Ngành xi măng đang thay đổi

Ngành xi măng đang thay đổi

(ĐTCK) Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho biết, tình trạng cung vượt cầu trong ngành xi măng hiện nay ít nhất cũng tạo ra một thay đổi tích cực là các nhà sản xuất đang chịu sức ép chuyển từ số lượng, khối lượng sang chất lượng. 

Năm 2019, dường như ngành xi măng không có được kết quả hoạt động khả quan, thưa ông?

Trong năm 2019, có một điểm cần lưu ý là GDP tăng ở mức khoảng 7%, nhưng tình hình tiêu thụ xi măng nội địa lại không tăng, còn xuất khẩu vẫn tăng mạnh. Như vậy, chứng tỏ sự phát triển này hơi khác và có rất nhiều lý do dẫn tới điều này.

Ngành xi măng đang thay đổi ảnh 1

Ông Nguyễn Quang Cung

Cần phải phân tích rõ rằng, nhu cầu sử dụng xi măng ở trong nước còn rất lớn, nhưng không làm sao để tiêu thụ được, dòng tiền từ nước ngoài đổ vào nhưng không giải ngân được. Mà việc giải ngân trong ngành vật liệu xây dựng chủ yếu tập trung vào 2 khu vực chính là bất động sản và kết cấu kỹ thuật hạ tầng.

Bất động sản có sự sụt giảm đáng kể trong năm qua. Còn về kết cấu hạ tầng, kỹ thuật, cũng chẳng khá hơn. Chỉ có một vài việc nhỏ nhưng ngành giao thông cũng không vượt qua được. Đơn cử như chỉ có một trạm thu phí nhưng đổi hết tên này sang tên khác; một số đoạn đường cao tốc chưa làm đã hỏng… Mà những ngành này không phát triển thì vật liệu xây dựng, cụ thể là xi măng cũng không tăng trưởng được.

Điểm tôi muốn nhấn mạnh là tình hình vật liệu xây dựng hiện đang ở giai đoạn cung vượt cầu, nên các doanh nghiệp đẩy mạnh mảng xuất khẩu. Cụ thể, trong năm 2019, ngành xi măng tiêu thụ được khoảng 65 triệu tấn, nhưng xuất khẩu cũng phải hơn 32 triệu tấn, tức là hơn một nửa.

Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp trong ngành hướng tới sản xuất “xanh”. Vậy đây là nhu cầu của doanh nghiệp hay là sức ép của thị trường, thưa ông?

Từ trước đến nay, sản xuất xi măng được biết đến là ngành công nghiệp mang đến nhiều nguy hại cho môi trường, nhưng công nghệ sản xuất xi măng hiện nay đang hướng đến yếu tố phát triển môi trường. Nếu là người bình thường, không quan tâm nhiều thì sẽ không hiểu tại sao các doanh nghiệp lại thay đổi công nghệ như vậy, mà chỉ cho rằng là sản xuất xanh vì sức ép của xã hội, điều này chỉ đúng một phần.

Cụ thể, doanh nghiệp đang rất hào hứng với những công nghệ sản xuất xi măng mới. Bởi khi sản xuất xanh không những bảo vệ môi trường, mà còn làm tăng hiệu quả. Ví dụ như khói từ lò nung của xi măng ở khu vực làm nguội thải ra ngoài với nhiệt độ cao, đi theo đấy là bụi xi măng bay ra ngoài. Nhưng bây giờ thì người ta thu cái này lại rồi cho đi qua một hệ thống lò hơi để lọc, tận dụng lượng nhiệt thừa này để phát điện. Việc phát điện nhiệt thừa này sẽ giúp doanh nghiệp thu được lượng nhiệt bằng khoảng 1/3 nhu cầu điện của 1 nhà máy xi măng. Hơn nữa, khi thải ra môi trường thì nhiệt độ sẽ thấp đi.

Đặc biệt nhất là khi lọc bụi này ra thì sẽ thu được nguồn bụi khá lớn, mà nguồn bụi này chính là nguyên liệu để sản xuất xi măng. Kèm theo đấy, khi chúng ta giảm được nhiệt độ thì các thiết bị sẽ hoạt động được lâu hơn, tuổi thọ tăng lên. Chưa kể, khi sản xuất xi măng mà sử dụng các phế thải như tro, nhiệt điện, xỉ hạt lò cao… thì rõ ràng là sẽ tăng lượng phụ gia lên, lượng clinke sẽ được giảm bớt. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ giảm bớt chất thải ra môi trường.

Trước đây, chúng ta vẫn nghĩ đầu tư để bảo vệ môi trường là tốn kém, làm tăng giá thành, nhưng thực chất hiện nay, việc đầu tư này không những không làm tăng giá thành mà còn làm tăng hiệu quả kinh tế.

Trong thời gian gần đây, một số doanh nghiệp đã phải điều chỉnh tăng giá bán vì giá nguyên liệu đầu vào tăng. Ông đánh giá về việc này như thế nào?

Doanh nghiệp sản xuất xi măng có nhu cầu là phải tăng giá vì nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào tăng, nếu giữ nguyên giá thì hiệu quả sẽ giảm. Nhưng thực ra đây là một bài toán rất khó, vì hiện tại thị trường đang trong tình trạng cung vượt cầu, nên câu chuyện cạnh tranh giữa các thương hiệu cũng rất khốc liệt. Nhiều đơn vị đã từng tăng giá nhưng cuối cùng cũng phải quay lại mức giá cũ vì không bán được.

Hơn nữa, nếu doanh nghiệp tăng giá cao quá thì sản phẩm của nước ngoài có giá thấp hơn sẽ vào thị trường để cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước.

Thị trường xi măng sẽ tăng trưởng như thế nào nào 2020, thưa ông?

Tôi cho rằng, thị trường xi măng năm 2020 trong nước sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhưng cũng chỉ dao động ở mức 2 - 4%. Tuy nhiên, chúng ta không nên quá ngạc nhiên vì đây là quy luật. Thị trường vật liệu đang có xu hướng tăng chậm lại vì nền kinh tế hiện tại không thể kham nổi. Do đó, đã đến lúc doanh nghiệp sản xuất xi măng phải nghĩ đến phương án là có thể giảm sản lượng nhưng làm sao để không giảm hiệu quả, thậm chí còn phải tăng.

Tôi không biết rõ mốc thời gian chính xác là từ đâu, nhưng có thể gọi là từ năm tới, ngành vật liệu xây dựng Việt Nam đã có sự chuyển động rất tích cực. Các loại vật liệu đi thẳng vào chiều sâu, chất lượng của sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan