Thay vì chờ bên mua tìm đến mình, PVC chủ động tiếp cận nhà đầu tư, đưa thông tin đến với NĐT tiềm năng

Thay vì chờ bên mua tìm đến mình, PVC chủ động tiếp cận nhà đầu tư, đưa thông tin đến với NĐT tiềm năng

Nghĩ mới để thay đổi cách làm

(ĐTCK) Công bố thông tin rộng rãi, đưa ra bức tranh đầy đủ về các cơ hội hợp tác, đầu tư với công ty mẹ và các DN có vốn góp, cách làm của Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) trong thực hiện tái cơ cấu DN đang được đánh giá khá cao trên thị trường.

Minh bạch thông tin ra thị trường

Ngày 30/9, Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) phối hợp với CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI) và Báo Đầu tư tổ chức  Hội thảo “Chia sẻ cơ hội hợp tác, đầu tư cổ phiếu xây lắp và bất động sản”. Hội thảo thu hút gần 200 tổ chức, nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đến lĩnh vực xây lắp, bất động sản đến tham dự.

Tại đây, PVC đã giới thiệu cơ hội đầu tư, hợp tác với Tổng công ty và các DN Tổng công ty tham gia góp vốn, trong đó có những DN hiện đang niêm yết trên hai sở GDCK. Đây đều là các DN hoạt động trong lĩnh vực xây lắp, bất động sản, hiện đang triển khai nhiều dự án có tiềm năng ở các thành phố lớn trên khắp cả nước.

Có thể kể đến những DN và dự án đáng chú ý như CTCP Đầu tư hạ tầng và đô thị Dầu khí (PTL) với Dự án Chung cư Thăng Long (quận 2, TP. HCM); CTCP Dầu khí Đông Đô (PFL) với Dự án Khu đô thị Dầu khí Đức Giang (Hà Nội), Dự án Xuân Phương (Hà Nội); CTCP Dầu khí Nha Trang với Dự án sân golf và biệt thự sinh thái Cam Ranh; CTCP Đầu tư Xây dựng thương mại Dầu khí IDICO với dự án Khu công nghiệp Long Sơn, Dự án Chung cư Huỳnh Tuấn Phát (quận 7, TP. HCM)…

Tại Hội thảo, lãnh đạo PVC và lãnh đạo các DN thành viên đã trao đổi, chia sẻ các thông tin về hoạt động DN, tiến độ triển khai các dự án… và trả lời những câu hỏi mà nhà đầu tư quan tâm. Ghi nhận từ PVC cho thấy, sau Hội thảo, bước đầu đã có một số nhà đầu tư quan tâm, tiếp tục duy trì các trao đổi sâu hơn để hiện thực hóa các cơ hội hợp tác mở ra ban đầu.

Động thái chủ động trong việc đưa thông tin minh bạch ra thị trường và tìm kiếm bên mua của PVC theo đánh giá của đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính là cách làm mới và nên được nhân rộng ở nhiều DN lớn khác, đặc biệt với các đơn vị mong muốn có nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn vào mua cổ phần.

“Chúng tôi tham gia các hội thảo ở nước ngoài, gặp gỡ các nhà đầu tư lớn, họ nói rằng rất quan tâm đến cơ hội bỏ vốn vào Việt Nam. Những ngành mà DN trong nước than thở thiếu sức cầu như điện, thép… đều có nhiều nhà đầu tư quan tâm. Điều này cho thấy, thay vì chờ bên mua tìm đến mình thì các DN cần chủ động tiếp cận nhà đầu tư, đưa thông tin đến với nhà đầu tư tiềm năng”, lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp khuyến nghị. 

Quyết liệt tái cơ cấu

PVC hiện là một trong những DN xây lắp chủ lực của ngành dầu khí, đã khẳng định uy tín, năng lực qua các công trình trọng điểm của ngành dầu khí và đất nước, được tin tưởng giao nhiệm vụ làm tổng thầu EPC và tham gia xây dựng của nhiều dự án lớn như: Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Vũng Áng I, Sông Hậu, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Kho lạnh LPG Thị Vải, Nhà máy xử lý khí Cà Mau… và nhiều dự án khác.

Theo ông Nguyễn Hùng Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), trong giai đoạn 2015-2017, PVN sẽ hỗ trợ tái cấu trúc PVC với mục tiêu từng bước giúp Tổng công ty vượt qua khó khăn, tập trung mọi nguồn lực vào nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh chính, xây dựng PVC trở thành một trong những đơn vị dịch vụ kỹ thuật cao cấp thuộc Tập đoàn, tổng thầu EPC lớn trong lĩnh vực thi công xây lắp các công trình dầu khí trên bờ. Do đó, Tập đoàn yêu cầu PVC đẩy mạnh tìm kiếm các đối tác để trao đổi, hợp tác việc đầu tư vào các dự án, lĩnh vực không nằm trong đề án, ví dụ như bất động sản, để tập trung phát triển thành một đơn vị tổng thầu EPC lớn của cả nước. 

Ông Bùi Ngọc Thắng, Chủ tịch HĐQT PVC cho biết, công tác tái cơ cấu được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của Tổng công ty và các đơn vị thành viên. Công tác tái cơ cấu của PVC được thực hiện đồng bộ trên tất cả các mặt bao gồm: định hướng và mục tiêu phát triển sản xuất – kinh doanh, cơ cấu tổ chức, quản trị DN, tài chính – kế toán, đầu tư… bằng rất nhiều các giải pháp, biện pháp đa dạng, phù hợp với tình hình của đơn vị và đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật. Việc triển khai thực hiện quyết liệt tái cơ cấu DN, bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực đối với việc thực hiện nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh của Tổng công ty. PVC đã có lãi trở lại và đang từng bước hoạt động hiệu quả hơn.

“Theo Đề án Tái cơ cấu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PVC và các đơn vị thành viên sẽ tập trung hoạt động vào lĩnh vực xây lắp. Bởi vậy, Tổng công ty và các đơn vị thành viên mong muốn chia sẻ, mở rộng cơ hội hợp tác, đầu tư với các đối tác trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực xây lắp và bất động sản để cùng đầu tư và nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN”, ông Thắng nói.

Tin bài liên quan