big C ảnh 1

Bán lẻ là thị trường có sự cạnh tranh khốc liệt. Ảnh: Thanh Huyền

Sự thay đổi hành vi khách hàng này đang làm thay đổi bản chất của các địa điểm tập trung bán lẻ, tạo ra thách thức cho các chủ mặt bằng và đơn vị vận hành trong việc nhận diện các mô hình giải trí mới có thể gia tăng giá trị cho các dự án phức hợp. Mặc dù các mô hình truyền thống như F&B vẫn đang giữ một vai trò quan trọng, nhưng đã có sự nổi lên đáng lưu ý từ những mô hình mới như thực tế ảo (VR), thể thao điện tử (esports) và các bảo tàng tương tác.

Với các trung tâm thương mại ở Mỹ, châu Âu và châu Á, làn sóng mở rộng này đang dần thay thế các đơn vị bán lẻ mỏ neo (thường là các đơn vị lớn nhằm thu hút đa dạng khách hàng đến với trung tâm thương mại) truyền thống bằng các mô hình giải trí mới.

Những ý tưởng mới hấp dẫn hiện đang thu hút khách hàng đến với trung tâm thương mại và các chủ mặt bằng ngày càng ghi nhận việc cần đầu tư thêm vào lĩnh vực giải trí để biến trung tâm của mình thành một điểm đến.

Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội trong sự kiện Forbes Talks cũng đã đề cập đến xu hướng này: “Để tồn tại các dự án bất động sản bán lẻ mới cần phải đưa ra các thiết kế và tiện ích mới mẻ, trong đó có các mô hình tân tiến và sáng tạo để thu hút khách hàng như: các hoạt động giải trí, công viên giải trí, biển đổi cơ cấu khách thuê.”

Sự sửa mình cần thiết

Nhìn nhận về thói quen tiêu dùng, ông ALEX CRANE, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho rằng, TP.HCM là thị trường năng động hơn so với Hà Nội do sự khác biệt về hành vi tiêu dùng giữa hai nơi. Trong khi người dân ở TP.HCM sẵn sàng tiêu tiền và trải nghiệm sản phẩm mới hơn, thì người dân Thủ đô có khuynh hướng thận trọng hơn về khẩu vị và chi tiêu. Đây là những nhân tố chủ đạo khiến cho các nhà bán lẻ nước ngoài thường có khuynh hướng tiến vào thị trường phía Nam trước, rồi mới mở rộng ra phía Bắc.

Ông ALEX CRANE cũng cho rằng, nhu cầu về mặt ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực bán lẻ là điều tất yếu, do tỷ lệ mua sắm qua mạng tăng rất mạnh. Sự cải tiến về thanh toán trực tuyến và hệ thống giao nhận sẽ hỗ trợ cho sự tăng trưởng của thương mại điện tử (e-commerce) và thương mại di dộng (m-commerce). Thương mại điện tử hưởng lợi từ sự cải tiến của công nghệ giúp nghiên cứu hành vi của người tiêu dùng, tiến hành hoạt động kinh doanh và thị trường trực tiếp. Tiến bộ này cũng thúc đẩy doanh số bán lẻ, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, lo ngại về chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng và mức độ dễ sử dụng của ứng dụng/phần mềm là những yếu tố cần được đề cập đến nếu doanh nghiệp muốn gia tăng nhận diện thương hiệu và xây dựng niềm tin người tiêu dùng.

Còn theo ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam, cơn lốc thâm nhập của các nhà bán lẻ ngoại vào Việt Nam gần đây làm cho thị trường bán lẻ trở nên cạnh tranh khốc liệt hơn. Việc mở rộng ngày càng nhiều hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại góp phần làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân Việt Nam từ việc mua sắm tại các chợ truyền thống chuyển sang các trung tâm mua sắm hiện đại.

“Miếng bánh bán lẻ sẽ là một cuộc chiến và chỉ có những nhà bán lẻ có chiến lược đúng đắn đáp ứng được nhu cầu thị trường mới giành được phần  hơn trong miếng bánh này”, ông Stephen Wyatt khẳng định.

Tuy sự gia nhập của các mô hình mới đang lan rộng, nhưng việc dành mặt bằng cho các hoạt động giải trí vẫn đang vấp phải một số thách thức. Nhiều mô hình hiện chưa được thử nghiệm, và câu chuyện về tuổi thọ của những mô hình này vẫn còn là một dấu hỏi. Việc lắp đặt trang trí mặt bằng thường đòi hỏi các hợp đồng thuê kéo dài để cân đối với chi phí. Theo thời gian, mỹ quan mặt bằng bán lẻ trong mắt khách hàng có thể không còn hấp dẫn. Tuy vậy, điều này cũng có thể là động lực để các chủ mặt bằng sáng tạo hơn trong chiến lược cho thuê, tăng tính linh hoạt thông qua cơ cấu thay đổi khách thuê và liên doanh với đơn vị vận hành.

Nhấn mạnh đến vai trò của sự thay đổi cần thiết với các nhà đầu tư ở phân khúc bán lẻ, ông Matthew Powell cho rằng, khách hàng trong ngành bán lẻ đang thay đổi từng ngày. Tương lai họ sẽ là những con người của kỷ nguyên công nghệ, với thời đại của
smart-phone, facebook hay những tiện ích công nghệ khác. Các doanh nghiệp bán lẻ sẽ phải liên tục thay đổi để bắt kịp xu hướng; các dự án bất động sản bán lẻ vì vậy cũng cần phải thích ứng để không bị đào thải.

“Dù các chủ mặt bằng chọn mô hình nào, thì vai trò của công nghệ ngày càng lớn mạnh. Và bao giờ cũng vậy, khách hàng sẽ là những người bình chọn bằng bước chân của mình”, ông Matthew Powell cho biết.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan