Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu tại tổ sáng 9/6 về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) - Ảnh: M.Minh

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu tại tổ sáng 9/6 về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) - Ảnh: M.Minh

"Người miền núi quen ở trên cao, thu hồi đất xong nếu đưa họ xuống thấp là không được"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đây là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh tại phiên họp tổ sáng 9/6 bàn về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), khi nhấn mạnh việc thu hồi đất phải gắn với sinh kế và văn hoá, tập quán của người dân.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bổ sung 40 điều, bỏ 13 điều

Thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sáng 9/6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Đặng Quốc khánh đã có một số phát biểu ghi nhận những đóng góp của đại biểu và nhân dân, đồng thời nêu quan điểm của cơ quan soạn thảo đối với dự án Luật này.

Trước hết, người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường nhận định, khi sửa đổi Luật Đất đai phải thống nhất một số quan điểm như sau: Phải bám vào định hướng quan điểm của Nghị quyết 18/NQ-TW; phải phải quyết được được những vấn đề định hướng phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của quốc gia; đảm bảo đất nước tiếp tục phát triển, nâng cao đời sống của nhân dân; giải quyết được những vấn đề bức xúc, bất cập, tồn đọng trong lĩnh vực đất đai.

Trên quan điểm đó, cần đảm bảo các định hướng:

Thứ nhất, đất đai thuộc sở hữu toàn dân nhưng Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước thống nhất quyền sở hữu thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bao gồm: giao đất, thu hồi, cho thuê đất, định giá đất, công nhận quyền sử dụng đất…

"Khi sửa luật, luật phải giải quyết được những chính sách về đất đai như vậy", Bộ trưởng TNMT nhấn mạnh.

Thứ hai, Nhà nước quản lý sử dụng đất phải vừa đảm bảo được quyền và lợi ích của nhân dân vừa phải nâng cao được hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai. Những bất cập về đất phải giải quyết được trên cơ sở hài hoà như vậy.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này xin ý kiến Quốc hội lần thứ hai, được toàn dân quan tâm, riêng lấy ý kiến của nhân dân đã hơn 12 triệu ý kiến chưa kể họp hành, toạ đàm, hội thảo... Lãnh đạo Bộ TNMT nói rằng, Luật đất đai phải xử lý nhiều vấn đề như vậy; để tổng hợp ý kiến và chỉnh sửa, cơ quan soạn thảo đã rất cố gắng.

"Trên cơ sở ý kiến góp ý của nhân dân, các nhà khoa học, các đại biểu Quốc hội, cơ quan thẩm tra..., cơ quan soạn thảo đã tiếp thu rất nghiêm túc và cầu thị, dự thảo Luật hôm nay đưa ra là đã bổ sung 40 điều và bỏ 13 điều, hiện tại có 263 điều", ông Khánh nói.

Quan tâm đến sinh kế, điều kiện sống của người dân sau thu hồi đất

Qua quá trình tiếp thu ý kiến đóng góp cho dự án Luật, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh chia sẻ về một vài lĩnh vực nhận được nhiều ý kiến đóng góp nhất như sau:

Vấn đề bồi thường tái định cư, Bộ trưởng nói rằng rất nhiều ý kiến băn khoăn về vấn đề này. Quan điểm của cơ quan soạn thảo là bồi thường tái định cư (sau khi Nhà nước thu hồi đất của dân) phải bằng hoặc hơn trước.

Tiêu chí "hơn trước" ở đây không chỉ là điều kiện sống về mảnh đất tái định cư mà còn bao gồm hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, sản xuất, sinh kế và phải gắn với văn hoá, yếu tố cộng đồng.

"Nhiều khu tái định cư làm xong mà không gắn vào đất sản xuất của nhân dân, không gắn vào bản sắc văn hoá thì nhân dân không ở. Người miền núi quen ở trên cao, nếu thu hồi đất xong mà đưa họ xuống thấp là không được", ông Khánh nói.

Các đại biểu Quốc hội tổ 10 thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sáng 9/6

Các đại biểu Quốc hội tổ 10 thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sáng 9/6

Bộ trưởng nói thêm, "khi nghiên cứu vấn đề bồi thường tái định cư hiện nay, chúng tôi thấy rằng Luật sẽ quy định nguyên tắc nhưng lãnh đạo địa phương phải nghe ngóng trước, phải điều tra xã hội học để nắm bắt được nguyện vọng của nhân dân".

Trong bồi thường tái định cư, một vấn đề nữa là bồi thường bằng những cách nào? Có những người không nhận đền bù đất (vì họ có đất ở rồi, người già đến ở với con cái...) mà muốn nhận bằng tiền, họ muốn tự tái định cư, cái đó chúng ta cũng phải cân nhắc.

Sau khi thu hồi đất, có những người không muốn nhận đền bù bằng đất mà muốn nhận tiền, họ muốn tự tái định cư, cơ quan soạn thảo phải cân nhắc.

