Ông Phạm Đông Anh

Ông Phạm Đông Anh

Ngành ngân hàng đã trải qua những thay đổi mạnh mẽ

(ĐTCK) Đó là nhìn nhận của ông Phạm Đông Anh, Phó tổng giám đốc phụ trách điều hành TienPhong Bank về sự phát triển của ngành ngân hàng Việt Nam.

> Toàn cảnh ngành ngân hàng Việt Nam 2012

Ông Anh nói:

Gần một thập kỷ qua, chúng ta đã chứng kiến sự thay đổi đến “chóng mặt” của hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Sau khi vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á năm 1997 - 1998, kinh doanh ngân hàng “dễ thở” hơn nhiều và một loạt ngân hàng nông thôn chuyển đổi mô hình hoạt động thành ngân hàng đô thị.

Sự thay đổi về số lượng là dễ nhìn thấy nhất, đồng thời khiến cho mảnh đất này trở nên chật chội với khoảng 100 ngân hàng quốc doanh, thương mại cổ phần, ngân hàng có yếu tố nước ngoài, chưa kể còn rất nhiều công ty tài chính và quỹ tín dụng các cấp. Chính vì thế, áp lực cạnh tranh cao hơn gấp bội, các ngân hàng buộc phải nỗ lực không ngừng cải tiến chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh cũng khiến chi phí vốn tăng, dẫn đến một số nghịch lý như đường cong lãi suất giờ trở thành đường thẳng lãi suất, một số ngân hàng vượt rào, hút khách bằng mọi giá.

Cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và áp lực cạnh tranh lớn, ngành ngân hàng Việt Nam đã trải qua những thay đổi mạnh mẽ trong chức năng và hình thức. Ngân hàng không chỉ đơn thuần thực hiện nhận tiền gửi và cho vay, danh mục dịch vụ tài chính gia tăng nhanh chóng dựa trên nền tảng công nghệ cao.

Hiện nay, hầu hết ngân hàng đều ứng dụng phần mềm lõi, quản lý dịch vụ tập trung. Dịch vụ Internet banking, Mobile banking trở nên phổ biến, cho phép khách hàng thực hiện giao dịch mọi lúc mọi nơi. Máy rút tiền tự động, máy thanh toán tiền POS được lắp đặt ở các khu đông dân cư, siêu thị và trung tâm bán hàng, thay thế cho các phương tiện thanh toán hàng hóa dịch vụ bằng giấy; và hệ thống máy vi tính hiện đại xử lý hàng ngàn giao dịch một cách nhanh chóng.

Chính vì nhận thấy xu hướng tất yếu này nên ngay từ khi mới thành lập, chúng tôi đã ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất và hướng tới xây dựng TienPhong Bank trở thành ngân hàng điện tử hàng đầu Việt Nam.

Hiện nay, ngành ngân hàng lại phải đứng trước một cuộc “đại phẫu” sau một thời gian phát triển quá nóng. Tuy nhiên, theo ý kiến của tôi, quá trình “tái cơ cấu” này là cần thiết, tất yếu và phải thực hiện thường xuyên nhằm giảm thiểu rủi ro và để ngành ngân hàng có thể đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế. Ngân hàng dù có thay đổi hay mở rộng hay làm gì đi chăng nữa thì cũng phải đảm bảo được chức năng quan trọng nhất là nơi cất giữ của cải và phân bổ vốn hợp lý cho toàn xã hội.