Trong thời gian giá dầu phục hồi, một số doanh nghiệp như PLX, OIL, TLP, BSR tăng tích trữ tồn kho.

Trong thời gian giá dầu phục hồi, một số doanh nghiệp như PLX, OIL, TLP, BSR tăng tích trữ tồn kho.

Ngành dầu khí: Gió đảo chiều

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nếu như năm 2020, lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp dầu khí giảm trung bình 54,3% thì trong quý I/2021 đã tăng 30,3%.

Lợi nhuận phân hóa mạnh

Kỳ vọng kết quả kinh doanh cải thiện, nhiều cổ phiếu dầu khí đã bứt phá trong quý I/2021 để đón sóng kết quả kinh doanh.

Xét theo sóng ngành, trong giai đoạn đầu năm, bên cạnh nhóm cổ phiếu thép, chứng khoán, ngân hàng thì nhóm cổ phiếu dầu khí nổi sóng trong tháng 3, tháng 4 và sau đó chịu áp lực điều chỉnh trong thời gian gần đây khi giá dầu có diễn biến đi ngang và thông tin hỗ trợ là kết quả kinh doanh chính thức được công bố.

Trong giai đoạn cổ phiếu dầu khí hút dòng tiền và tăng giá, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành cho thấy dấu hiệu cải thiện theo xu hướng hồi phục của giá dầu.

Nếu như năm 2020, nhóm doanh nghiệp dầu khí liên quan tới tồn kho xăng dầu chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự sụt giảm của giá dầu, thì trong những tháng đầu năm 2021 lại hưởng lợi từ giá dầu tăng và báo lãi trở lại trong quý I/2021.

Cụ thể, Công ty cổ phần Lọc hoá Dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (OIL), Petrolimex (PLX), Tổng công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ - CTCP (TLP), Công ty cổ phần Kinh doanh khí Miền Nam (PGS)… có lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong quý I/2021, trái ngược với tình hình kinh doanh lao dốc năm 2020 do liên tục phải trích lập dự phòng giảm giá tồn kho khi giá dầu giảm.

Quý I/2021, Petrolimex ghi nhận doanh thu 38.247,1 tỷ đồng, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm 2020; lợi nhuận sau thuế đạt 736,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 1.813,2 tỷ đồng; biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 1,2% lên 8,9%; lợi nhuận gộp tăng 654,5%, lên 3.393,8 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 47,1% về 186,5 tỷ đồng; lãi công ty liên doanh, liên kết tăng 27,2%, đạt 170 tỷ đồng…

Petrolimex cho biết, quý I/2021, dịch Covid-19 đã được kiểm soát, đồng thời giá dầu thế giới có xu hướng tăng từ 47,62 USD/thùng lên 59,16 USD/thùng, tương ứng tăng 20%, nên hoạt động kinh doanh xăng dầu có lãi.

Tương tự, trong quý I/2021, OIL ghi nhận ghi nhận doanh thu 11.767,8 tỷ đồng, giảm 33,5% so với cùng kỳ năm 2020; lợi nhuận sau thuế đạt 190,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 537,7 tỷ đồng; biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 0,4% lên 6,6%; lợi nhuận gộp tăng 1.115%, đạt 778,9 tỷ đồng; lợi nhuận tài chính tăng 57,3%, lên 56,8 tỷ đồng; lãi công ty liên doanh, liên kết là 8,3 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 15,1 tỷ đồng)...

Tại BSR, trong quý I/2021, doanh thu tăng 17%, lên 21.048,7 tỷ đồng; lợi nhuận tăng 178,7%, lên 1.848,4 tỷ đồng, so với mức lỗ 2.330,3 tỷ đồng của quý I/2020 vì kinh doanh dưới giá vốn.

