Mẫu iPhone 14 và 14 Plus được trưng bày trong sự kiện ra mắt sản phẩm của Apple ở Apple Park, Cupertino, bang California, ngày 7/9/2022. Ảnh: AFP

Mẫu iPhone 14 và 14 Plus được trưng bày trong sự kiện ra mắt sản phẩm của Apple ở Apple Park, Cupertino, bang California, ngày 7/9/2022. Ảnh: AFP

Người Nga có thể mua iPhone 14 nhờ 'thị trường xám'

0:00 / 0:00
0:00
Người Nga vẫn có cơ hội mua iPhone 14 mới dù “người khổng lồ” công nghệ Mỹ đã rời khỏi nước này.

Theo đài CNN, người Nga vẫn có cơ hội mua iPhone 14 mới ra mắt dù hãng Apple đã rời khỏi nước này nhờ chương trình nhập khẩu song song của Moskva. Thông tin này được một quan chức chính phủ cấp cao nói với hãng tin Nga, RIA Novosti ngày 8/9.

Nga đã công bố kế hoạch nhập khẩu song song, còn gọi là giao dịch trên “thị trường xám” vào tháng 3 khi họ cho phép các nhà bán lẻ nhập khẩu các sản phẩm từ nước ngoài mà không cần sự cho phép của chủ sở hữu nhãn hiệu.

Khi được hỏi liệu iPhone mới, mà Apple vừa giới thiệu ngày 7/9, có được nhập khẩu theo chương trình nói trên hay không, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Nga, Denis Manturov cho biết: "Tại sao không? Nếu người tiêu dùng muốn mua những chiếc điện thoại này, họ sẽ có cơ hội”.

Apple đã ngừng bán sản phẩm mới ở Nga từ tháng 3, chỉ một tuần sau khi Moskva phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine. Tuy nhiên iPhone, MacBook và các sản phẩm khác của Apple vẫn có sẵn trong các cửa hàng ở Nga khi các nhà bán lẻ tiếp tục bán số hàng tồn kho và duy trì kế hoạch nhập khẩu song song qua “thị trường xám” với các sản phẩm mới.

Nhà mạng MTS của Nga từ sáng 8/9 đã bắt đầu bán các mẫu iPhone 14 mới theo đơn đặt hàng trước. Giá khởi điểm từ 84.990 rúp (1.398 USD) cho phiên bản 128 GB. MTS cho biết việc giao hàng có thể mất đến 120 ngày và họ có quyền hủy đơn đặt hàng nếu gặp khó khăn trong việc nhập khẩu sản phẩm.

Apple đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về vấn đề này của CNN.

Bộ trưởng Manturov, cũng là Phó Thủ tướng Nga, cho biết vào tháng trước rằng kế hoạch nhập khẩu song song đối với các sản phẩm phương Tây, từ quần áo hàng hiệu đến ô tô, có thể đạt giá trị 16 tỷ USD trong năm nay, tương đương khoảng 4% kim ngạch nhập khẩu năm 2021 của Nga.

Nhiều công ty phương Tây, trong đó có Ikea đã rút khỏi Nga. Ảnh: Getty Images
Nhiều công ty phương Tây, trong đó có Ikea đã rút khỏi Nga. Ảnh: Getty Images

Nhập khẩu song song là khái niệm chỉ hàng hóa chính hãng được nhập khẩu vào thị trường mà không được sự đồng ý của nhà sản xuất cho địa bàn đó. Chẳng hạn, một chiếc quần jean Levi's được sản xuất, đóng gói và định giá cho thị trường Ấn Độ được một người nhập khẩu để bán ở Đức bên ngoài các kênh phân phối chính thức của nhà sản xuất quần áo đó thì đó là nhập khẩu song song.

Những mặt hàng nhập khẩu như vậy được coi là giao dịch trên “thị trường xám” vì chúng được bán bởi các đại lý trái phép. Do chủ sở hữu thương hiệu không có quyền kiểm soát việc phân phối những hàng hóa này, nên chúng không nằm trong kế hoạch bảo hành của họ.

Vào tháng 5, Nga đã công bố danh sách các hàng hóa phương Tây đủ điều kiện được nhập khẩu theo cơ chế nhập khẩu song song. Danh sách bao gồm các mặt hàng nhập khẩu quan trọng như tàu chiến, phụ tùng thay thế cần thiết cho ngành đường sắt, linh kiện ô tô cũng như hàng tiêu dùng như đồ điện tử, thiết bị gia dụng, quần áo, giày dép và mỹ phẩm - những mặt hàng mà Moskva cho biết các nhà sản xuất phương Tây "từ chối cung cấp trực tiếp".

Kế hoạch của Nga đã cung cấp cho các nhà nhập khẩu sự bảo vệ tránh những vụ kiện tụng dân sự khi bỏ qua các kênh phân phối chính thức. Phần lớn hàng nhập khẩu song song vào Nga đến từ các nước hậu Xô Viết như Kazakhstan, Armenia và Belarus.

Tin bài liên quan