Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình làm việc với tỉnh Thanh Hóa

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình làm việc với tỉnh Thanh Hóa

Ngành ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

(ĐTCK) Trong chuyến công tác thực tế của ngành ngân hàng tại tỉnh Thanh Hóa, những khó khăn vướng mắc của DN liên quan đến hoạt động tín dụng đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trực tiếp chỉ đạo phương án xử lý.

Thanh Hóa hiện đang chủ trương đẩy mạnh mô hình chuỗi liên kết sản xuất trong nông nghiệp, đưa công nghệ cao áp dụng vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới mục tiêu xuất khẩu.

Theo đó, trong lĩnh vực nông nghiệp, CTCP Công - nông nghiệp Tiến Nông, là một trong số các DN tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được giới thiệu và đã được liên Bộ (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ và NHNN) dự kiến đưa vào danh sách cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp (theo Quyết định 1050/QĐ-NHNN ngày 28/5/2014).

Ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng giám đốc Công ty Tiến Nông cho biết, Công ty đang triển khai mô hình liên kết với nông dân để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu với số lượng lớn tại các huyện Yên Định, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Vĩnh Lộc…, với tổng diện tích dự kiến 10.000 ha, sản xuất 2 vụ/năm, mục tiêu đáp ứng 10% nhu cầu phân bón Việt Nam tương đương 10.000 tỷ đồng/năm...

Tuy nhiên, DN chưa được vay vốn ưu đãi, chỉ được vay vốn thương mại. Do vậy, Tiến Nông đề xuất: tiếp tục đẩy mạnh tích tụ ruộng đất để hình thành cánh đồng mẫu lớn. Dành nguồn vốn ưu đãi trung và dài hạn cho Công ty.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình chia sẻ, mô hình CTCP Tiến Nông đang triển khai là xu hướng tích cực, phù hợp với xu thế hiện nay. Hệ thống ngân hàng đã có chủ trường, hiện đang làm thí điểm thì mong các ngân hàng đưa CTCP Tiến Nông vào diện thí điểm, khi kết thúc có thể làm đại trà, làm cho bộ mặt nông thôn thay đổi về mặt cơ bản.

Theo phân tích của ngân hàng, tổng vốn đầu tư để triển khai dự án là hơn 197 tỷ đồng, vốn đối ứng của DN hiện có 59,3 tỷ đồng, vốn cần vay thêm là 138,2 tỷ đồng.

Đoàn công tác ngành ngân hàng đã đến làm việc tại DN, trực tiếp khảo sát dự án, tìm hiểu những khó khăn vướng mắc của DN từ đó tháo gỡ những khó khăn để hỗ trợ vốn vay giúp DN triển khai dự án.

Theo đó, Vietinbank Chi nhánh Sầm Sơn đã cam kết hỗ trợ vốn vay để Công ty thực hiện dự án khi cung cấp đầy đủ các hồ sơ liên quan đến phương án, đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tích cực hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, trong đó có nội dung hỗ trợ vốn, tháo gỡ khó khăn cho DN, đặc biệt là hoạt động cho vay hỗ trợ các dự án trọng điểm và lĩnh vực kinh tế mũi nhọn…

 

Ông Trịnh Văn Chiến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 23 chi nhánh NHTM cấp I với 110 phòng giao dịch; 01 chi nhánh Ngân hàng Hợp tác xã với 6 phòng giao dịch; 01 chi nhánh Ngân hàng Phát triển; 01 chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội với 27 phòng giao dịch; 67 qũy tín dụng nhân dân cơ sở hoạt động ở 227 xã, phường; 02 công ty tài chính vi mô và 01 Phòng Giao dịch Công ty TNHH Kiều hối Đông Á.         

Tính đến ngày 31/8/2014 (không bao gồm Ngân hàng Phát triển) tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 37.677 tỷ đồng, tăng 12,3% so với năm 2013. Ngoài nguồn vốn huy động tại địa phương, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã huy động được khoảng 8.651 tỷ đồng vốn điều hoà, vốn vay từ Trung ương.

Tổng dư nợ trên địa bàn đến ngày 31/8/2014 (không bao gồm Ngân hàng Phát triển) đạt 46.328 tỷ đồng, tăng 7,1% so với cuối năm 2013 và tăng 13,2% so với cùng kỳ.

Trong đó, cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đạt 13.802 tỷ đồng, tăng 7,13%; lĩnh vực công nghiệp chế biến đạt 7.228 tỷ đồng, giảm 9,35%; lĩnh vực xây dựng đạt 4.661 tỷ đồng, tăng 20,17% so với cuối năm 2013. Cho vay 3.027 DN, với tổng dư nợ 21.734 tỷ đồng, chiếm 46% tổng dư nợ, tăng 2,2% so với cuối năm 2013.

Cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn đạt 13.626 tỷ đồng, tăng 353 tỷ đồng (tăng 2,66%) so với năm 2013.

Cho vay xây dựng nông thôn mới đạt 198,8 tỷ đồng, tăng 83,3 tỷ đồng (tăng 72%) so với năm 2013.

Cho vay 5 lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa, DN ứng dụng công nghệ cao là 20.553 tỷ đồng.

Cho vay chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 63/QĐ-TTg và Quyết định số 68/QĐ-TTg đạt dư nợ 29.874 tỷ đồng, trong đó cho vay mua máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp nông thôn là 2.639 cái. Cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP là 6,46 tỷ đồng.

Tổng nợ quá hạn của các ngân hàng thương mại, NHCSXH, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn đến 31/8/2014 là 1.294 tỷ đồng, chiếm 2,79%/tổng dư nợ.
Tin bài liên quan