Ngành nhôm chủ động “chống lũ”

Ngành nhôm chủ động “chống lũ”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trước những khó khăn cả thị trường trong nước và nước ngoài, ngành nhôm Việt Nam đã chủ động đề ra các giải pháp vượt khó.

Khó khăn kép

Theo số liệu từ Hiệp hội Nhôm Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã gây ra những ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất-kinh doanh, xuất nhập khẩu của ngành nhôm.

Cụ thể, sản lượng 6 tháng đầu năm 2020 của ngành nhôm trong nước đạt 280.000 tấn, giảm khoảng 40% (tương đương khoảng 150.000 tấn) so với sản lượng trung bình trước dịch. Thời kỳ cao điểm dịch, hầu hết các doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng.

Trong thời kỳ cao điểm dịch bệnh, số việc làm bị giảm do ảnh hưởng của dịch Covid lên đến trên 40%, tương đương khoảng 13.000 việc làm bị cắt giảm. Thu nhâp người lao động giảm 30 - 50%, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống công nhân. Nhiều công nhân phải nghỉ việc để tìm việc làm mới, gây xáo trộn thị trường lao động.

Đặc biệt, trong giai đoạn từ nửa cuối tháng 3 đến đầu tháng 5/2020, nhu cầu nhôm xây dựng giảm mạnh, khiến cho lượng hàng tồn kho đầu tháng 5/2020 còn rất lớn, khoảng trên 62.000 tấn, tương đương 4.500 tỷ đồng.

Trong khi đó, việc tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước còn nhiều khó khăn, do các doanh nghiệp ngành nhôm không thuộc đối tượng được hỗ trợ. Mức giảm lãi suất cho vay không đáng kể. Gói cho vay ưu đãi lãi suất 0% quy trình thực hiện lại quá phức tạp, hạn mức cho vay quá thấp so với nhu cầu và khó khăn của doanh nghiệp. Ngoài ra, không có sự đồng nhất trong phương án thực hiện tại các ngân hàng.

Đến nay, dù thị trường nhôm đã cơ bản phục hồi, sản lượng nhôm xây dựng ở các nhà máy đã đạt đến 80% sản lượng trung bình năm 2019, nhưng trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Vũ Văn Phụ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhôm Việt Pháp - Nhà máy Nhôm Việt Pháp cho rằng, khó khăn vẫn chưa qua. Bởi tình trạng hàng lậu, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại, xuất xứ… đang diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, ngành nhôm trong nước còn đối mặt với nhiều vụ kiện thương mại ở các nước.

Cụ thể, cuối tháng 4 vừa qua, Ai Cập đã gửi thông báo tới Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm nhôm nguyên chất dạng thỏi, phôi và thanh, dây, thuộc mã HS 760110, 760120 và 760511 theo phân loại hải quan của Ai Cập.

Theo Cơ quan điều tra của Ai Cập, đơn yêu cầu của ngành sản xuất trong nước đã cung cấp các chứng cứ về việc sự gia tăng hàng hóa nhập khẩu gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất tương tự trong nước.

Theo số liệu của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) thu thập, số liệu nhập khẩu của Ai Cập đối với mã 760120 nhập khẩu từ Việt Nam luôn đứng đầu trong cả 3 năm (năm 2016: 16 tấn, năm 2018: 659 tấn); mã 760110, Việt Nam luôn đứng thứ 3 (năm 2016: 1.290 tấn, năm 2018: 13.130 tấn).

Do đó, theo nhận định của đại điện Hiệp hội Nhôm Việt Nam, việc điều tra này sẽ ảnh hưởng đến lượng xuất khẩu nhôm của Việt Nam tại thị trường Ai Cập.

Trước đó, cuối năm 2019, Mỹ cũng đã điều tra về việc xuất xứ 1,8 triệu tấn nhôm của Công ty TNHH Nhôm toàn cầu Việt Nam.

Chủ động ứng phó

Trước những khó khăn cả trong và ngoài nước, ngành nhôm trong nước đã chủ động lên kế hoạch ứng phó.

Cụ thể, ngay từ cuối năm 2018, trước thực trạng sản phẩm nhôm của Trung Quốc bán phá giá, đại diện ngành sản xuất nhôm trong nước đã có hồ sơ gửi Bộ Công thương yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá với một số sản phẩm nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc.

Sau thời gian điều tra, tháng 9/2019, Bộ Công thương đã ra quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm nhôm có xuất xứ từ Trung Quốc.

