Ngành thép vào mùa thấp điểm

Ngành thép vào mùa thấp điểm

(ĐTCK) Tháng 6 bắt đầu vào mùa mưa, mùa thấp điểm cho tiêu thụ của ngành thép, vì vậy, lợi nhuận của một số doanh nghiệp trong ngành bắt đầu bị ảnh hưởng.

> Ngành thép đòi công bằng giá điện

> Ngành thép cán nóng, dự báo về khả năng “soán ngôi”

Trong tháng 6, Tập đoàn Hoa Sen (HSG), doanh nghiệp chiếm thị phần hàng đầu ngành tôn thép đạt 25 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm tới 58% so với tháng trước đó. Lý giải điều này, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT HSG cho biết, do giá nguyên liệu đầu vào đã giảm, HSG cũng phải điều chỉnh giá bán sản phẩm trên thị trường. Trong khi HSG cũng như những doanh nghiệp sản xuất lớn khác thường tồn kho một lượng nguyên liệu nhất định được nhập khẩu với giá cao trước đó để chủ động sản xuất, nên giá vốn sản phẩm cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận của Tập đoàn.

Ngành thép vào mùa thấp điểm ảnh 1

Điểm kỳ vọng của các DN  ngành thép là giá nguyên liệu bắt đầu tăng trở lại

Theo tìm hiểu của phóng viên ĐTCK, lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành tôn thép trong tháng 6 bị ảnh hưởng còn do nguyên nhân khác. Đó là tháng 6 là tháng bước vào mùa mưa, mùa thấp điểm về tiêu thụ tôn thép xây dựng. Là tập đoàn chuyên sản xuất thép xây dựng, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) xác nhận, tiêu thụ thép vẫn rất chậm.

Đối với ngành tôn thép, việc giá nguyên liệu đầu vào giảm cộng thêm sức mua giảm, các doanh nghiệp càng đứng trước áp lực điều chỉnh giá bán để cạnh tranh. Một doanh nghiệp ngành tôn thép niêm yết khác cũng cho biết, tháng 6 này, Công ty gần như không có lời, nhưng may mắn là Công ty không bị lỗ, do lợi nhuận từ thị trường xuất khẩu bù đắp được khoản lỗ khi tiêu thụ ở thị trường trong nước.

Ông Nguyễn Ngọc Anh. Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư thương mại SMC cho biết, do giá bán giảm nên trong tháng 5 và 6, dù SMC có sản lượng bán hàng không giảm, nhưng kết quả kinh doanh lỗ, làm giảm lợi nhuận chung của 6 tháng đầu năm. “Tình hình này sẽ làm cho việc thực hiện kế hoạch lợi nhuận năm của SMC vất vả hơn”, ông Anh nhận định.

Tuy nhiên, với những DN chuyên sản xuất các loại thép phục vụ công nghiệp như thép tấm, thép lá, thép hình như CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (TLH), sản lượng tiêu thụ vẫn tốt, ít bị ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ.

Điểm kỳ vọng của doanh nghiệp ngành thép hiện nay là giá nguyên liệu đã bắt đầu tăng trở lại. Theo ông Lê Phước Vũ, khi nguyên liệu đang có dấu hiệu tăng trở lại, doanh nghiệp ngành thép được hưởng lợi nhờ nguyên liệu giá thấp đã nhập trước đó. Điều này cũng được ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch TLH xác nhận, trong các loại nguyên liệu thép nhập khẩu có loại đã tăng tới 30-40 USD/tấn. Còn ông Nguyễn Ngọc Anh cho biết, giá thép nhập khẩu đã tăng bình quân khoảng 15-17 USD/tấn, tuy nhiên, theo chu kỳ hàng năm, phải đến cuối tháng 8, giá thép mới có thể tăng mạnh do thị trường thế giới cũng sẽ bước vào chu kỳ tiêu thụ thấp điểm.

Một số doanh nghiệp cho biết đã tranh thủ thời điểm giá nguyên liệu thấp để nhập nguyên liệu, bởi dự báo trước chu kỳ phục hồi của giá thép cũng như sức cầu trên thị trường. Chủ tịch HĐQT TLH Nguyễn Mạnh Hà cho hay, để chuẩn bị cho nhà máy sản xuất và chế biến thép hình sắp đi vào hoạt động trong quý III, TLH cũng đã tăng nhập khẩu nguyên liệu ở thời điểm giá thấp. Mặt khác, do dòng vốn tín dụng đã bắt đầu thông thoáng hơn, đặc biệt là với gói vốn 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội, ông Hà hy vọng, nhiều dự án bất động sản có thể khởi động trở lại, hứa hẹn sức cầu đối với thép xây dựng sẽ được cải thiện trong các tháng cuối năm.