Ngân hàng nước ngoài cũng đang tạo sức ép lên hoạt động bán lẻ nhà băng trong nước

Ngân hàng nước ngoài cũng đang tạo sức ép lên hoạt động bán lẻ nhà băng trong nước

Ngành ngân hàng: cạnh tranh bán lẻ sẽ nóng bỏng!

(ĐTCK) Với mục tiêu phân tán rủi ro, các nhà băng từng bước đẩy mạnh phân khúc khách hàng cá nhân, gia tăng thị phần tài chính bán lẻ. 

Năm 2016 được dự báo cạnh tranh tài chính bán lẻ sẽ nóng hơn khi các ngân hàng đã có sự đầu tư công nghệ, cơ sở hạ tầng, đa dạng sản phẩm… để cùng đua trong cuộc chinh phục khách hàng.

Lãnh đạo một ngân hàng cho rằng, mảng tín dụng có tỷ trọng đóng góp lớn nhất trong tổng thu nhập của các nhà băng. Vì vậy, để có thể tăng trưởng được dịch vụ thì trước hết hoạt động tín dụng cũng phải phát triển. Từ đó, các NHTM có thể phát triển được xu hướng dịch vụ kèm theo. Đáng chú ý, trong năm 2016, các dự báo đưa ra khả năng tăng trưởng tín dụng sẽ cải thiện tốt hơn so với năm 2015 khi nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản dần hồi phục.

“Một khi tín dụng tăng trưởng sẽ kéo theo mảng dịch vụ của các ngân hàng và dịch vụ tăng nguồn thu của các ngân hàng gia tăng. Đó cũng chính là lý do các NHTM đang từng bước đẩy mạnh hoạt động bán lẻ. Tuy nhiên, để thành công trong hoạt động bán lẻ, trước hết đòi hỏi các NHTM phải đầu tư công nghệ, cơ sở phải bài bản mới có thể kỳ vọng thành công”, lãnh đạo nhà băng trên nói.

Thực tế, cạnh tranh trong hoạt động bán lẻ trên thị trường tài chính đã bắt đầu nóng trong những năm gần đây, nhất là khi các ngân hàng nước ngoài được chuyển đổi thành 100% vốn ngoại, thị trường tài chính trong nước rộng cửa hơn. Tuy nhiên, theo vị lãnh đạo ngân hàng nói trên, cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt và đó là điều tất yếu nên đòi hỏi các NHTM phải có sự đầu tư công nghệ, quản trị rủi ro.

Với dân số của Việt Nam hơn 93 triệu người, tiềm năng để tăng trưởng dịch vụ tài chính bán lẻ là rất lớn.

Hiện tại, tất cả các NHTM đang tập trung đẩy mạnh bán lẻ, nhưng điều đó không có nghĩa là các ngân hàng bỏ mảng bán buôn. Ngược lại, cùng với xu hướng đẩy mạnh bán lẻ, các NHTM phải đẩy mạnh cả bán buôn để tăng doanh thu cho dịch vụ.

Chính sự diện diện của các ngân hàng con 100% vốn nước ngoài cũng phần nào tạo sức ép lên hoạt động bán lẻ nhà băng trong nước. Theo đại diện các nhà băng, nếu không thực hiện chiến lược đẩy mạnh bán lẻ, cho vay phân tán sẽ khó có thể trụ vững trên thị trường thời gian tới.

Một cán bộ cấp cao của ACB cho biết, ngân hàng đã ý thức về tác động của công nghệ đối với lĩnh vực tài chính, nhất là bán lẻ từ rất lâu, nên ngay từ năm 2010, ACB đã có sự đầu tư về công nghệ, giúp ngân hàng tăng cường năng lực cạnh tranh. Vì vậy, hàng năm ACB đã có một khoản ngân sách đầu tư vào công nghệ nhất định khoảng 7-10 triệu USD trong suốt kế hoạch từ 2012-2018.

“ACB đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng 35% trong hoạt động bán lẻ trong 2 năm qua cũng như thời gian tới. Tăng trưởng 35% mảng hoạt động bán lẻ là khát vọng của tập thể ACB, vì cơ hội thị trường, tăng trưởng tốt”, vị cán bộ trên nói và cho rằng, truyền thống ACB trong 20 năm qua là chú trọng vào khách hàng bán lẻ nên ngân hàng đã đặt ra mục tiêu trên. Trong năm 2015, ACB đạt được mục tiêu tăng trưởng nói trên về hoạt động bán lẻ.

ACB kỳ vọng, trong giai đoạn tiếp theo từ năm 2016 -2018 sẽ giữ được đà tăng trưởng bán lẻ cho Ngân hàng. Vì vậy, trong định hình kinh doanh, chúng tôi rất chú trọng đến các chính sách riêng cho mỗi địa phương về lãi suất, về giá, khả năng tăng trưởng... Việc đi lại nhiều đến các địa bàn kinh doanh, đến các chi nhánh phòng giao dịch giúp lãnh đạo ACB hiểu rõ hơn về thị trường, cũng như có thể điều chỉnh chính sách kịp thời để đáp ứng yêu cầu khách hàng.

Tổng giám đốc Ngân hàng SCB, ông Võ Tấn Hoàng Văn cũng cho hay, chiến lược của SCB trong năm 2016 sẽ đẩy mạnh hơn nữa mục tiêu bán lẻ. Trong đó, Ngân hàng chú trọng vào tín dụng cá nhân (mua nhà, tiêu dùng…), đồng thời gian tăng các sản phẩm về thẻ cũng như đẩy mạnh bán chéo bảo hiểm. Mục tiêu của SCB là tăng nguồn thu từ mảng dịch vụ đóng góp vào lợi nhuận.

Theo nhận định của một chuyên gia lĩnh vực tài chính – tiền tệ, với dân số của Việt Nam hơn 93 triệu người, tiềm năng để tăng trưởng dịch vụ tài chính bán lẻ là rất lớn. Nhưng điều đó không có nghĩa là không có cạnh tranh giữa các nhà băng nội cũng như nước ngoài. Hoạt động của ngân hàng nước ngoài tuy chưa thực sự đáng lo ngại đối với ngân hàng trong nước, nhưng quản trị của ngân hàng nước ngoài rất tốt mà ngân hàng trong nước khó có thể học hỏi để quản trị tốt hơn về mặt rủi ro cũng như đẩy mạnh dịch vụ bán lẻ.

Các ngân hàng nước ngoài có lợi thế trong việc phục vụ những doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhưng điều này đã có từ trước khi các nhà băng nước ngoài xuất hiện tại Việt Nam, chứ không phải hiện nay. Mặt khác, các ngân hàng nước ngoài ra sức phục vụ doanh nghiệp nước sở tại đi theo, nhưng họ lại không có mạng lưới phủ khắp trên toàn quốc, nên phải cần đến các NHTM trong nước…

Như vậy, ngân hàng trong nước có lợi thế địa phương, nhưng để tăng trưởng và phát triển ổn định, cần phải có sự đầu tư công nghệ, từ đó đẩy mạnh bán lẻ trên các sản phẩm, dịch vụ hiện đại mới thu hút được khách hàng.        

Tin bài liên quan