Nghịch lý giữa "cơn khát" năng lượng, tàu chở LNG kẹt cứng ngoài biển châu Âu

0:00 / 0:00
0:00
Có đến 60 tàu chở LNG phải lênh đênh hoặc chạy lòng vòng quanh vùng biển phía Tây Bắc châu Âu, Địa Trung Hải và Bán đảo Iberia, theo Công ty phân tích thông tin hàng hải MarineTraffic.
Các tàu chở LNG đang neo đậu dày đặc ở vùng biển của các nước châu Âu. Nguồn: MarineTraffic

Các tàu chở LNG đang neo đậu dày đặc ở vùng biển của các nước châu Âu. Nguồn: MarineTraffic

Mỹ xuất khẩu ngày càng nhiều khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu trong bối cảnh Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây. Số lượng tàu chở LNG từ Mỹ và hướng tới các cảng ở Tây Âu đã tăng 50% kể từ cuối năm ngoái, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng ở Liên minh châu Âu (EU) thêm trầm trọng.

Nhằm giúp các đối tác châu Âu phục tình trạng thiếu khí đốt vào mùa Đông, Mỹ tiếp tục tăng số lượng tàu chở LNG xuyên hai bờ Đại Tây Dương lên tới 15 chuyến/ngày.

Tuy nhiên, một lượng lớn các tàu chở LNG đang chờ cập cảng và chưa thể trả hàng do các cơ sở LNG của châu Âu chưa thể xử lý được lượng LNG về dồn dập.

Theo Công ty phân tích thông tin hàng hải MarineTraffic, 60 tàu chở LNG đã phải lênh đênh hoặc chạy lòng vòng quanh vùng biển phía Tây Bắc châu Âu, Địa Trung Hải và Bán đảo Iberia. Ngoài ra, một tàu chờ LNG đang neo đậu tại kênh đào Suez, còn 8 tàu khác xuất phát từ Mỹ đang trên đường đến cảng Huelva của Tây Ban Nha.

Ông Andrew Lipow, Chủ tịch Công ty phân tích thị trường dầu mỏ Lipow Oil Associates cho biết: "Luồng tàu chở LNG đã vượt quá khả năng tiếp nhận của các cơ sở tái hóa khí ở châu Âu".

Cũng theo Chủ tịch Lipow Oil Associates, sự chậm trễ nhận hàng đã cản trở các tàu LNG quay đầu lại Vùng Duyên hải Vịnh Mexico của Mỹ để chất tải các chuyến hàng kế tiếp.

Vấn đề căn bản nằm ở cơ sở hạ tầng tiếp nhận và tái khóa khí LNG của châu Âu bởi châu lục này thiếu các nhà máy có thể tái hóa khí và hệ thống đường ống kết nối các quốc gia đang sở hữu các cơ sở tái hóa khí. Dẫn đến, lượng LNG tại các ụ nổi tăng lên và kéo giảm giá khí tự nhiên.

Ông Jacques Rousseau, Giám đốc điều hành Công ty nghiên cứu thị trường năng lượng ClearView Energy Partners, cho biết: "Dự trữ khí đốt ở châu Âu tiếp tục tăng và đã vượt quá 93%". Chuyên gia này đánh giá rằng mức dự trữ LNG tại các ụ nổi tăng lên và việc các tàu dầu phải di chuyển lòng vòng trong thời gian dài, đã khiến cước tàu chở LNG tăng gấp đôi so với năm ngoái.

Giám đốc điều hành ClearView Energy Partners cảnh báo: "Việc áp trần giá nhiên liệu có thể khiến các nhà giao dịch rời bỏ thị trường, làm ảnh hưởng đến nguồn cung đến châu Âu trong tương lai".

Giá khí đốt của châu Âu đã vượt 340 EUR (tương đương 332,6 USD) mỗi megawatt giờ vào cuối tháng 8, nhưng tuần này mức giá đã lần đầu tiên giảm về dưới mốc 100 USD, nhưng vẫn cao gấp 3 lần bình thường. Trước khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, giá khí đốt tại châu Âu chỉ ở khoảng mức 30 EUR.

Trước kia, Nga là quốc gia cung cấp tới 40% khí đốt tự nhiên mà châu Âu nhập khẩu. Tuy nhiên, Nga đã cắt nguồn cung khí đốt như một biện pháp đáp trả các lệnh trừng phạt mà phương Tây nhằm vào nền kinh tế này sau khi xung đột nổ ra ở Ukraine.

Tin bài liên quan