Ngành thép Việt Nam: Cơ hội và thách thức

(ĐTCK-online) Chưa bao giờ thị trường thép xây dựng lại nóng bỏng như một năm trở lại đây, giá thép xây dựng liên tục tăng mạnh từ mức 9 triệu đồng/tấn (đầu năm 2007) đến 15 triệu đồng/tấn, thậm chí 17 triệu đồng/tấn. Các nỗ lực và biện pháp giảm nhiệt giá thép của các cơ quan quản lý gần như không có tác động đáng kể đến thị trường. Giá thép vẫn tăng tự do, đẩy giá thành xây dựng công trình lên cao kỷ lục, gây khó khăn cho các chủ đầu tư và người xây dựng, gián tiếp thổi thêm vào cơn sốt giá bất động sản và lạm phát cao.

Năng lực sản xuất phôi Triệu tấn

2007

2010

Thép Thép Việt

0,5

1,0

Thép Vạn Lợi

0,3

0,5

Thép Hòa Phát

0,3

0,5

Tổng công ty Thép Việt Nam

0,9

2,0

Tổng năng lực sản xuất

2,0

4,0

Tổng nhu cầu thị trường

4,5

6,0

 

Tình hình thị trường

Nhiều nguyên nhân được đưa ra lý giải cho giá thép tăng quá nhanh như nhu cầu xây dựng tăng nhanh, giá phôi thép nhập thế giới tăng, cùng với việc Trung Quốc tăng thuế xuất khẩu thép thành phẩm và phôi thép. Mặc dù vậy, nguyên nhân cơ bản vẫn là vấn đề ngành thép Việt Nam quá phụ thuộc vào thị trường bên ngoài, trong khi không có một chính sách dự trữ hàng hiệu quả để bình ổn giá.

Nhìn nhận lại ngành sản xuất thép ở Việt Nam hiện nay có thể thấy sự bất cân đối nghiệm trọng trong quá trình sản xuất thép. Trong khi công suất cán nóng dư thừa 30 - 40% thì công suất luyện chỉ đạt 40% nhu cầu. Cộng với việc Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nước ngoài, chủ yếu từ Trung Quốc, hệ quả tất yếu là một động thái hoặc thay đổi trong thị trường Trung Quốc sẽ ngay lập tức tác động đến giá thép của Việt Nam. Điều đáng lo ngại là khi giá nhập khẩu tăng thì giá trong nước có xu hướng tăng cao hơn do chúng ta không có lượng thép dự trữ, trong khi tính đầu cơ vẫn còn quá mạnh và ngành sản xuất thép vẫn nặng kiểu "ăn xổi ở thì" mà thiếu những chiến lược phát triển dài hạn.

Việc thiếu hụt công suất luyện đã được báo động từ nhiều năm trước, tuy nhiên việc đầu tư mở rộng diễn ra rất chậm. Gần đây, nhiều dự án nhà máy luyện với vốn đầu tư lên tới hàng tỷ USD được công bố nhưng tất cả mới chỉ là trên giấy, trong khi tình hình phát triển ngành xây dựng cần cấp thiết những nhà máy sản xuất phôi thép cung cấp cho thị trường. Cơ hội thị trường hiện nay thuộc về nhà nhà máy sản xuất phôi thép của tư nhân vừa đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, ngoài Công ty Thép Việt thực hiện đầu tư vào dây chuyên quy mô lớn với công nghệ hiện đại thì các dự án sản xuất phôi của các công ty tư nhân còn lại chỉ dừng ở quy mô nhỏ, sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng. Trước mắt, các dự án kiểu này có thể sẽ đáp ứng nhu cầu thị trường, nhưng về trung hạn thì khó có khả năng cạnh tranh về giá thành, ngoài ra còn gây ra những vấn đề môi trường tại địa phương.

Hình thức đầu tư nước ngoài cũng đã được Nhà nước khuyết khích. Tuy nhiên, các liên doanh hoặc công ty 100% vốn nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam chỉ tham gia vào công đoạn cán chứ không đầu tư thêm vào công đoạn luyện, mặc dù nhu cầu thép của thị trường Việt Nam đang tăng cao. Điều này cho thấy, thị trường thép Việt Nam tuy phát triển nhanh, nhưng xét trên phương diện thị trường thép toàn cầu và lợi thế cạnh tranh so sánh quốc gia thì Việt Nam chưa đủ lớn và hấp dẫn đối với các tập đoàn thép lớn của thế giới.

 

Nguy cơ trong tương lai

Mặc dù nhu cầu thị trường thép đang rất nóng bỏng, các công ty sản xuất thép hiện nay có nhiều thuận lợi, nhưng trong vài năm tới, ngành thép Việt nam sẽ đối mặt với những vấn đề khó khăn mà nếu không có sự suy tính và đầu tư chiến lược thì sẽ rất khó để cạnh tranh, tồn tại.

Kinh tế thế giới tăng chậm lại và công suất sản xuất thép dư thừa khi nhiều dự án sản xuất với quy mô lớn tại Trung Quốc và Ấn Độ được hoàn thành và đi vào hoạt động. Nếu thiếu quy hoạch và kiểm soát đầu tư thì nhiều dự án luyện có quy mô vừa và nhỏ sử dụng công nghệ hao tốn nguyên liệu sẽ ra đời ồ ạt. Điều này không những gây ra vấn đề về môi trường và thiếu hụt năng lượng, mà còn dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nguồn phế liệu và các công ty phải cạnh tranh gay gắt với nhau để mua nguồn nguyên liệu. Kết quả là giá nguyên liệu tăng nhanh sẽ làm giảm lợi nhuận.

Một nguy cơ nữa là việc dư thừa công suất luyện thép Trung Quốc. Theo dự báo, sau 2 - 3 năm, khi Trung Quốc hoàn thành các công trình xây dựng cho Thế vận hội 2008 và tốc độ xây dựng của quốc gia này chậm lại và Trung Quốc giảm thuế xuất khẩu để kích thích xuất khẩu, tận dụng công suất dư thừa thì sẽ xảy ra làn sóng thép tràn vào Việt Nam. Chưa nói đến vấn đề chất lượng, việc thị trường tràn ngận thép sẽ gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp thép, đặc biệt là các công ty có năng lực và thương hiệu yếu kém.

 

Để ngành thép phát triển bền vững

Xét về lợi thế so sánh trong sản xuất thép, Việt Nam không có nhiều quặng và than cốc để luyện, trong khi công nghệ này thường gây ra những vấn đề môi trường như thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính. Vì vậy, cần quy hoạch sản xuất thép (đối với thép xây dựng) ở mức độ quy mô vừa phải, đủ phục vụ cho nhu cầu xây dựng, kết hợp với chính sách nhập khẩu khoa học.

Cần quy hoạch lại số lượng doanh nghiệp tham gia sản xuất thép. Về mặt kinh tế, thép là ngành độc quyền tự nhiên, vì vậy chỉ nên có 2 hoặc 3 công ty thật lớn tham gia vào sản xuất thép. Những công ty này với tiềm lực tài chính mạnh sẽ thực hiện các dự án quy mô lớn, công nghệ hiện đại, có chiến lược đầu tư bài bản từ khâu thu mua phế liệu đến phân phối, đủ sức cạnh tranh với các công ty, tập đoàn trong khu vực. Không nên khuyến khích thành lập các công ty có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường.