Nhiều môi giới đã dứt áo ra đi khi thị trường trầm lắng.

Nhiều môi giới đã dứt áo ra đi khi thị trường trầm lắng.

Nghe “mối chúa” kể chuyện nghề

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo các lãnh đạo doanh nghiệp môi giới địa ốc, hiện là giai đoạn thử thách khốc liệt khi lượng hàng khan hiếm, nhiều nhân sự rời bỏ thị trường và không quay lại, từ đó càng khiến thanh khoản thị trường thêm suy yếu do thiếu “ông mai, bà mối” cho bên mua - bên bán gặp nhau.

Thấm sự cô đơn

“Hơn 3 tháng qua, chưa bao giờ người làm bất động sản chuyên nghiệp thấm thía sự cô đơn như thế này. Khi cơn bão đến, các thành viên thị trường đều bị tổn thương, các nhà môi giới chuyên nghiệp giờ cũng không thấy tiếng nói đâu nữa...”. Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Chí Nghĩa, Phó tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc tại một diễn đàn bất động sản diễn ra cách đây ít ngày.

Ông Nghĩa cho hay, khi thị trường gặp khó, nhiều môi giới trước đây từng tuyên bố “sống chết với nghề” cũng dứt áo ra đi, chỉ những môi giới thực sự yêu nghề, nhiều năm gắn bó, kinh qua các đợt “lên bổng, xuống trầm” cùng thị trường mới dám kiên định trụ lại.

“Chúng tôi có 3.500 môi giới chuyên nghiệp. Khi khó khăn ập đến, chúng tôi vẫn phải lo bảo hiểm, thu nhập, quyền lợi… cho nhân viên. Đó là lý do ngay trong những lúc khó khăn nhất, Đất Xanh Miền Bắc vẫn có được trên 500 giao dịch”, ông Nghĩa kể, đồng thời cho rằng, dù có hay không có “bão” thì nhà môi giới lành nghề vẫn đứng vững, miễn là phải làm tốt, kiên định với mục tiêu đề ra và có thêm yếu tố may mắn là sự ủng hộ của những người làm chính sách, thị trường chuyên nghiệp…

Vị chuyên gia từ Đất Xanh còn ví von: “Biểu hiện của thị trường bất động sản thời gian qua giống như một nồi cháo bị nguội nhưng không nguội hoàn toàn, mà vẫn có những điểm nóng”.

Ông Nghĩa phân tích, trong cấu trúc giá của sản phẩm có đủ các yếu tố pháp lý, thương hiệu… và lúc này nhà đầu tư dù có nhiều lựa chọn nhưng sẽ chủ yếu chọn sản phẩm gắn với giá trị thực. Trên thực tế, nhiều khi sản phẩm có giao dịch tốt lại không hướng vào thương hiệu hay giá trị vô hình, nó chỉ là yếu tố tạo “hiệu ứng đám đông” trong khoảng 10 năm trước, còn giai đoạn hiện tại, khách hàng tự có “bộ lọc” cho riêng mình nên ít chạy theo đám đông hơn.

“Hiện tại, không ít khách hàng có kiến thức về thị trường bất động sản tốt hơn so với nhiều môi giới. Do đó, đòi hỏi bức thiết là các môi giới phải nâng cao trình độ, nghiệp vụ, từ đó có được sự am hiểu, nắm bắt thị trường tốt và tư vấn cho khách hàng chính xác. Khó khăn hiện tại cũng là dịp để các môi giới chuyên nghiệp gia tăng uy tín, tích lũy kinh nghiệm, cập nhật dữ liệu thị trường và tệp khách hàng, chuẩn bị cho giai đoạn thị trường phục hồi trở lại”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

“Nỗi đau thị trường”

Tại đại hội cổ đông 2023 của Cen Land mới đây, “mối chúa” Nguyễn Trung Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Cen Land liên tục đề cập tới việc “tìm giải pháp giải quyết nỗi đau thị trường”.

Ông Vũ cho biết, giai đoạn 2011-2012, thị trường khủng hoảng thừa, hàng hóa chất đầy, nhiều dự án ế khách. Thế nhưng, Cen Group đã tạo lập được một đội quân tiên phong - “siêu thị dự án”, lần đầu tiên thực hiện đóng gói sản phẩm và tìm được đầu ra. Song hiện nay, cách làm này bị “bắt chước” nhiều nên Cen Land phải tìm ra sự khác biệt và điều đó không gì khác là tìm giải pháp giải quyết nỗi đau thị trường. Cụ thể, Cen Land sẽ tập trung vào các giải pháp để gia tăng tài sản, cơ hội cho khách hàng.

“Hơn 10 năm qua, chúng tôi đã quá say sưa với chiến thắng, chủ yếu nghĩ đến việc giúp các chủ đầu tư, mà chưa quan tâm nhiều đến khách hàng. Còn giờ cách làm của Cen Land sẽ khác, tập trung nhiều hơn cho khách hàng, lấy khách hàng làm hạt nhân của sự quan tâm, chăm sóc. Làm được điều này (chăm sóc tốt khách hàng) sẽ gia tăng được các ‘điểm chạm’ cảm xúc, từ đó duy trì được tệp khách hàng, uy tín thương hiệu cho doanh nghiệp”, ông Vũ bộc bạch.

