Quy định không rõ ràng, thống nhất về điều kiện đầu tư - kinh doanh là một trong những vướng mắc hay bị điểm tên

Quy định không rõ ràng, thống nhất về điều kiện đầu tư - kinh doanh là một trong những vướng mắc hay bị điểm tên

Nghĩ về sự “nổi tiếng” ngoài ý muốn của Pizza Việt Nam

Dự thảo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư (sửa đổi) đang được hoàn tất theo hướng vẽ rõ đường hướng các quy định liên quan đến đầu tư – kinh doanh để cả nhà đầu tư và cơ quan quản lý cùng nắm rõ và thực hiện thống nhất.

Ghi rõ điều kiện đầu tư - kinh doanh

Công ty TNHH Pizza Việt Nam bỗng nổi như cồn sau khi lời than phiền về hành trình 14 tháng cho một hồ sơ xin phép mở thêm cửa hàng mới của Pizza Hut được đưa tới tận Thủ tướng Chính phủ. Mọi việc đã được xử lý ngay sau đó khi Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội có văn bản trả lời chi tiết dài tới 4 trang gửi Công ty Pizza Việt Nam.

Điều đáng nói ở đây là, trong lý giải của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội – khổ chủ bị nhắc tới trong lời than phiền về thủ tục chậm chạp của Công ty Pizza Việt Nam, nguyên do chính lại nằm ở các quy định về điều kiện đầu tư của lĩnh vực sản xuất các loại thức ăn nhanh – lĩnh vực đầu tư có điều kiện theo quy định tại Biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Ngay Bộ Công thương khi trả lời Sở Kế hoạch và Đầu tư về hồ sơ điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư của Chi nhánh Công ty Pizza Việt Nam vào tháng 2/2013 cũng cho biết đang thụ lý hồ sơ tương tự của Công ty liên doanh TNHH KFC Việt Nam, chi nhánh Công ty TNHH Jolliebee Việt Nam và “đang tìm hướng giải quyết thỏa đáng, đảm bảo cơ sở thực tiễn và cơ sở pháp lý cho các trường hợp này”.

Không bàn tới chi tiết của cuộc hành trình 14 tháng mới hoàn tất hồ sơ xin phép mở thêm một số cửa hàng của Công ty Pizza Việt Nam, nhưng sự không rõ ràng về điều kiện đầu tư khiến cả nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước đều khó xử.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Hào Hùng, Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thừa nhận, đây là vướng mắc trong hoạt động đầu tư hiện hành. Đó là chưa kể tới những tranh luận lâu nay giữa các cơ quan quản lý nhà nước về cách ứng xử với những ngành nghề không có trong Biểu cam kết WTO theo hướng không quy định thì được đầu tư hay không có nghĩa vụ mở cửa…

“Mặc dù Nghị định số 108/2006/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư có quy định danh mục ngành nghề đầu tư có điều kiện, nhưng lại không chi tiết điều kiện là gì, thực hiện điều kiện đó như thế nào, đâu là cơ quan quản lý nhà nước về ngành nghề đó... Ngay cả việc công bố Biểu cam kết WTO cũng chỉ dừng lại ở nội dung, thiếu hướng dẫn cách tra cứu, cách hiểu và vận dụng, nên nhà đầu tư khó tiếp cận, cơ quan quản lý nhà nước khó thực hiện trách nhiệm của mình”, ông Hùng phân tích và cho biết, các vấn đề này đang được Ban soạn thảo dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi rà soát, công bố trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

“Chúng tôi đang đề xuất danh mục này sẽ được quy định trong Nghị định của Chính phủ hướng dẫn Luật Đầu tư để đảm bảo tính ổn định của pháp luật và sự linh hoạt trong điều hành của Chính phủ. Vì các điều kiện kinh doanh này phụ thuộc rất nhiều vào lộ trình thực hiện các cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế, phụ thuộc vào tình hình thực tế trong từng giai đoạn phát triển kinh tế”, ông Hùng cho biết. Riêng danh mục cấm đầu tư đang được nghiên cứu theo hướng quy định rõ ngành nghề cấm đầu tư, thay vì lĩnh vực cấm đầu tư như quy định tại dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi vừa được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

Cũng phải nhắc lại, đây chính là một trong những mục tiêu được đặt ra cho sửa đổi Luật Đầu tư là hiện thực hóa được tinh thần của Hiến pháp là người dân được đầu tư - kinh doanh những gì pháp luật không cấm. Trong một cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đã từng đặt vấn đề, các quy định của dự thảo Luật chưa trả lời được câu hỏi ngành nghề nào không được đầu tư, ngành nghề nào thì phải xin phép...

Tương tự, một danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh tương ứng cũng đang được xây dựng.

Thiết lập mặt bằng chung về gia nhập thị trường

Cũng phải nói thêm, việc làm rõ các điều kiện đầu tư – kinh doanh không chỉ giải quyết được những vướng mắc trong thực thi, mà quan trọng hơn, đang là mấu chốt để đảm bảo được tính khả thi và hiệu quả của đề xuất tách biệt việc đăng ký thành lập doanh nghiệp và việc xin giấy phép kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nội dung đang được coi là một trong những cải thiện thủ tục đáng kể của dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi.

Theo dự thảo Luật Doanh nghiệp, các yêu cầu về điều kiện kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp, như yêu cầu về chứng chỉ hành nghề, xác nhận vốn pháp định sẽ bị bãi bỏ. Cùng với đó, thủ tục về đăng ký thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp được áp dụng thống nhất đối với nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Sự phân tách này có nghĩa, ông Phan Đức Hiếu, Phó trưởng ban Môi trường kinh doanh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) giải thích, các điều kiện đầu tư - kinh doanh, trong đó có thương quyền, điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài, sẽ được cấp cho doanh nghiệp nên phải thành lập doanh nghiệp trước.

“Do yếu tố đặc thù của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nên quy định về điều kiện đầu tư, thương quyền sẽ có những điểm khác biệt, song thủ tục để gia nhập thị trường là như nhau”, ông Hiếu nói.

Ông Lê Xuân Hiền, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương cũng cho rằng, nếu Chính phủ không liệt kê và công bố rõ ràng ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh của từng ngành nghề thì mong muốn đơn giản hóa thủ tục gia nhập thị trường không những không đạt được, mà còn gây rắc rối cho cả nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước.

“Theo dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp cũng không ghi ngành nghề kinh doanh, trừ các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nghĩa là doanh nghiệp muốn kinh doanh gì thì phải tìm hiểu thấu đáo rồi mới làm, để đỡ mất nguồn lực cho doanh nghiệp khi không thể đủ điều kiện mà vẫn đầu tư. Để làm được việc này, danh mục các điều kiện đầu tư – kinh doanh phải rõ ràng, để doanh nghiệp không có lý do gì nói là không biết khi bị phát hiện không tuân thủ đúng yêu cầu”, ông Hiền đề xuất.

Kết quả rà soát từ các bộ, ngành và tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến hết tháng 12/2013, có 334 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thuộc các lĩnh vực kinh doanh, được quy định tại 295 văn bản.

Tin bài liên quan