Ngành đông dược, cơ hội từ nguồn nguyên liệu

Ngành đông dược, cơ hội từ nguồn nguyên liệu

(ĐTCK-online) Hiện nay, các sản phẩm đông dược ngày càng nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng. Hơn nữa, ngành đông dược Việt Nam đang nhận được sự quan tâm sát sao, khuyến khích và hỗ trợ phát triển của Chính phủ. Đây là hai yếu tố quan trọng và là động lực thúc đẩy ngành đông dược có những bước đột phá lớn trong thời gian tới.

Tổng quan thị trường

Thị trường dược Việt Nam trong năm 2009 đã có những dấu hiệu tốt đẹp. Theo báo cáo mới nhất của Cục Quản lý dược, năm 2009, người tiêu dùng Việt Nam đã chi 19,66 USD/người cho các sản phẩm dược. Dự báo chi phí cho sản phẩm dược trong năm 2010 có thể tăng 25%, ước tính đạt 2 tỷ USD. Đây là những con số đáng khích lệ so với mức chi 6 USD/đầu người cho các sản phẩm dược năm 2001. Tuy nhiên, 60% trong số 7.100 tỷ đồng doanh thu toàn ngành dược trong năm 2009 lại do các sản phẩm nhập khẩu mang lại. Các công ty dược trong nước nhìn chung đang chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các DN nước ngoài. Vì vậy, dù thị trường dược có tiềm năng lớn, song các DN dược Việt Nam không thể đạt mức tăng trưởng tương xứng với tiềm năng đó. Tuy nhiên, một mảng thị phần dược có tiềm năng lớn, nhưng số lượng những DN lớn chưa nhiều, đó là mảng đông dược.

Đông dược là loại thuốc được bào chế từ nguyên liệu có nguồn gốc thiên nhiên với công thức được đúc kết, sàng lọc qua nhiều năm. Ưu thế của đông dược là phần lớn sản phẩm mang đặc tính thực phẩm chức năng, có tiềm năng phát triển rất cao. Theo báo cáo của Cục Quản lý dược, dòng thuốc thực phẩm chức năng có mức tăng doanh thu lớn nhất, đạt mức tăng trưởng  30%/năm. Về phương diện kinh doanh, ưu điểm của đông dược là nguyên liệu để chiết xuất là các loại thảo mộc có thể tự sản xuất được trong nước; nếu được đầu tư thích đáng, ngành đông dược có thể chủ động nguồn dược liệu, không phải nhập khẩu như tây dược, tránh được các rủi ro về giá nguyên liệu cũng như tỷ giá hối đoái.

Hơn nữa, Chính phủ đang có kế hoạch hỗ trợ, khuyến khích phát triển ngành công nghiệp dược liệu trong nước. Theo đề án phát triển công nghiệp dược liệu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2007, mục tiêu phấn đấu là số lượng đông dược sẽ chiếm khoảng 30% số thuốc trong nước vào năm 2015 và 40% vào năm 2020. Hiện nay, do chưa có quy định về tiêu chuẩn chất lượng cho đông dược; trên thị trường xuất hiện các loại sản phẩm đông dược chất lượng khác nhau, từ loại đắt tiền được nhập khẩu chính hãng từ Trung Quốc cho tới các sản phẩm rẻ tiền không rõ nguồn gốc hoặc từ các nhà sản xuất đông dược nhỏ lẻ. Vì vậy, thương hiệu và sự lâu năm trên thị trường trở thành những tiêu chí để đánh giá chất lượng và uy tín của các DN kinh doanh đông dược.     

 

Một số công ty đông dược đã niêm yết

Hiện tại, Việt Nam có hai DN đông dược được đánh giá đứng đầu cả nước về quy mô và chất lượng. Đó là CTCP Dược phẩm Traphaco (TRA - sàn HOSE) và CTCP Dược phẩm OPC (OPC - sàn HOSE). Không như các DN đông dược nhỏ lẻ khác có nguy cơ phải đóng cửa vào cuối năm nay do không đạt tiêu chuẩn Chứng chỉ sản xuất thuốc tốt của Tổ chức Y tế thế giới (GMP-WHO), hai công ty này là những DN đông dược đầu tiên có dây chuyền sản xuất đáp ứng được tiêu chuẩn chứng chỉ GMP-WHO. Cả hai đều có cơ sở nuôi trồng thảo dược, tạo sự tự chủ về nguyên liệu đầu vào. Hơn nữa, các sản phẩm của hai công ty này đã có mặt trên thị trường trong một thời gian dài, trở thành thương hiệu tin cậy đối với người tiêu dùng.

Traphaco là một DN đông dược có thị phần chính ở miền Bắc. Ngoài hai nhà máy GMP-WHO tại Hưng Yên và Hà Nội, TRA còn có cơ sở nuôi trồng dược liệu ở Sapa... Cơ cấu sản phẩm Công ty gồm 20% tân dược và 80% đông dược. Quý I năm nay, Công ty đạt doanh thu 210,8 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 15,7 tỷ đồng, tăng 33,5% so với cùng kỳ. Mục tiêu doanh thu trong năm nay của Traphaco là 900 tỷ đồng.

OPC là một DN đông dược khác có thị phần chính ở miền Nam. Năm 2009, doanh thu của OPC đạt 372,7 tỷ đồng, vượt 62,5% chỉ tiêu; hệ số lợi nhuận gộp là 36,7%, một trong những hệ số cao nhất ngành. Doanh thu từ các sản phẩm dẫn đầu của Công ty như viên trị sỏi thận Kim tiền thảo và dầu khuynh diệp OPC Mẹ bồng con có mức tăng trưởng đáng kể, lần lượt là 139,36% và 130%; dự kiến đà tăng trưởng trên sẽ được duy trì trong các năm tới. Ngoài dược, OPC còn có nhà máy chuẩn GMP-WHO chuyên sản xuất ethanol tinh khiết, cung ứng cho các DN dược phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm trong nước, tạo nên một nguồn thu ổn định và lâu dài. Cuối năm 2011, OPC dự định sẽ đưa vào hoạt động một nhà máy mới tại Bình Dương để tăng khả năng sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Ngành đông dược, cơ hội từ nguồn nguyên liệu ảnh 1

Đông dược có thể là con đường giúp các công ty dược Việt Nam bứt phá và dành lại thị phần dược trong nước từ các sản phẩm ngoại nhập. Hiện nay, các sản phẩm đông dược ngày càng nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng. Hơn nữa, ngành đông dược Việt Nam đang nhận được sự quan tâm sát sao, khuyến khích và hỗ trợ phát triển của Chính phủ. Đây là hai yếu tố quan trọng và là động lực thúc đẩy ngành đông dược có những bước đột phá lớn trong thời gian tới. Vì lẽ đó, rất có thể những DN đông dược đầu ngành như TRA và OPC là những địa chỉ tốt cho các NĐT.