Ngành quản lý quỹ tăng 44% lợi nhuận

Ngành quản lý quỹ tăng 44% lợi nhuận

(ĐTCK) Lợi nhuận sau thuế của ngành quản lý quỹ đã tăng 44% trong năm vừa rồi, trong khi có 4 công ty rơi vào tình trạng tê liệt. Đó có thể là dấu hiệu tốt cho công cuộc sàng lọc gay gắt đang diễn ra trong toàn ngành.

Tăng lợi nhuận nhờ tái cấu trúc

Tổng lợi nhuận sau thuế năm 2013 của 40 công ty quản lý quỹ đang hoạt động và công bố báo cáo tài chính đúng hạn cho thấy đạt 130 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 90 tỷ đồng của năm 2012. Số công ty có lãi trong năm qua là 26/40 công ty, tăng 3 công ty so với năm 2012.

Thống kê này chưa bao gồm CTCP Quản lý quỹ Quốc tế (Công ty có Chủ tịch là bà Nguyễn Thị Loan, người đồng thời là Chủ tịch CTCK Hòa Bình, công ty lỗ 60 triệu đồng trong 6 tháng đầu năm 2013) và tất nhiên không tính đến kết quả của 6 công ty yếu kém đã giải thể hoặc ngừng hoạt động trong năm qua.

Kết quả này có thể là tín hiệu tốt về sự thành công của công cuộc tái cấu trúc ngành quỹ diễn ra gay gắt trong năm qua, đặc biệt trong bối cảnh các nhà đầu tư và các tổ chức rút tiền hàng loạt ra khỏi các công ty quản lý quỹ, tổng doanh thu kinh doanh của 40 công ty đã giảm gần 20% so với cùng kỳ, đạt 419 tỷ đồng.

Doanh thu hoạt động tài chính, vốn dĩ là “nguồn sống” của đa số công ty quản lý quỹ sụt giảm tới 73% so với năm 2012, xuống chỉ còn 365 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính chủ yếu gồm lãi tiền gửi, tiền cho vay, cổ tức lợi nhuận được chia, thu nhập từ hoạt động đầu tư chứng khoán.

Doanh thu kinh doanh giảm, doanh thu tài chính giảm, nhưng lợi nhuận của khối công ty quản lý quỹ trong năm qua vẫn tăng, nhờ việc thu hẹp hoạt động. Quản lý quỹ SGI từ lỗ 190 triệu đồng trong năm 2012 đã lãi 5,2 tỷ đồng trong năm 2013, chủ yếu nhờ một khoản hoàn nhập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư ngắn hạn lên tới 22,5 tỷ đồng. Quản lý quỹ FPT cũng lỗ ít hơn, từ chỗ lỗ 26,3 tỷ đồng trong năm 2012 xuống 11,4 tỷ đồng trong năm qua nhờ được hoàn nhập dự phòng đầu tư chứng khoán. Còn Công ty Quản lý Quỹ Đông Á từ lỗ 7,5 tỷ đồng đã giảm xuống còn lỗ 2,2 tỷ đồng cũng nhờ giảm chi phí tài chính. Quản lý quỹ Bản Việt cũng tăng mạnh lợi nhuận nhờ việc thanh lý các khoản đầu tư, từ mức 9,1 tỷ đồng năm 2012 lên 21,2 tỷ đồng.

Đối với một số công ty khác, việc tăng lợi nhuận đến từ sự hỗ trợ của công ty mẹ. Điển hình là Công ty Quản lý Quỹ Vinawealth từ lỗ 13 tỷ đồng năm 2012 thành lãi 47 triệu đồng năm 2013, sau khi VinaCapital Corporate Finance Ltd đã hỗ trợ tài chính 18,2 tỷ đồng cho Công ty và VinaCapital Investment Management Ltd bù đắp 3,7 tỷ đồng chi phí lương của nhân viên. Tương tự, Quản lý quỹ VAM Việt Nam đang từ lỗ 2,5 tỷ đồng thành lãi 194 triệu đồng, chủ yếu nhờ một khoản xóa nợ 1,2 tỷ đồng từ công ty liên quan là Vietnam Asset Management.

Doanh thu tài chính sụt giảm mạnh, buộc các công ty quản lý quỹ phải quay về với ngành kinh doanh chính của mình là quản lý tài sản cho khách hàng. Nhưng các công ty lại phải đối mặt với câu hỏi về việc tìm đâu ra nhà đầu tư chịu giao tiền.

Việc giảm doanh thu kinh doanh chính diễn ra trên diện rộng. Điển hình nhất là Quản lý quỹ An Bình giảm doanh thu kinh doanh 17 lần so với năm 2013, xuống chỉ còn 1 tỷ đồng. Quản lý quỹ Vietinbank giảm doanh thu kinh doanh từ 14,3 tỷ đồng xuống còn 1,84 tỷ đồng.

Có những công ty doanh thu vẫn cao, thậm chí tăng so với cùng kỳ, nhưng để đạt được điều này trong nhiều trường hợp lại phải chấp nhận lỗ. Điển hình như Manulife Việt Nam đã trở thành công ty lỗ nặng nhất toàn ngành, với số lỗ 12 tỷ đồng (bằng 23% vốn điều lệ), trong khi Công ty  nằm trong nhóm có doanh thu cao nhất toàn ngành, đạt 18 tỷ đồng. Công ty này hiện đang có lỗ lũy kế 31 tỷ đồng. Công ty liên doanh Quản lý Quỹ Đầu tư chứng khoán Vietcombank có doanh thu 18 tỷ đồng và lỗ 12 tỷ đồng.

Những công ty không doanh thu

Tiếp tục tồn tại những công ty quản lý quỹ hầu như không hoạt động, trong đó có ít nhất 4 công ty không có một đồng doanh thu kinh doanh nào trong năm. Cụ thể, Quản lý quỹ Phương Đông sau một loạt bê bối về nhân sự, dẫn đến kiện tụng cũng không còn thu được đồng doanh thu nào trong năm qua. Quản lý quỹ Việt Tín hai năm liền không thu được đồng doanh thu nào. Công ty này do Công ty TNHH Đất Việt Nam, một công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và xây dựng sở hữu 47,5% cổ phần, số cổ phần còn lại do 3 cá nhân nắm giữ.

Quản lý quỹ An Phát do 4 cá nhân sở hữu cũng không thu được một đồng doanh thu nào trong 2 năm liền. Doanh thu hoạt động tài chính cũng chỉ vỏn vẹn 4 triệu đồng. Quản lý quỹ Hợp lực Việt Nam cũng không hề có doanh thu trong năm qua. Quản lý quỹ Liên minh Việt Nam hiện đang do Ngân hàng Việt Á sở hữu 10% chỉ có 11 triệu đồng doanh thu kinh doanh chính và 23 triệu doanh thu trong năm 2013.

Bên cạnh đó là những công ty phải chuyển sang chủ mới và chưa khôi phục lại hoạt động kinh doanh như Quản lý quỹ Sao Vàng, Quản lý quỹ Đối tác toàn cầu.       

Tin bài liên quan