Tuy nhiên, nhóm doanh nghiệp dịch vụ phụ trợ và không liên quan tới tồn kho như Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) có kết quả kinh doanh cải thiện chậm hơn rất nhiều, thậm chí Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD) thua lỗ, thay vì hưởng lợi như nhóm doanh nghiệp có tồn kho liên quan tới dầu.

Trong quý đầu năm 2021, PVD ghi nhận doanh thu 549,9 tỷ đồng, giảm 67,2%; lợi nhuận sau thuế âm 109,9 tỷ đồng so với mức lãi 16,2 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2020; lợi nhuận gộp âm 27,8 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 157,2 tỷ đồng; lỗ hoạt động tài chính là 1,6 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 51,4 tỷ đồng.

Bên cạnh thua lỗ, PVD có dòng tiền âm trong quý I/2021: dòng tiền hoạt động kinh doanh chính âm 117,8 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái âm 270,3 tỷ đồng); dòng tiền tài chính dương 192,8 tỷ đồng chủ yếu do doanh nghiệp tăng vay nợ.

Quý I/2021, giá dầu tăng giúp BSR, OIL, PLX, TLP, PGS… có lợi nhuận tăng mạnh, trái ngược với tình hình kinh doanh lao dốc năm 2020 do liên tục phải trích lập dự phòng giảm giá tồn kho khi giá dầu giảm.

Còn PVS ghi nhận doanh thu 2.613,7 tỷ đồng trong quý I/2021, giảm 19,4%; lợi nhuận sau thuế đạt 163,7 tỷ đồng, tăng 35,4% so với cùng kỳ năm trước; biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 5,9%, lên 6,8%, do doanh thu giảm nên lợi nhuận gộp giảm 6,7%, tương ứng giảm 12,8 tỷ đồng, về 178,7 tỷ đồng; lợi nhuận tài chính giảm 25,8%, tương ứng giảm 19,6 tỷ đồng, về 56,5 tỷ đồng; lãi công ty liên doanh, liên kết tăng 390,9%, tương ứng tăng thêm 124,7 tỷ đồng, lên 156,6 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 54% so với cùng kỳ, tương ứng tăng 66,9 tỷ đồng, lên 190,8 tỷ đồng; lợi nhuận khác tăng 64,3%, tương ứng tăng 16,6 tỷ đồng, lên 42,4 tỷ đồng…

Được biết, lợi nhuận quý I/2021 của PVS chủ yếu đến từ các công ty liên doanh hoạt động trong lĩnh vực cung cấp kho nổi chứa, xử lý và xuất dầu thô.

Chiến lược gia tăng tồn kho

Trong thời gian giá dầu phục hồi, một số doanh nghiệp trong ngành thực hiện chiến lược gia tăng tích trữ tồn kho.

Chẳng hạn, tính đến cuối quý I/2021, Petrolimex đã tăng thêm 991 tỷ đồng tồn kho, tương ứng tăng 10,5% so với đầu năm, lên 10.411,8 tỷ đồng; OIL tăng thêm 520,7 tỷ đồng tồn kho, tương ứng tăng 28,5%, lên 2.348,6 tỷ đồng; TLP tăng thêm 751,7 tỷ đồng tồn kho, tương ứng tăng 47,7%, lên 2.328,9 tỷ đồng; BSR tăng thêm 2.043,4 tỷ đồng tồn kho, tương ứng tăng 24,3%, lên 10.442,3 tỷ đồng.

Trong bối cảnh giá dầu tăng, chiến lược gia tăng tồn kho có thể giúp các doanh nghiệp trên có giá vốn thấp hơn và cải thiện biên lợi nhuận gộp, từ đó giúp nhà đầu tư tăng kỳ vọng về lợi nhuận trong những quý tiếp theo. Tuy nhiên, đó là trong trường hợp giá dầu tiếp tục giao dịch vùng giá hiện tại hoặc cao hơn, nếu giá dầu đảo chiều thì việc gia tăng tồn kho sẽ sớm trở thành gánh nặng đối với doanh nghiệp.

Tin bài liên quan