Việt Nam xuất khẩu nhiều, nhưng nguyên liệu đầu vào phải nhập khẩu nhiều, khiến giá trị gia tăng thấp

Việt Nam xuất khẩu nhiều, nhưng nguyên liệu đầu vào phải nhập khẩu nhiều, khiến giá trị gia tăng thấp

Nghịch lý kinh tế Việt Nam

(ĐTCK) Tại Hội thảo Triển vọng thương mại và kinh tế của HSBC hôm qua tại Hà Nội, bà Izumi Devalier, chuyên gia kinh tế HSBC phân tích, Trung Quốc tham gia WTO năm  2001, còn Việt Nam là năm 2006. 

Sau khi tham gia WTO, xuất khẩu của Việt Nam tăng lên, GDP cũng tăng lên, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP và xuất khẩu của Trung Quốc nhanh hơn vì lợi thế về quy mô, cải cách DNNN và thúc đẩy DN tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn Việt Nam.

“Khi tham gia WTO, một nghịch lý là kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có lúc còn đi xuống, bởi xuất khẩu nhiều nhưng nguyên liệu đầu vào phải nhập khẩu nhiều, khiến giá trị gia tăng thấp, chế biến rồi xuất khẩu”, bà Izumi Devalier nói.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2015, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 327,76  tỷ USD, tăng 10% so với năm 2014. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 162,11 tỷ USD, tăng 7,9% và nhập khẩu hàng hóa là 165,65 tỷ USD, tăng 12%. Tổng thể, cán cân thương mại hàng hóa cả nước thâm hụt 3,54 tỷ USD (tương đương khoảng 2,2% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước), ngược lại so với xu hướng thặng dư 2,37 tỷ USD của năm 2014.

Bên cạnh đó, ông Douglas Lippoldt, chuyên gia kinh tế thương mại cấp cao HSBC cho biết, Việt Nam được kỳ vọng là một trong những quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), GDP sẽ tăng thêm 10,5% so với nếu không gia nhập TPP.

Khi tham gia WTO, một nghịch lý là kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có lúc còn đi xuống, bởi xuất khẩu nhiều nhưng nguyên liệu đầu vào phải nhập khẩu nhiều, khiến giá trị gia tăng thấp, chế biến rồi xuất khẩu

Tuy nhiên, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Việt Nam mở cửa hội nhập mạnh mẽ, trong khi năng lực của các DN chưa được cải thiện rõ ràng, tốc độ cải thiện môi trường vĩ mô không nhanh.

“Mở cửa mạnh, nhưng DN yếu là điểm bất lợi, bởi khi mở cửa phải đương đầu với cạnh tranh. Đây là câu chuyện rất đáng quan tâm. Chúng ta được yếu tố đầu tư nước ngoài, nhưng nội lực trong nước là điểm quyết định lại không có”, TS. Thiên nói.

Trong cuộc trao đổi tại Trường đại học Kinh tế Quốc dân hôm qua, bà Christine Lagarde, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chia sẻ, trong 3 thập kỷ qua, Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế mở cửa nhất trên thế giới và được hưởng lợi rất nhiều từ thương mại quốc tế, cũng như đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo. Sự cởi mở hơn, tất nhiên, cũng còn có một nghĩa nữa là nhạy cảm hơn với các cú sốc bên ngoài...

“Chẳng hạn, các động thái của Trung Quốc khi chuyển sang mô hình tăng trưởng mới, triển vọng giá hàng hóa thấp hơn trong thời gian dài, việc thắt chặt các điều kiện tài chính ở nhiều nước do lãi suất của Mỹ tăng và đồng USD mạnh lên…”, bà Christine Lagarde nói.

Trong khi đó, bà Izumi Devalier cho rằng, Việt Nam vẫn là một trong những câu chuyện hay nhất khu vực về tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng chỉ đứng thứ 2 tại châu Á sau Ấn Độ, niềm tin vào thị trường Việt Nam đang được khôi phục, mặc cho bối cảnh toàn cầu đầy khó khăn. Cụ thể: xuất khẩu bật lên mạnh mẽ và được kỳ vọng sẽ tăng hơn 10%/năm trong giai đoạn 2016 - 2030; đa dạng hóa xuất khẩu cả về mặt sản phẩm và thị trường là cơ sở cho triển vọng tích cực này; lực lượng lao động lớn, giá thấp và các hiệp định thương mại khu vực sẽ giúp thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Bà Izumi Devalier dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2016 có thể đạt 6,7% và năm 2017 là 6,8%, được đóng góp bởi kim ngạch xuất khẩu năm 2016 vẫn dương. Trước đó, năm 2015, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu là 1 con số, trong khi nhiều nước khác tăng trưởng âm.

Minh chứng cho câu chuyện này là Samsung hay Sonny rất tự tin khi đầu tư vào Việt Nam, đóng góp tích cực cho sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam và xu hướng này trong tương lai tiếp tục phát triển khi các nhà đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc đang có dấu hiệu chuyển sang các nước có nguồn lao động rẻ hơn như Việt Nam và Bangladest.

“Mô hình lao động giá rẻ có giới hạn nên phải tăng năng suất lao động. Khối doanh nghiệp quốc doanh vẫn thống lĩnh nền kinh tế, nhưng năng suất đang giảm. Cần tiếp tục cải cách khu vực DNNN, kinh tế tư nhân cần thúc đẩy nhiều hơn nữa như hỗ trợ tiếp cận tín dụng và một số nguồn khác… Tiềm năng đưa kinh tế cất cánh nếu cải cách đúng hướng và quan trọng là các DN trong nước hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu”, bà Izumi Devalier nói.

Tin bài liên quan