Ngành sản xuất ghi nhận phục hồi ngay từ đầu năm

0:00 / 0:00
0:00
Theo Báo cáo Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng - Purchasing Managers' Index™ (PMI®), các nhà sản xuất Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng trở lại vào đầu năm 2024, khi nhu cầu cải thiện giúp số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng tăng trở lại.
"Sức khỏe" ngành sản xuất đang có dấu hiệu phục hồi ngay trong tháng đầu năm 2024.

"Sức khỏe" ngành sản xuất đang có dấu hiệu phục hồi ngay trong tháng đầu năm 2024.

Cụ thể, chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng ngành sản xuất Việt Nam quay trở lại trên ngưỡng 50 điểm trong tháng đầu năm, khi tăng lên mức 50,3 điểm so với 48,9 điểm của tháng 12. Kết quả chỉ số cho thấy sức khỏe của ngành sản xuất đã có sự cải thiện sau 5 tháng dù mức cải thiện lần này chỉ là nhỏ.

"Các điều kiện kinh doanh nói chung được cải thiện nhờ số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng tăng trở lại. Theo đó, nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu hồi phục là những yếu tố đã giúp tổng số lượng đơn đặt hàng mới cũng như số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng đầu tiên trong 3 tháng trở lại đây", Báo cáo nêu.

Nhờ đó, các công ty đã kết thúc thời kỳ giảm sản lượng kéo dài bốn tháng. Mức tăng chỉ là nhỏ nhưng cũng là đáng kể nhất kể từ tháng 9/2022 và tập trung ở các nhà sản xuất hàng hoá trung gian.

Dữ liệu được Tổng cục Thống kê đưa ra trước đó cũng ghi nhận tín hiệu tích cực về "sức khỏe" của ngành sản xuất. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01/2024 ước tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 19,3% so với cùng kỳ, đóng góp 15,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Đáng nói, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01/2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 3 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao

Theo S&P Global, với mức tăng nhẹ của cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới, các công ty đã duy trì số lượng nhân viên và hoạt động mua hàng gần như không thay đổi vào tháng đầu năm 2024. Tình trạng gần như không thay đổi của năng lực hoạt động trong bối cảnh số lượng đơn đặt hàng mới tăng trở lại đã khiến lượng công việc tồn đọng tăng tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 1.

Tồn kho hàng mua cũng giảm khi yêu cầu sản xuất tăng nhưng hoạt động mua hàng hầu như không thay đổi. Mức giảm lượng hàng tồn kho trước sản xuất là lớn và là mạnh nhất kể từ tháng 6 năm ngoái.

Niềm tin về triển vọng sản lượng trong một năm tới đã giảm về mức thấp của bảy tháng và thấp hơn mức trung bình của lịch sử chỉ số khi các công ty lo ngại về các điều kiện kinh tế. Tuy nhiên, các nhà sản xuất vẫn có tâm lý lạc quan khi hy vọng nhu cầu và số lượng khách hàng sẽ cải thiện, và nhờ các kế hoạch tung ra các sản phẩm mới.

Đánh giá về ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng đầu năm mới 2024, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence cho biết: “Đây là bước khởi đầu đáng khích lệ của năm 2024 cho ngành sản xuất của Việt Nam khi số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng đã có những cải thiện tích cực. Tuy nhiên, các mức tăng tương ứng chỉ là nhẹ và không đủ để thuyết phục các công ty tuyển thêm nhân viên hay gia tăng hoạt động mua hàng".

Tin bài liên quan