
Tuy cắt giảm mạnh nhân sự, song LPBank lại mạnh tay chi cho nhân viên. Ảnh: Đức Thanh
Nhân sự, lương thưởng biến động mạnh
Báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng cho thấy, bức tranh nhân sự nửa đầu năm nay biến động mạnh. Theo đó, xu hướng cắt giảm nhân sự những năm trước tiếp tục diễn ra tại một số ngân hàng, tiêu biểu nhất là LPBank.
Báo cáo tài chính của LPBank cho thấy, tại thời điểm ngày 30/6/2025, ngân hàng này chỉ còn 9.203 cán bộ, nhân viên, giảm 2.909 người (giảm 31,6%) so với cùng kỳ năm ngoái và giảm gần 2.000 người so với cuối năm 2024. Như vậy, trong quý II/2025, LPBank giảm 367 nhân sự sau khi đã cắt giảm tới 1.619 nhân sự trong quý I/2025.
Tuy cắt giảm mạnh nhân sự, song LPBank lại mạnh tay chi cho nhân viên. Tổng chi phí trả lương và phụ cấp của Ngân hàng nửa đầu năm nay là 1.400 tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này giúp tiền lương bình quân trong 6 tháng đầu năm của cán bộ, nhân viên tại đây tăng lên 24,24 triệu đồng/người/tháng (tăng 31,8%). Hiện thu nhập bình quân của cán bộ, nhân viên ngân hàng này ở mức 26,94 triệu đồng/người/tháng, tăng 27,1% so với cùng kỳ.
Trong các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý II/2025, mới có LPBank công bố cắt giảm mạnh nhân sự. Trước đó, một loạt ngân hàng như Sacombank, TPBank, VIB… cũng thông báo cắt giảm nhân sự trong quý I, nhưng chưa công bố báo cáo tài chính quý II.
Ngược lại, nhiều ngân hàng vẫn tăng mạnh nhân viên so với năm ngoái. Theo báo cáo tài chính riêng lẻ quý II/2025 của VPBank, tính đến cuối tháng 6/2025, tổng số nhân viên Ngân hàng mẹ VPBank là 15.680 người, tăng 677 người so với cuối năm ngoái (tăng 4,5%).
Dù số lượng nhân viên bình quân chỉ tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng chi phí lương và phụ cấp cho nhân viên của VPBank lại tăng tới gần 42%. Nhờ vậy, thu nhập bình quân của nhân viên ngân hàng này trong 6 tháng đầu năm nay đạt 40,85 triệu đồng/người/tháng (tăng 23,6% so với cùng kỳ năm ngoái).
Trong quý II/2025, VPBank ghi nhận lãi thuần chỉ tương đương cùng kỳ năm ngoái, nhưng do trích lập dự phòng rủi ro giảm tới 39%, nên lợi nhuận quý II/2025 tăng tới 61% so với cùng kỳ năm ngoái.
PGBank cũng ghi nhận tăng nhẹ nhân sự (tăng 127 người) so với cùng kỳ năm trước, trong khi thu nhập bình quân của cán bộ tăng lên 26,7 triệu đồng/người/tháng (tăng 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái).
Ngược lại xu hướng tăng thu nhập, nửa đầu năm nay, một số ngân hàng cắt giảm khá mạnh thu nhập của cán bộ, nhân viên, như Techcombank, KienLongBank.
Tính tới ngày 30/6/2025, Techcombank ghi nhận 11.306 nhân viên, tăng gần 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong kỳ, Ngân hàng giảm tới 5% chi phí lương và chi phí liên quan cho nhân viên. Theo đó, lương bình quân nhân viên ngân hàng này giảm 28,2%, trong khi thu nhập giảm 18,8%. Thu nhập bình quân nhân viên Techcombank trong nửa đầu năm nay là 43 triệu đồng/người/tháng so với mức 53 triệu đồng cùng kỳ năm ngoái.
Tương tự, KienLongBank giảm hơn 10% chi phí lương và phụ cấp cho nhân viên, khiến tổng thu nhập nhân viên giảm còn 23 triệu đồng/người/tháng trong 6 tháng đầu năm, thay vì mức 25 triệu đồng cùng kỳ năm ngoái.
Lương nhân viên ngân hàng có sự phân hóa mạnh
Theo bà Ngô Lan, Giám đốc Navigos Search phía Bắc, năm nay, ngân hàng dù làm ăn có lãi, nhưng vẫn sa thải rất nhiều, chủ yếu do tác động của công nghệ. Hiện nay, trí tuệ nhân tạo (AI) có thể thay thế được rất nhiều tác vụ của nhân viên ngân hàng. Vì vậy, nhiều ngân hàng một mặt muốn sa thải nhiều nhân viên làm các công việc thủ công, đơn giản, một mặt lại tăng tuyển dụng ở một số nhóm, đặc biệt là nhóm công nghệ và kinh doanh bán hàng.
Về mức lương, theo các chuyên gia, bình quân lương của các ngân hàng thương mại khá cao, song có sự phân hóa rất mạnh. Có những nhân viên hưởng lương 15-20 triệu đồng/tháng, nhưng có những vị trí mà các ngân hàng phải chi trả hàng trăm triệu đồng/tháng, đặc biệt là nhân viên công nghệ.
Ông Lưu Danh Đức, Phó tổng giám đốc LPBank cho hay, sở dĩ LPBank cắt giảm mạnh nhân sự nửa đầu năm nay vì Ngân hàng đã sắp xếp, tinh gọn lại bộ máy từ 18 khối giảm còn 8 khối. Mong muốn của các ông chủ ngân hàng cực kỳ lớn, vốn đầu tư cũng không nhỏ, song việc tuyển dụng nhân sự công nghệ trình độ cao không hề dễ dàng. Nguyên nhân là thị trường nhân lực thiếu lao động vừa có trình độ công nghệ cao, vừa am hiểu lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Bà Ngô Lan cũng cho hay, nhiều ngân hàng sẵn sàng trả tới 700-800 triệu đồng/tháng với các chuyên gia, ứng viên công nghệ từ nước ngoài về, song tuyển được người không hề dễ dàng.
Theo các chuyên gia kinh tế, trên toàn thế giới, trong 5 năm tới, sẽ có 85 triệu việc làm trong ngành ngân hàng biến mất, nhưng lại sinh ra 97 triệu việc làm mới. Điều này cho thấy, cầu việc làm trong lĩnh vực ngân hàng vẫn tiếp tục tăng, song không phải nhân sự nào cũng có thể đáp ứng.
Ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho rằng, có tới 60% nhân lực ngân hàng sẽ phải đào tạo lại trong 5 năm tới. Điều này cho thấy, nhân sự ngành ngân hàng đang đứng trước cơ hội lớn, nhưng thách thức cũng rất lớn.
Nhu cầu nhân sự số tăng rất mạnh
- PGS-TS. Phạm Thị Hoàng Anh, Phó giám đốc Học viện Ngân hàng
Nhu cầu nhân sự số của ngành ngân hàng đang tăng rất mạnh, nhưng hiện cung chưa đủ cầu. Ngành ngân hàng thiếu hụt nguồn cung nhân lực vừa có chuyên môn sâu về lĩnh vực ngân hàng, vừa am hiểu công nghệ thông tin. Đây là nguồn nhân lực có ý nghĩa quyết định năng lực cạnh tranh của ngân hàng. Nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này tăng lên rất mạnh, nếu năm 2018, ngành ngân hàng cần 320.000 nhân lực về công nghệ, thì đến năm 2026 cần tới 750.000 người.