Nghị quyết 98/2023/QH15: Bước đầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00
Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. HCM được coi là một sáng kiến ​​toàn diện để Thành phố tháo gỡ các khó khăn, vượt qua rào cản để lấy lại vị thế là thành phố kinh tế chủ chốt của khu vực.
Cầu Thủ Thiêm 2 nối TP. Thủ Đức và trung tâm TP.HCM

Cầu Thủ Thiêm 2 nối TP. Thủ Đức và trung tâm TP.HCM

Sáng kiến toàn diện

Tại TP.HCM, việc thành lập TP. Thủ Đức càng làm trầm trọng thêm những thách thức, như hạ tầng thiếu thốn, ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Những thách thức này chồng chéo lên các vấn đề hiện có về thiếu đất và hiệu quả tăng trưởng thấp tạo nên một TP.HCM với nhiều trở ngại, một điểm đến khó khăn hơn cho các nhà đầu tư.

Nhu cầu tăng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để thúc đẩy tăng trưởng đòi hỏi các chính sách, hạ tầng và công nghệ tốt hơn để TP.HCM trở thành điểm đến hấp dẫn hơn được ban hành nhằm giải quyết các mối lo này để thu hút thêm nguồn đầu tư cho đất nước.

Các lĩnh vực được Nghị quyết 98/2023/QH15 nhắm đến gồm dự án nghiên cứu và phát triển (R&D) trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, tự động hóa và năng lượng sạch, với tổng vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên; các dự án liên quan đến ngành công nghiệp mạch tích hợp, công nghệ thiết kế, linh kiện sản xuất và các công nghệ chip mới với tổng vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên và đặc biệt là đầu tư xây dựng Cảng quốc tế Cần Giờ theo quy mô quy hoạch với tổng vốn đầu tư từ 50.000 tỷ đồng trở lên.

Thông qua các lĩnh vực được đề cập ở trên, TP.HCM đang cố gắng thúc đẩy xu hướng đầu tư vào các dự án liên quan đến công nghệ và Cảng quốc tế Cần Giờ mới.

Để giải quyết việc thiếu đất, cần chuyển dịch sang các hoạt động liên quan đến công nghệ, do lĩnh vực này có hiệu quả sử dụng đất cao, lợi nhuận đầu tư tốt hơn, giảm phụ thuộc vào nông nghiệp, hướng tới mục tiêu ban đầu cho việc tăng cường đổi mới và năng suất.

Bên cạnh đó, Cảng quốc tế Cần Giờ mới sẽ cung cấp hạ tầng logistics công nghiệp và tận dụng vị thế hiện tại của khu vực phía Nam như một vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.

Trong các yếu tố trên, sự cải thiện về hạ tầng logistics với việc cấp thẩm quyền phê duyệt cho TP.HCM sử dụng ngân sách địa phương để triển khai các dự án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư xung quanh Vành đai 3 là đáng chú ý nhất.

Điều này không chỉ mang lại cho TP.HCM quyền tự chủ cao hơn nhằm thúc đẩy phát triển tăng trưởng, mà còn là cơ sở để TP.HCM có thẩm quyền ra các quyết định thu hồi đất. Đất thu hồi sau đó có thể được sử dụng cho các dự án đấu thầu cho các nhà đầu tư và thúc đẩy mở rộng các dự án phát triển đô thị.

Vành đai 3 kết nối các khu vực trọng điểm của TP.HCM, liên kết các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Sáng kiến này không chỉ củng cố hạ tầng logistics, mà còn giải quyết vấn đề thiếu hạ tầng tại TP. Thủ Đức. Nghị quyết số 98/2023/QH15 cũng đặt mục tiêu củng cố các doanh nghiệp dọc Vành đai 3, thúc đẩy các dự án hạ tầng tốt hơn cho sự tăng trưởng và phát triển bền vững.

Triển vọng và kế hoạch thực hiện

Với 44 cơ chế thuộc 7 lĩnh vực cụ thể, Nghị quyết số 98/2023/QH15 bao gồm 3 lĩnh vực then chốt được coi trọng nhằm thúc đẩy việc đầu tư ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược, quản lý khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tổ chức bộ máy của chính quyền TP.HCM và TP. Thủ Đức. Trong số đó, 27 cơ chế được thiết kế riêng cho TP.HCM.

Nghị quyết 98/2023/QH15 đã cho thấy những kết quả ban đầu đáng khích lệ, thể hiện qua nỗ lực hành động nhanh chóng của Chính phủ để điều chỉnh một số lĩnh vực kinh tế, nhằm đảm bảo việc triển khai Nghị quyết toàn diện.

Thành quả trực tiếp ban đầu là sự tăng trưởng đáng kể GRDP của TP.HCM trong quý II và quý III/2023. Đáng chú ý, GRDP tăng từ 0,7% trong quý I lên 5,87% trong quý II và 6,74% trong quý III. Đây là bước tiến vượt bậc, nhất là khi so sánh với con số tăng trưởng 0,7% trong quý I của Thành phố. GRDP cả năm 2023 của Thành phố cũng tăng trưởng 5,81% so với năm 2022.

Cùng với đó, TP.HCM đã thu hút được 5,58 tỷ USD vốn FDI trong năm 2023, đứng đầu các thành phố lớn của Việt Nam. Những kết quả này nhấn mạnh lợi ích trực tiếp do việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết 98/2023/QH15 mang lại.

Bên cạnh những lợi ích ban đầu, Nghị quyết 98/2023/QH15 còn hướng đến mục tiêu thu hút đầu tư cho các ngành logistics và công nghệ, đi đôi với mục tiêu đưa TP.HCM trở lại vị trí chủ chốt, vùng kinh tế trọng điểm của phía Nam.

Với các mục tiêu đa dạng được nêu ra, việc giám sát chặt chẽ và triển khai hiệu quả là vô cùng quan trọng để đảm bảo Nghị quyết số 98/2023/QH15 được thực hiện thành công. Để nắm bắt những cơ hội mà Nghị quyết mang lại, cần có những giải pháp thực hiện đúng cách với sự giám sát chặt chẽ, vì tác động toàn diện của Nghị quyết sẽ cần thời gian và nguồn lực.

Hiệu quả thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 phụ thuộc vào sự hợp tác chặt chẽ giữa TP.HCM và Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết. Nghị quyết không chỉ nhằm thúc đẩy các cải thiện của Thành phố, mà còn ủng hộ việc tăng cường quyền tự chủ của TP.HCM, cấp thẩm quyền cho HĐND TP.HCM với trách nhiệm lớn hơn trong thúc đẩy quá trình phát triển của Thành phố.

Nghị quyết 98/2023/QH15 đóng vai trò là bước khởi đầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ thông qua phân quyền và tăng cường các ưu đãi đầu tư. Nghị quyết số 98/2023/QH15 không được coi là giải pháp cho tất cả các thách thức, mà là một nền tảng, mở đường cho sự phát triển thịnh vượng của TP.HCM và cả Việt Nam trong những năm tới.

Tin bài liên quan