Ngành ngân hàng giảm kỳ vọng lợi nhuận

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Có nhiều vấn đề đáng lưu tâm đối với ngành ngân hàng năm 2023, khiến tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngành này được dự báo sẽ chậm lại đáng kể.
Ngành ngân hàng đang đối diện với nhiều thách thức, nhưng vẫn là một trong các nhóm ngành triển vọng nhất năm 2023

Ngành ngân hàng đang đối diện với nhiều thách thức, nhưng vẫn là một trong các nhóm ngành triển vọng nhất năm 2023

Thanh khoản vẫn là nỗi lo

Tuần qua, thông tin VPBank (mã chứng khoán VPB) thông báo đạt thỏa thuận bán 15% cổ phần cho Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) và trở thành nhà đầu tư chiến lược của VPBank, SeABank lấy ý kiến chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho đối tác ngoại, Ngân hàng Nhà nước có tờ trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 01/2014/NĐ-CP về nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam… được kỳ vọng là những “luồng gió” ấm áp đối với hệ thống ngân hàng.

Khoản đầu tư từ SMBC được VPBank cho biết sẽ mang lại cho Ngân hàng 35.900 tỷ đồng vốn cấp 1 (tương đương mức giá 30.160 đồng/cổ phiếu), nâng vốn chủ sở hữu từ 103.500 tỷ đồng lên xấp xỉ 140.000 tỷ đồng.

Trước đó, động thái VPBank bán cổ phần cho SMBC đã giúp cổ phiếu VPB tăng giá, từ mức 17.000 đồng/cổ phiếu ngày 17/3/2023 lên trên 21.000 đồng/cổ phiếu khi đóng cửa phiên giao dịch cuối tháng 3.

Tuy nhiên, giám đốc phân tích một công ty chứng khoán tại Hà Nội cảnh báo: “Không nên kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ tiếp tục tăng mạnh, bởi trên thị trường chứng khoán Việt Nam thường có trường hợp tin tốt vừa ra, giá cổ phiếu liền quay đầu giảm mạnh, bởi lực bán gia tăng”.

Một nhà đầu tư có danh mục chủ yếu là cổ phiếu ngân hàng chia sẻ: “Trong khi nhiều mã ngân hàng ì ạch, một số mã nhúc nhích được cũng là điều rất mừng, nhưng tôi vẫn ở ngoài “đảo xa”, chưa về bờ được”.

Không ít ý kiến nhìn nhận, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục hành trình “vượt bão” trong chu kỳ thị trường bất động sản đi xuống cùng với triển vọng kém tích cực của hoạt động xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn là vấn đề đáng lưu tâm đối với ngành ngân hàng hiện nay.

Bà Trần Thị Thu Thảo, chuyên viên phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT dự báo, tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ chậm lại, đạt khoảng 11% so với cùng kỳ trong năm 2023 - 2024, bởi khả năng tăng trưởng tín dụng chậm lại, biên lãi ròng (NIM) thu hẹp và tỷ lệ chi phí tín dụng gia tăng.

Kết quả khảo sát của Ngân hàng Nhà nước cho biết, các tổ chức tín dụng tỏ ra thận trọng hơn khi dự báo cho thời gian tới. Có 56,4 - 75,4% tổ chức kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện trong quý I và cả năm 2023, nhưng mức độ kỳ vọng cải thiện thấp hơn so với năm 2022; có 95,3% tổ chức kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng dương trong năm 2023; có 2,8% tổ chức dự kiến lợi nhuận tăng trưởng âm và 1,9% dự kiến lợi nhuận không thay đổi so với năm 2022.

Đáng lưu ý, tổng giám đốc một công ty tài chính cho rằng, “thanh khoản sẽ là vấn đề nổi cộm của các tổ chức tín dụng trong năm nay”. Về phía công ty, những tháng qua, ban lãnh đạo công ty vừa đôn đáo thu hồi nợ, tạm thời hạn chế cho vay, vừa đàm phán với các ngân hàng để lại phần tiền gửi tại công ty, vừa tìm cách vay vốn nước ngoài.

Lý do phải “bạc mặt” đôn đáo được vị tổng giám đốc giải thích: “Công ty tài chính không được huy động tiền từ dân cư nên một phần lớn nguồn tiền là huy động từ các ngân hàng. Dù công ty đang vận hành rất ổn định, lành mạnh, nhưng trước bối cảnh trong nước và thế giới hiện nay, các ngân hàng vẫn lo ngại về thanh khoản nói chung nên muốn rút tiền về để phòng thủ. Điều này tác động lớn đến hoạt động của các công ty tài chính nói riêng và hệ thống tài chính nói chung”.

