Người tham gia giao thông trên cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ cần lưu ý gì?

0:00 / 0:00
0:00
Các phương tiện được lưu thông trên tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ với vận tốc tối đa 90 km/h, cầu Mỹ Thuận 2 là 80 km/h.
Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ

Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ

Dự án cầu Mỹ Thuận 2 và tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được khánh thành vào ngày 24/12/2023, tuy nhiên để đảm bảo vệ sinh môi trường, rà soát, kiểm tra đầy đủ các điều kiện an toàn, các phương tiện sẽ chính thức được lưu thông bắt đầu từ 7h00 sáng nay (ngày 25/12/2023).

Để đảm bảo lưu thông an toàn, tránh ùn tắc giao thông, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu người tham gia giao thông cần chú ý quan sát, theo dõi và chấp hành nghiêm mọi hướng dẫn, chỉ dẫn, điều tiết của lực lượng chức năng. Cục Đường bộ Việt Nam đã phê duyệt Phương án tổ chức giao thông cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Qua đó các phương tiện giao thông được phép lưu thông trên tuyến cao tốc theo các quy định cơ bản như sau:

Đường cao tốc chỉ phục vụ cho xe ô tô, các đối tượng không được tham gia giao thông trên đường ô tô cao tốc: Người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h không được đi vào đường cao tốc (ngoại trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc).

Trong đó các phương tiện được lưu thông trên tuyến với vận tốc tối đa 90 km/h (riêng cầu Mỹ Thuận 2 để bảo đảm an toàn đối với công trình cầu lớn, tốc độ khai thác tối đa trên cầu là 80 km/h); tốc độ tối thiểu của các phương tiện lưu thông trên tuyến là 60 km/h; ngoài ra để nâng cao an toàn giao thông trên tuyến, các phương tiện lưu thông bảo đảm khoảng cách ghi trên biển chỉ dẫn là 100 m.

Người, phương tiện thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc có phù hiệu hoặc biểu tượng riêng thì được đi lại trên đường cao tốc (không quy định tốc độ) nhưng không gây ảnh hưởng và cản trở giao thông trên đường cao tốc.

Xe chở chất độc hại, dễ cháy, vật liệu nổ nằm trong danh mục hàng nguy hiểm được Chính phủ quy định trong Nghị định 42/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 chỉ được lưu thông trên đường cao tốc khi có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.

Đường dẫn cầu Mỹ Thuận 2, phía tỉnh Vĩnh Long

Đường dẫn cầu Mỹ Thuận 2, phía tỉnh Vĩnh Long

Người lái xe tham gia giao thông trên đường cao tốc phải tuân thủ các quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ, các quy tắc tham gia an toàn theo quy định pháp luật hiện hành (Không cho xe chạy vào nơi dừng đỗ khẩn cấp và phần lề đường; không được cho xe chạy quá tốc độ tối đa và dưới tốc độ tối thiểu ghi trên biển báo hiệu, sơn kẻ trên mặt đường; người lái xe trên đường cao tốc khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải đảm bảo an toàn; trường hợp buộc phải dừng xe, đỗ xe khẩn cấp người lái xe phải đưa xe ra làn dừng xe khẩn cấp đặt các vật báo hiệu và thông báo đường dây nóng hỗ trợ...)

Trên tuyến bố trí các vị trí (dải) dừng xe khẩn cấp với khoảng cách 4-5 km/điểm trên cùng một chiều xe chạy. Kích thước mỗi vị trí: chiều dài 270 m, bề rộng mặt 2,5 m, bề rộng lề 0,75 m.

Riêng các trạm dừng nghỉ đang được Bộ Giao thông vận tải rà soát, để triển khai đồng bộ trên các đoạn tuyến đường bộ cao tốc.

Theo Bộ Giao thông vận tải, do khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng, năng lực cung ứng nguyên vật liệu trên địa bàn dẫn đến một số hạng mục đường gom, đường dẫn của Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ chưa kịp hoàn thiện.

Ngay sau khi thông xe, khai thác tuyến chính để phục vụ đi lại của nhân dân, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục chỉ đạo chủ đầu tư, các nhà thầu tập trung tối đa lực lượng, tìm mọi giải pháp khắc phục khó khăn nhất là về nguyên vật liệu, khẩn trương thi công hoàn thành các hạng mục còn lại của công trình để đưa Dự án khai thác đồng bộ trước dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn năm 2024.

Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và dự án cầu Mỹ Thuận 2 là hai dự án cuối của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn từ TP.HCM đến TP. Cần Thơ dài 120 km. Hai dự án hoàn thành đưa vào khai thác sẽ làm giảm thiểu ùn tắc, hạn chế tai nạn giao thông, rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM đi Cần Thơ chỉ còn hơn 2 giờ thay vì 3,5 giờ như hiện nay; góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông, hệ thống vận tải, logistics vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Qua đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất tốt hơn, thu hút đầu tư vào các vùng đã quy hoạch phát triển sản xuất kinh doanh, các khu, cụm công nghiệp, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh cho các tỉnh, thành trong vùng.

Tin bài liên quan