Ảnh Shutterstock.

Ảnh Shutterstock.

Nghĩ về “đánh bắt xa bờ”

(ĐTCK) Vào những ngày này, khi khó khăn của nhiều doanh nghiệp được liệt kê lại dấy lên những tranh luận về việc cần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế một cách mạnh mẽ hơn, tránh phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, từ nguyên liệu đầu vào đến thị trường hàng hoá đầu ra. Các thị trường xa bờ như châu Âu hay Mỹ được đề cập đến.

Chẳng hạn, ngành hàng nông sản cần tái cơ cấu mạnh tạo ra nguồn hàng chất lượng cao, nắm bắt những thị trường mới mà các hiệp định thương mại đang được xem là những con đường cao tốc đưa hàng Việt vươn xa ra thế giới.

Nhưng quá trình chuyển dịch thị trường không diễn ra trong ngày một ngày hai, mà đòi hỏi phải làm lâu dài, có nỗ lực của doanh nghiệp và sự tiếp ứng từ Chính phủ.

Ðơn cử, châu Âu là thị trường 450 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người khoảng 36.000 USD, cao gấp 3,6 lần Trung Quốc, nhưng cực kỳ khó tính.

Thị trường này đòi hỏi sản phẩm không chỉ tốt, an toàn, mà các điều kiện liên quan đến việc sản xuất như lao động, môi trường cũng phải được đảm bảo.

Còn với thị trường Mỹ, doanh nghiệp và các nhà quản lý cũng cần những bài tính rất xa. Tại một hội thảo tổ chức tuần qua ở TP.HCM, Tổng lãnh sự Mỹ Marie Damour trong phần phát biểu khai mạc của mình đã cho thấy một thông điệp đáng chú ý: “Ðại sứ Kritenbrink và tôi tiếp tục xác định một trong những ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là thúc đẩy mối quan hệ thương mại với Việt Nam được phát triển trên nền tảng thương mại tự do, công bằng và có đi có lại, đóng góp vào sự thịnh vượng của cả hai quốc gia” và nhắc đến một khía cạnh khác của mối quan hệ thương mại Hoa Kỳ - Việt Nam mới bắt đầu phát triển gần đây - đó là đầu tư của Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Còn nhớ tại đại hội đồng cổ đông năm ngoái khi cổ đông đặt câu hỏi nếu Mỹ áp thuế chống lẩn tránh với mức cao lên hàng xuất khẩu thì doanh nghiệp ứng phó như thế nào?

Tất nhiên, khi làm chủ chuỗi sản xuất, doanh nghiệp hoàn toàn có khả năng chứng minh sự thượng tôn pháp luật của mình, song ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Vicostone còn đưa ra thêm một phương án đáng chú ý khác, đó là đầu tư mở nhà máy sản xuất ngay tại Mỹ.

Thị trường Bắc Mỹ hiện chiếm hơn 60% kim ngạch xuất khẩu của Vicostone, công ty này đã mở chi nhánh tại Mỹ, tuyển dụng người Mỹ vào làm việc, khả năng đánh bắt xa bờ vì thế cũng chẳng phải là giải pháp quá xa xôi. 

Nhiều doanh nghiệp cũng đã có tầm nhìn đầu tư dài hạn và đang thực thi các giải pháp thực tế như Vicostone.

Mỹ, châu Âu hiện là những thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới. Chắc hẳn trong chiến lược đa dạng hóa thị trường, đó sẽ là đích đến lớn của nhiều doanh nghiệp Việt Nam.

Thay vì quẩn quanh trong nước, để xâm nhập và đứng vững trên thị trường thế giới, trong tư duy của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã tính đến chuyện mở mang bờ cõi kinh doanh ra nước ngoài.

Tin bài liên quan