Nhìn lại năm 2022, cung tiền M2 (tính đến cuối tháng 11) chỉ tăng 3,6%, thấp hơn rất nhiều so với tăng trưởng tín dụng 14,8%, cho thấy áp lực về thanh khoản và tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động của các ngân hàng đều tăng cao so với năm 2021.

Tình trạng này đã phần nào dịu bớt kể từ đầu năm 2023. Tỷ giá hạ nhiệt đã tạo dư địa cho Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ thanh khoản qua việc tích cực mua vào ngoại tệ (mua 3,6 tỷ USD từ đầu năm 2023 đến giữa tháng 2, theo ước tính của VNDIRECT). Nhờ đó, mặt bằng lãi suất đã giảm đáng kể so với mức đỉnh.

Mặc dù vậy, một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận: “Trước sự kiện của Silicon Valley Bank tại Mỹ hay Credit Suisse tại Thuỵ Sĩ, các ngân hàng Việt Nam không tránh khỏi thận trọng xung quanh câu chuyện thanh khoản”.

Ngân hàng Nhà nước đã cấp hạn mức tín dụng năm 2023 cho các ngân hàng, nhưng các chuyên gia kinh tế dự báo, tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại, đạt khoảng 12%. Ngoài ra, lạm phát dự kiến vẫn ở mức cao do mức tăng tiền lương cơ sở 20,8% có hiệu lực từ tháng 7/2023 và sự tăng giá ở các dịch vụ như y tế, vận tải công cộng...

“Thanh khoản hạn hẹp (dù đã có phần cải thiện) cũng là một nguyên nhân làm chậm lại đà tăng trưởng tín dụng trong năm nay”, vị chuyên viên phân tích của VNDIRECT nhận định.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến 9/3/2023, tín dụng tăng 1,12% và cung tiền tăng rất chậm, chưa được 1% so với cuối năm 2022.

Động lực từ bancassurance sẽ giảm

Áp lực thanh khoản, khả năng tăng trưởng tín dụng chậm lại, biên lãi ròng thu hẹp, tỷ lệ chi phí tín dụng gia tăng, thị trường bất động sản đi xuống, trái phiếu doanh nghiệp trầm lắng... là các vấn đề đáng lưu tâm đối với ngành ngân hàng hiện nay.

Giai đoạn 2020 - 2022, đa phần các ngân hàng ghi nhận doanh thu phí dịch vụ từ hoạt động bán bảo hiểm (bancassurance) tăng trưởng mạnh khi nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ liên tục đẩy mạnh hoạt động bán chéo sản phẩm qua ngân hàng. Trong đó, với mảng bảo hiểm nhân thọ (phần lớn phí bancassurance của ngân hàng đến từ mảng này), doanh thu khai thác mới qua kênh ngân hàng tăng theo cấp số nhân, từ 20% tổng phí khai thác mới trong năm 2018 lên đến 40% vào năm 2021.

Tuy nhiên, năm 2023, bà Thu Thảo cho rằng, kỳ vọng tăng trưởng phí dịch vụ từ hoạt động bancassurance của ngành ngân hàng sẽ chậm lại đáng kể do nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến thu nhập của người tiêu dùng và theo đó là nhu cầu mua bảo hiểm. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý đang đẩy mạnh việc thanh tra hoạt động bancassurance do có thông tin về việc người vay vốn ngân hàng bị ép mua bảo hiểm, hay khách hàng gửi tiền bị nhân viên ngân hàng tư vấn không rõ ràng, khiến khách hàng tưởng sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư là gửi tiết kiệm.

Trước những khó khăn của ngành, các ngân hàng thận trọng đề ra kế hoạch lợi nhuận cho năm 2023. Vietcombank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 12%, tương tự năm trước, dù dự tính tăng trưởng tín dụng cao hơn, ở mức 12,8% chưa bao gồm việc nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém.

VIB, một ngân hàng có lợi thế trong mảng bảo hiểm đã công bố tài liệu phục vụ cuộc họp đại hội cổ đông thường niên với mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 12.200 tỷ đồng, tăng 15,3%, chỉ bằng một nửa so với năm 2022 (32%).

Tương tự, Nam A Bank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2023 đạt 2.400 tỷ đồng, tăng hơn 9% so với năm 2022.

Một ngân hàng dự kiến lợi nhuận năm nay tăng trưởng cao là Eximbank, kỳ vọng đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 35%. Năm ngoái, ngân hàng này có lợi nhuận trước thuế tăng trưởng nhanh nhất hệ thống khi đạt 3.709 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần năm 2021 và vượt xa kế hoạch đề ra (tăng 107%).

Tin bài liên quan