Hiệp hội nhôm Việt Nam cho rằng, việc các doanh nghiệp Trung Quốc bán phá giá sản phẩm nhôm thanh định hình mã HS 7604 đã diễn ra từ nhiều năm nay, cao điểm là từ năm 2017 đến nay. Việc này đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho hầu hết các nhà máy sản xuất nhôm thanh định hình trong nước, dẫn đến công suất hoạt động trung bình năm 2019 của các nhà máy chưa đến 50% công suất thiết kế. Rất nhiều máy móc phải “đắp chiếu” khiến cho doanh nghiệp sản xuất nhôm thua lỗ nặng nề, hàng nghìn người lao động mất việc làm.

Do đó, việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm nhôm HS 7604 của Bộ Công thương là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với nguyên tắc quản lý nhà nước về ngoại thương quy định tại Điều 4, Luật Ngoại thương: “bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, thương nhân thuộc các thành phần kinh tế; thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước và xuất khẩu, gắn với quản lý nhập khẩu” và quy định của WTO.

Với thị trường xuất khẩu, để ứng phó với các vụ kiện của các nước về phòng vệ thương mại và chống lẩn tránh thuế, các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội đã tích cực phối hợp cung cấp thông tin hỗ trợ Cục Phòng vệ thương mại trong quá trình điều tra. Đồng thời, hàng quý, Cục Phòng vệ thương mại cũng có thông tin cảnh báo sớm đối với các sản phẩm có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh thuế gửi về Hiệp hội.

Hiệp hội Nhôm Việt Nam cũng thường xuyên bám sát, cung cấp thông tin cảnh báo danh sách sản phẩm trong ngành nhôm có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh thuế cho các nhà sản xuất nhôm trong nước. Qua đó, các doanh nghiệp nhôm có hướng điều chỉnh các hoạt động xuất khẩu đến thị trường liên quan.

Hiệp hội Nhôm Việt Nam cũng cung cấp thông tin, đầu mối về các hoạt động điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh thuế của các nước đối với sản phẩm nhôm và hợp kim nhôm để các doanh nghiệp nắm được và tham gia cung cấp thông tin hoặc yêu cầu tham vấn công khai với cơ quan điều tra; kịp thời điều chỉnh hoạt động xuất khẩu tại các thị trường liên quan.

Cụ thể, trong vụ việc điều tra tự vệ thương mại đối với sản phẩm nhôm dạng ống, tấm và dây của Ai Cập, nhờ có sự thông tin kịp thời của Cục Phòng vệ thương mại và Hiệp hội Nhôm Việt Nam mà 1 doanh nghiệp đã kịp điều chỉnh các điều khoản cho hợp đồng xuất khẩu nhôm sang thị trường này, giảm được những thiệt hại, rủi ro khi thực hiện hợp đồng.

Bên cạnh đó, để chủ động đối phó với các nguy cơ khởi kiện thương mại, Hiệp hội Nhôm Việt Nam chủ động đưa ra Bộ tiêu chuẩn cho các doanh nghiệp nhôm. Bộ tiêu chuẩn này do Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam là đơn vị tư vấn xây dựng dự thảo với sự tham gia góp ý của 9 nhà máy đầu ngành là Sông Hồng, Miên Hua, Austdoor, Tân Mỹ, Nam Hải, Việt Pháp, Đông Á, Ngọc Diệp, Đô Thành.

Bộ Tiêu chuẩn đã được công bố tại Quyết định số 16/QĐ-VAA ngày 30/6/2020. Đây là căn cứ để các doanh nghiệp thành viên tổ chức áp dụng nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, uy tín, thương hiệu của nhôm Việt Nam.

Hiệp hội cũng đã xây dựng quy chế áp dụng Bộ tiêu chuẩn theo hướng cho phép doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn được sử dụng logo hợp quy của Hiệp hội, gắn sản phẩm của các thành viên với uy tín và thương hiệu của Hiệp hội; phân biệt sản phẩm chất lượng cao của các đơn vị hội viên với các sản phẩm trôi nổi, khẳng định vị thế của sản phẩm, doanh nghiệp và Hiệp hội trên thị trường.

Đại diện Hiệp hội Nhôm Việt Nam cho rằng, mặc gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với phương châm chủ động, các doanh nghiệp nhôm sẽ tránh được những rủi ro trong kinh doanh và các vụ kiện thương mại.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan