Ngành thép chưa hết lo về lực cầu yếu

Ngành thép chưa hết lo về lực cầu yếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trước sức cầu thép vẫn còn yếu, các thương hiệu thép trong nước vừa phải giảm giá lần thứ 18. Nhìn chung, khó khăn với ngành thép vẫn đang bủa vây các doanh nghiệp và tình hình có thể phải kéo dài đến quý cuối năm. 

Giá thép trong nước giảm lần thứ 18

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong tháng 7, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,4 triệu tấn, tăng 19% so với tháng 6 và tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022. Bán hàng thép các loại đạt gần 2,2 triệu tấn, tăng nhẹ so với tháng trước và tăng 9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu thép trong tháng 7 đạt hơn 703.000 tấn, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2022.

Lũy kế 7 tháng đầu năm, sản xuất thép thành phẩm đạt 15,5 triệu tấn, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022. Bán hàng thép các loại đạt gần 14,7 triệu tấn, giảm 14%. Điểm sáng là xuất khẩu đạt gần 4,6 triệu tấn, tăng 10,5%.

Đối với thép xây dựng, trong tháng 7, sản lượng sản xuất đạt 919.303 tấn, tăng 24,5% so với tháng trước nhưng giảm 13% so với tháng 7/2022. Bán hàng đạt 823.200 tấn, giảm 5,86% so với tháng trước và giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu thép xây dựng đạt 105.200 tấn, giảm 29,7% so với tháng 7/2022.

Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, sản xuất thép xây dựng đạt 5,9 triệu tấn, giảm 23,8% so với cùng kỳ 2022. Bán hàng cũng đạt 5,9 triệu tấn, giảm 22% Trong đó, xuất khẩu đạt 936.000 tấn, giảm 39,5%.

Theo Tổng Công ty Thép Việt Nam – VNSteel (mã TVN), trong tháng 7, thị trường thép thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức như: tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp, tiêu thụ thép còn yếu; nhiều quốc gia tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt và Fed tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, còn có áp lực nợ công, nợ xấu của doanh nghiệp, rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản vẫn còn cao tại một số quốc gia….

Do đó, VNSteel đánh giá, sản xuất và tiêu thụ thép thành phẩm tháng 7 của Công ty có sự cải thiện so với tháng trước, tuy nhiên vẫn ở mức thấp và giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Toàn hệ thống VNSteel tháng 7 đạt sản lượng bán hàng trên 240.400 tấn, tăng 3% so với tháng trước nhưng giảm 12% cùng kỳ năm 2022. Luỹ kế 7 tháng đầu năm 2023, tiêu thụ thép thành phẩm chỉ đạt trên 1,558 triệu tấn các loại, giảm 27% cùng kỳ năm 2022

Tại Tập đoàn Hoà Phát (mã HPG), trong tháng 7, Hòa Phát đã bán ra 261.000 tấn thép xây dựng, giảm 9% so với tháng 6 vừa qua, chủ yếu do sức cầu vẫn yếu và tình hình thời tiết không thuận lợi cho hoạt động xây dựng. Lũy kế 7 tháng đầu năm, thép xây dựng Hòa Phát cung cấp cho thị trường 1,9 triệu tấn, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước.

Vào ngày 23/08, một số đơn vị sản xuất thép trong nước đã thông báo giảm giá từ 100.000 - 810.000 đồng/tấn đối với các sản phẩm thép xây dựng khi đang bước vào giai đoạn thấp điểm của mùa mưa.

Theo số liệu từ Steel Online, so với đợt điều chỉnh gần nhất vào ngày 17/08, đợt điều chỉnh vừa qua đã khiến Thép Vina Kyoei giảm 810.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 xuống lần lượt 14,82 triệu đồng/tấn và 15,02 triệu đồng/tấn. Đây cũng là thương hiệu thép giảm giá mạnh nhất trong đợt điều chỉnh vừa qua.

Bên cạnh đó, Hoà Phát cũng giảm giá từ 200.000 - 510.000 đồng/tấn tuỳ các loại thép và tuỳ khu vực. Thép Việt Sing chung xu hướng khi giảm 200.000 đồng/tấn đối với cả thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300, giá còn lần lượt là 13,3 triệu đồng/tấn và 13,5 triệu đồng/tấn. Thép Việt Ý, Việt Đức, Tung Ho cũng đồng loạt giảm.

Như vậy, kể từ đầu năm nay, giá thép xây dựng trong nước đã trải qua 18 lần giảm giá liên tiếp. Trước đó, cứ trung bình 5 đến 7 ngày, thép trong nước lại có một phiên điều chỉnh giá.

Cầu vẫn thấp trong các tháng cuối năm

VNsteel nhận định, định thị trường thép thời gian tới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; các khó khăn, thách thức còn rất lớn đối với doanh nghiệp thép.

Thực tế, thị trường bất động sản chưa thực sự khả quan trở lại, số dự án nhà ở xã hội mới được triển khai chưa nhiều, các dự án dân dụng cũng ít khởi công trong tháng này gây áp lực rất lớn cho giá thép. Ngoài ra, ngành thép Trung Quốc đang chịu áp lực tồn kho cao do sản xuất thép vẫn duy trì trong khi nhu cầu tiêu thụ thấp dẫn đến nước này phải đẩy mạnh xuất khẩu, cạnh tranh rất lớn với các doanh nghiệp Việt.

Công ty Chứng khoán KIS dự báo, quý III/2023 sẽ là một quý đầy thách thức nữa đối với các doanh nghiệp sản xuất thép khi nhu cầu thị trường yếu do mùa mưa và giá bán giảm sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận dù chi phí đầu vào ổn định. Kênh xuất khẩu có thể là điểm tựa cho các nhà sản xuất thép Việt Nam trong quý này khi nhu cầu trong nước được dự báo sẽ chững lại. Tuy nhiên, El Nino có thể làm tăng số ngày khô giúp ích phần nào cho sản lượng tiêu thụ thép.

Đối với nguyên vật liệu đầu vào, các chuyên gia KIS kỳ vọng giá của hầu hết các nguyên liệu đầu vào sẽ tăng do tâm lý tốt từ thị trường Trung Quốc. Bất chấp dự báo đó, nhóm phân tích cho rằng giá đầu vào của các nhà sản xuất thép sẽ không tăng cùng tốc độ với giá nguyên liệu đầu vào của thị trường, do đó, biên lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất thép sẽ bị ảnh hưởng nhẹ do giá bán giảm.

Điểm tích cực theo dự báo của KIS là giá HRC phục hồi trong quý III sẽ tác động tích cực đến doanh thu và lợi nhuận của các công ty từ cuối tháng 9 và quý IV/2023.

Trên thị trường chứng khoán trong một tháng trở lại đây, sau nhiều kỳ vọng về việc ngành thép sẽ thoát khỏi giai đoạn khó khăn, tuy nhiên, những khó khăn trước mắt vẫn còn hiện hữu. Kể từ đầu tháng 8 đến nay, các cổ phiếu thép nhìn chung đều giảm giảm giá. Trong đó, mã HPG giảm 5,12%%, HSG giảm gần 1%, NKG giảm hơn 6%, TVN giảm 8,86%, SMC còn giảm tới gần 20%,…

Do đó, KIS đã đánh giá trung lập với ngành thép Việt Nam trong năm 2023 do sản lượng bán ra không tăng trưởng đáng kể, điều này có thể tiếp tục cản trở doanh số bán hàng của thị trường trong năm. Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và các vấn đề trong nước liên quan đến lĩnh vực trái phiếu và bất động sản có thể đe doạ hơn nữa đến kết quả kinh doanh của ngành. Theo góc nhìn của KIS, lực cầu yếu vẫn sẽ là mối lo ngại với ngành thép trong năm nay.

Dù vậy, cứu cánh được kỳ vọng trong những tháng cuối năm của ngành này đến từ đầu tư công. Trong 7 tháng đầu năm nay, Bộ Tài chính cho biết giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 267.625 tỷ đồng, bằng 37,85% kế hoạch năm, do đó trong những tháng cuối năm phải gấp rút đẩy nhanh tiến độ giải ngân tạo điều kiện thúc đẩy tiêu thụ thép được cải thiện.

Tin bài liên quan