Người trẻ không biết sợ, nhưng tiếng nói của xã hội, của người lớn có thể khiến họ chùn bước

0:00 / 0:00
0:00
Doanh nhân Nguyễn Ngọc Mỹ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Alphanam gửi thông điệp: Hãy lắng nghe để trao cơ hội cho người trẻ, tạo môi trường tốt nhất để người trẻ đột phá, sáng tạo.
Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Alphanam Nguyễn Ngọc Mỹ phát biểu tại Đại hội lần thứ VII Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam.

Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Alphanam Nguyễn Ngọc Mỹ phát biểu tại Đại hội lần thứ VII Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam.

Làm thế nào để thúc đẩy sự tham gia của người trẻ

Tham luận của Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Alphanam Nguyễn Ngọc Mỹ tại Đại hội lần thứ VII Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam rất có thể sẽ khiến nhiều người phải suy nghĩ.

Được đặt đầu bài chia sẻ về chân dung, tầm nhìn của thế hệ doanh nhân 2030 với góc nhìn của một đại diện doanh nhân thế hệ 9x, nhưng Nguyễn Ngọc Mỹ thẳng thắn, mỗi người sẽ có một bức tranh, góc nhìn khác nhau.

“Mỗi người trong chúng ta sẽ có những bức tranh khác nhau, nhưng hy vọng đó là bức tranh tươi sáng. Tương lai nằm trong tay chúng ta, chứ không chỉ nằm trong tay thế hệ trẻ như nhiều người thường nói”, Tổng giám đốc thế hệ 9x nói.

Cùng nghe bài tham luận của Nguyễn Ngọc Mỹ không chỉ có các doanh nhân trẻ. Đại hội lần thứ VII Doanh nhân trẻ Việt Nam có sự tham gia của các doanh nhân nhiều thế hệ, đặc biệt là những doanh nhân thế hệ đầu tiên của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam.

Có thể kể tới ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, Chủ tịch Hội từ năm 1989 đến năm 2005; ông Phương Hữu Việt, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Việt Phương Chủ tịch Hội khóa II; ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đồng Tâm Chủ tịch Hội khóa III; ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư U&I, Chủ tịch Hội khóa IV; ông Bùi Văn Quân, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Anh Quân Strongs, Chủ tịch Hội khóa V... Bố của Nguyễn Ngọc Mỹ, ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch Tập đoàn Alphanam cũng là một trong những doanh nhân thế hệ đầu tiên của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam.

Trong hình dung về Việt Nam năm 2030, những con người nào đang tạo dấu ấn, trông họ thế nào; ngành nghề nào đang đưa Việt Nam bứt phá... Rất nhiều câu hỏi mà Nguyễn Ngọc Mỹ đặt ra chắc chắn không chỉ dành cho thế hệ trẻ.

Vì thực tế là không có tương lai nào không có quá khứ. Việt Nam trong 10 năm tới sẽ như thế nào, làm được gì được kiến tạo bởi các thế hệ người Việt, được kiến tạo từ nền tảng văn hóa, giáo dục, chính trị, kinh tế, từ truyền thống của người Việt Nam và quá trình hội nhập vô cùng sâu rộng. Trong quá trình này, thế hệ trẻ luôn được coi là nguồn tài nguyên.

Nhưng câu hỏi mà Nguyễn Ngọc Mỹ đặt ra không hề dễ trả lời.

“Thế hệ trẻ tài nguyên của đất nước, là niềm tự hào khi Việt Nam nằm trong thời kỳ dân số vàng. Làm thế nào để khai thác tài nguyên này, làm thế nào để thúc đẩy sự tham gia, phát triển thành tựu của các bạn trẻ?”, doanh nhân thế hệ 9x Nguyễn Ngọc Mỹ đặt câu hỏi.

Câu trả lời là: Hãy lắng nghe!

Đại diện các thế hệ doanh nhân của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam.
Đại diện các thế hệ doanh nhân của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam.

“Cá nhân tôi cũng không thể có những thành tựu bước đầu trong công việc nếu không có một môi trường biết lắng nghe”, Nguyễn Ngọc Mỹ chia sẻ, từ những trải nghiệm cá nhân. Môi trường biết lắng nghe, theo Mỹ, là nơi có thể thay đổi văn hóa cho phù hợp với những người trẻ, là nơi người trẻ được học hỏi, cống hiến, thể hiện quan điểm và sự khác biệt của mình.

Môi trường biết lắng nghe cũng là nơi những người trẻ được thử, được sai, được sửa, trao cho hội cơ hội được tạo ra những gì thuộc về tương lai. “Người trẻ không biết sợ, nhưng tiếng nói của xã hội, của người lớn có thể khiến họ chùn bước”, Nguyễn Ngọc Mỹ thẳng thắn chia sẻ.

Trong góc nhìn của nữ doanh nhân 9x, người trẻ không chỉ là lực lượng lao động, mà còn là khách hàng, là thị trường tiêu thụ, là những người dẫn dầu xu hướng. Nên câu hỏi mà rất nhiều doanh nghiệp, doanh nhân hay đặt ra là làm thế nào thu hút, giữ chân được các tài năng trẻ không chỉ đơn giản là vì họ là người trẻ mà vì tương lai của tất cả.

Theo Mỹ, lắng nghe để trao cơ hội, tạo cho họ môi trường tốt nhất để những người trẻ có được sự đột phá nhất, sáng tạo nhất; lắng nghe để tạo môi trường có văn hóa, văn minh, lành mạnh, bình đẳng để lớp trẻ được nhìn thấy mình trong đó.

Sự khác biệt thế hệ đương nhiên sẽ có, có thể lớn là suy nghĩ, hay đơn giản là cách ăn cách nói, nhưng nếu lắng nghe, sẽ dung hòa được.

Đặc biệt, với các doanh nhân, lắng nghe để kết nối trí tuệ của thế hệ đi trước, kết nối những trải nghiệm, kinh nghiệm, mồ hôi, nước mắt của các doanh nhân Việt Nam đã tạo ra bệ phóng kinh tế để cho lớp trẻ có cơ hội và sứ mệnh tiếp lửa, tiếp bước, để đưa Việt Nam tới tầm cao mới.

Hẳn đây cũng là sứ mệnh mà Nguyễn Ngọc Mỹ và các doanh nhân trẻ tham gia Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam nhận gánh vác và mong muốn lan tỏa.

Tin bài liên quan