Bộ trưởng Bộ TNMT Đặng Quốc Khánh

Vấn đề nữa là lựa chọn khu tái định cư ở chỗ nào, đào tạo nghề để thay đổi sinh kế người dân ra sao? Nếu cần thiết thì phải đào tạo nghề, phải chuyển đổi nghề nhưng người già, trẻ em, người yếu thế trước đây người ta có sinh kế cũ thế nào thì mình phải đảm bảo các bước tiếp theo để đảm bảo cuộc sống cho họ.

Về vấn đề này, Bộ trưởng nói rằng không thể trọn vẹn tất cả được, Luật chỉ đưa ra khung, mục tiêu, mục đích, trách nhiệm còn lại của chính quyền địa phương phải tham gia vào rất lớn.

Về vấn đề tổ chức phát triển đất hay quỹ phát triển đất? Nhiều đại biểu băn khoăn có nên quy định trích 10% ngân sách địa phương vào quỹ phát triển đất khi mà 10% của tỉnh này khác 10% của tỉnh khác, không phải khi nào cũng thu được 10%... Vấn đề này cơ quan soạn thảo cho rằng nên giao cho Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định, có thể có mức trần phù hợp.

Một vấn đề nữa đại biểu cũng quan tâm là đất thương mại ở nông thôn và thành thị. "Tôi đồng ý với các đồng chí là nông thôn của tỉnh này khác tỉnh kia, nông thôn của Hà Nội khác nông thôn của các tỉnh..., cho nên một số quy định mấy ha đất nông thôn và đô thị là không phù hợp, nhưng sẽ nghiên cứu có mức trần hay không", ông Khánh nói.

Vấn đề xác định giá đất, Bộ trưởng nói rằng: Chúng ta xác định giá đất theo thị trường nhưng thị trường thay đổi liên tục và quan trọng là thị trường nào. Trong Luật, cơ quan soạn thảo cố gắng làm thế nào để thị trường đó là thị trường thật không phải thị trường ảo. Trách nhiệm phân cấp ở đây rất lớn, chúng ta có một khoảng thời gian, các địa phương sẽ tiếp cận dần để xây dựng bảng giá đất hàng năm hay 5 năm...

"Tôi tin rằng không ai hiểu câu chuyện đất đai bằng địa phương cho nên các đại phương quyết định giá đất, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh về bảng giá đất, nếu có đột biến thì HDND tỉnh có quyền điều chỉnh", ông Khánh nêu quan điểm.

Vấn đề tích tụ đất nông nghiệp, vị đại biểu cho rằng chúng ta đang muốn có cánh đồng mẫu lớn để đưa công nghiệp hoá hiện đại hoá vào nông nghiệp. Muốn vậy cần đảm bảo chỉ tiêu về đất nông nghiệp theo quy định, bên cạnh đó đảm bảo quy hoạch và mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, đất nông nghiệp ai mua thì mua nhưng miếng đất đó vẫn phải sản xuất nông nghiệp không được chuyển đổi...

Cuối cùng, Bộ trưởng TNMT cảm ơn ý kiến đóng góp của các đại biểu, ông nói rằng sẽ tiếp thu nghiêm túc và đã bắt đầu giao cho ban soạn thảo làm dần dần, mong các đại biểu đóng góp ý kiến tại thảo luận Hội trường và tiếp tục đóng góp sau kỳ họp.

Trước đó, sáng cùng ngày, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TNMT Đặng Quốc Khánh đã đọc Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Sau đó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đọc báo cáo thẩm tra dự án Luật.

Bộ trưởng Bộ TNMT Đặng Quốc Khánh trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của UBTVQH đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Bộ trưởng Bộ TNMT Đặng Quốc Khánh trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của UBTVQH đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Đây là lần thứ hai, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được đem ra lấy ý kiến, thảo luận tại kỳ họp Quốc hội. Trước đó, dự án Luật này đã được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV vào ngày 1/11/2022.

Tiếp đó, dự án Luật được lấy ý kiến nhân dân từ ngày 3/1/2023 đến 15/3/2023 và ý kiến của Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ngày 06-07/4/2023; được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp ngày 11/5/2023.

Dự kiến, dự thảo Luật sẽ được thảo luận ở hội trường trong cả ngày 21/6 và được thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV vào tháng 10/2023.

Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ở lần trình này gồm 16 chương, 263 điều, trong đó tăng 5 mục (mục 3 Chương IV, mục 1 Chương VII; mục 1, 2, 3 chương XVI), bổ sung mới 40 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến nhân dân.

Báo cáo tiếp thu, giải trình dài 93 trang của cơ quan soạn thảo cho thấy cơ quan này đã tiếp thu 26 nhóm vấn đề và giải trình về 16 nhóm vấn đề của dự án Luật.

Tin bài liên quan