Ngành nông nghiệp đẩy mạnh nâng cao chất lượng hàng nông sản

(ĐTCK-online) Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), các mặt hàng nông, lâm sản (NLS) xuất khẩu của Việt Nam mặc dù có tốc độ tăng trưởng khá cao, song khả năng cạnh tranh còn yếu so với các mặt hàng cùng loại của các nước trong khu vực, do chất lượng sản phẩm, hàng hóa còn thấp.

Chính vì vậy, nâng cao chất lượng nhằm tăng năng lực cạnh tranh của hàng NLS Việt Nam trên thị trường quốc tế là vấn đề có tính cấp thiết đối với ngành nông nghiệp. Với ý nghĩa đó, ngành đang tích cực đẩy mạnh việc ban hành các tiêu chí đối với hàng NLS đạt tiêu chuẩn, ban hành quy chế xét tặng các giải thưởng của ngành tại các kỳ hội chợ, triển lãm chuyên ngành, đặc biệt là việc chứng nhận “Hàng NLS Việt Nam chất lượng cao và uy tín thương mại”. 

Năm 2007 là năm thứ 2 ngành nông nghiệp thực hiện chương trình này. Dự kiến, lễ trao cúp và giấy chứng nhận cho các sản phẩm đạt tiêu chuẩn năm nay sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng này. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần, hoạt động chứng nhận hàng NLS Việt Nam chất lượng cao và uy tín thương mại sẽ tạo động lực khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp (DN) ngành nông nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, để tiến tới phát triển một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa hướng mạnh ra xuất khẩu. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và thế giới.

Điều đáng ghi nhận là, năm nay, số DN đăng ký tham gia chương trình tăng lên đáng kể so với năm trước. Bộ đã quyết định chứng nhận 132 nhãn hiệu hàng NLS đạt tiêu chuẩn chất lượng cao của 42 DN (thuộc các ngành hàng cà phê, cao su, chè, điều, đường, lâm sản, rau quả, hồ tiêu, thức ăn chăn nuôi), hội tụ đầy đủ các tiêu chí như hệ thống quản lý sản xuất tốt, chất lượng sản phẩm cao, thân thiện với môi trường và có uy tín trên thị trường.

Theo đánh giá, trong điều kiện xuất phát điểm của các DN ngành nông nghiệp còn thấp, thì việc các DN bảo đảm chất lượng của sản phẩm đúng theo yêu cầu của người tiêu dùng và của thị trường là một nỗ lực lớn. Đặc thù của các DN nông nghiệp là ít có cơ hội để tham gia các giải thưởng, bình chọn danh hiệu (như Giải thưởng Sao Vàng Đất Việt, Hàng Việt Nam chất lượng cao...), nên gặp không ít khó khăn trong việc xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu.

Theo ông Vũ Dương Bình, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Bình (Thái Nguyên), xây dựng thương hiệu cho hàng NLS đã khó, giữ vững và phát triển được thương hiệu lại càng khó hơn. Đó không chỉ là do tình trạng nguồn nguyên liệu sản xuất không ổn định, thiếu quy chuẩn nhất định, mà là chất lượng sản phẩm thiếu đồng đều về phẩm cấp, tiêu chuẩn.

Chia sẻ ý kiến này, ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, khó có thể xây dựng được một thương hiệu mạnh khi chất lượng NLS không ổn định. NLS đạt tiêu chuẩn không chỉ đòi hỏi thỏa mãn được các điều kiện khắt khe về chất lượng, mà còn phải đáp ứng được cả tính bền vững trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Ông Quyền cho biết, có tới 90% sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam phải qua trung gian nước ngoài để xuất khẩu, do các DN trong nước chưa có... thương hiệu.

Tuy đã có sự quan tâm, các cơ quan quản lý nhà nước còn khá nhiều lúng túng trong việc xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng hàng NLS. Đó là sự thiếu nhất quán về các văn bản pháp lý, thiếu đồng bộ về tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ chế biến và đặc biệt là “hiện tượng” dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá mức cho phép.

Theo thống kê mới đây của ngành nông nghiệp, hệ số đổi mới thiết bị công nghệ chế biến trong những năm qua là 7%/năm (chưa bằng 1/3 mức tối thiếu của các nước). Đáng lưu ý là, cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được hệ thống thử nghiệm, kiểm tra chất lượng trong lĩnh vực chế biến gỗ, lâm sản và nhiều sản phẩm ngành nghề nông thôn khác.

Để nâng cao chất lượng hàng NLS, tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường trong, ngoài nước, bên cạnh việc nâng cao nhận thức của người sản xuất, cần tăng cường các biện pháp quản lý chất lượng sản phẩm. Cụ thể, cần nhanh chóng xây dựng khung pháp lý phù hợp và một hệ thống quản lý có hiệu lực, quy chuẩn nhất quán, để kiểm tra chứng nhận chất lượng hàng NLS thống nhất, đồng bộ trên phạm vi cả nước. Đây là xu thế tất yếu để hội nhập. Bên cạnh sự nỗ lực của DN, Nhà nước cần có các biện pháp hỗ trợ, để DN có thể chủ động áp dụng các tiêu chuẩn quản lý tiên tiến, tăng cường đầu tư thiết bị, đổi mới cơ cấu sản phẩm phù hợp với yêu cầu của thị trường.