Cũng theo ông Vũ, Cenhomes - một nền tảng bán hàng của Cen Land chưa làm tốt các “điểm chạm” giữa bên mua và bên bán nên cần được xây dựng lại theo cách tiếp cận mới. Theo đó, phiên bản “Cenhomes mới” sẽ được ra mắt trong thời gian tới để gia tăng sự liên kết với khách hàng thông qua các dịch vụ tư vấn và hành trình trải nghiệm dịch vụ mới như tư vấn qua tổng đài, cung cấp dữ liệu giá cả, hỗ trợ khách hàng từ mua bán tới nâng cấp, sửa chữa nhà cửa...

“Trước mắt, Cen Land sẽ tập trung môi giới các sản phẩm phục vụ nhu cầu thật”, ông Vũ chia sẻ thêm.

Nếm mật nằm gai

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), giai đoạn thị trường bất động sản sôi động, có nhiều sàn môi giới nhỏ hoặc nhóm môi giới tập trung lại với nhau rồi cùng tham gia đầu tư, “thổi” giá đất, làm méo mó thị trường. Đây là vấn đề làm “đau đầu” cả cơ quan quản lý lẫn người hoạt động môi giới chuyên nghiệp từ nhiều năm nay.

“Nhiều nhóm môi giới góp tiền đấu giá, ‘lướt cọc’ để hưởng chênh lệch khiến giá đất tại nhiều khu vực ‘nhảy múa’”, ông Đính nhấn mạnh và cho biết thêm, giai đoạn cuối năm 2022, đầu năm 2023, thị trường rơi vào cảnh trầm lắng, rất nhiều sàn giao dịch nhỏ hoặc nhóm môi giới như đã nói ở trên tháo chạy, chấp nhận mất cọc, cắt lỗ mà vẫn không thoát được hàng. Điều này càng làm cho thị trường thêm rối ren và gây ra các tác động tiêu cực, đặc biệt là sự sụt giảm lòng tin vào thị trường.

Cùng góc nhìn, đại diện một công ty môi giới bất động sản khá lớn ở Hà Nội cho rằng, thị trường bất động sản rơi vào cảnh chợ chiều như hiện tại có một phần trách nhiệm của những môi giới “ký sinh”.

“Chúng ta có chưa nhiều môi giới chuyên nghiệp, tận tâm và xác định nghiêm túc với nghề. Nhiều người chỉ chọn tham gia thị trường trong giai đoạn uptrend (đi lên), còn khi thị trường downtrend (đi xuống), họ dễ dàng từ bỏ hoặc không chấp nhận chia sẻ khó khăn cùng chủ đầu tư, khách hàng”, vị đại diện này nói, đồng thời chia sẻ thêm, khi mọi chi phí đầu vào đều tăng mà giá nhà không thể tăng thêm, hoa hồng chi trả cho môi giới cũng bị ảnh hưởng. Nhiều môi giới quen với điều kiện thuận lợi khi thị trường tốt với các giao dịch lớn, hoa hồng lên tới vài trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng mỗi thương vụ nên khó có thể chấp nhận mức hoa hồng giảm mạnh như hiện tại.

Cũng theo vị này, thị trường dù đang trầm lắng, nhưng các giao dịch thứ cấp hoặc gắn với nhu cầu thực vẫn diễn ra, nên môi giới nào “năng nhặt chặt bị” thì vẫn đảm bảo được nguồn thu. Đáng chú ý, đây sẽ là giai đoạn khách hàng “cậy nhờ” nhiều vào môi giới để kết nối với chủ đầu tư nhằm giải quyết các vướng mắc. Do đó, môi giới nào trụ được qua giai đoạn khó khăn hiện tại thì sau này sẽ thu về “trái ngọt”.

“Chính việc các sàn môi giới mọc lên như nấm khi thị trường nóng sốt, rồi lại vội vã rời bỏ một cách ‘bạo phát - bạo tàn’ khi trầm lắng đã khiến thị trường thiếu đi trung gian kết nối giữa bên mua - bên bán và điều này càng làm trầm trọng thêm tình trạng mất thanh khoản. Do đó, có thể nói, thị trường bất động sản suy thoái cũng có trách nhiệm của những người làm nghề theo kiểu ‘ăn xổi ở thì’”, vị đại diện này nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Trung Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Cen Land

Ông Nguyễn Trung Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Cen Land

Giai đoạn tới đây, chúng tôi sẽ tập trung vào việc gia tăng các điểm chạm với khách hàng, tạo ra nhiều cơ hội và lợi nhuận cho khách hàng. Đó cũng là triết lý mà các doanh nghiệp khác không thể bắt chước được. Ví dụ như khi làm bất động sản, chúng tôi bán nhiều khu nghỉ dưỡng mà nhà đầu tư không cho thuê, kinh doanh được, họ gửi lại cho chủ đầu tư cũng không có khách. Do đó, từ tháng 5 này, Cen Land sẽ có thẻ cho bất động sản nghỉ dưỡng, khách hàng có thể đi du lịch các dự án mà chúng tôi đã bán hàng trước đó. Đây cũng là dịch vụ nhằm hỗ trợ tốt nhất những khách hàng đã tin tưởng sử dụng dịch vụ của Cen Land.

Tin bài liên quan