Nguồn năng lượng tái tạo đang bị lãng phí?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tiềm năng các nguồn năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, mặt trời là một trong những chìa khóa chuyển đổi năng lượng Việt Nam để trung hòa carbon và tiến tới giảm lượng khí phát thải.
Năng lượng tái tạo là một trong những chìa khóa chuyển đổi năng lượng Việt Nam để trung hòa carbon

Năng lượng tái tạo là một trong những chìa khóa chuyển đổi năng lượng Việt Nam để trung hòa carbon

Hiện tại do mạng lưới truyền tải không đáp ứng, nên mỗi năm có hàng tỷ kWh điện bị cắt bỏ đi vì không lên được lưới. Nhiều nhà đầu tư năng lượng tái tạo gặp khó vì thủ tục.

EVN liên tục muốn tăng giá điện

Cách nay chưa lâu, EVN đã tổ chức một Hội nghị phát động phong trào "tăng cường tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân tiết kiệm điện”.

Đầu tháng 5/2023, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh tăng 3% lên mức 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Việc này được thực hiện sau thời gian dài EVN kêu lỗ lớn khi giá đầu vào cho sản xuất kinh doanh điện tăng cao.

EVN mới đây tiếp tục đề xuất cho phép được điều chỉnh giá bán lẻ điện vào tháng 9/2023. EVN cho rằng, để bù đắp phần chi phí tăng thêm do các chi phí đầu vào tăng cao theo quy định, đảm bảo cân bằng tài chính, Tập đoàn kiến nghị được tiếp tục tăng giá điện.

Từ năm 2010 đến nay, EVN đã 8 lần điều chỉnh tăng giá điện, giá bình quân từ 1.058 đồng/kwh lên 1.864,44 đồng/kwh (vào năm 2019) và đến nay vẫn tiếp tục báo lỗ và đề nghị điều chỉnh tăng giá điện.

Tiết kiệm điện là ưu tiên

Tiết kiệm điện là ưu tiên của từng hộ dân, mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên, thời gian qua tình trạng cắt điện luân phiên, cắt điện không báo trước xảy ra tại nhiều địa phương phía Bắc, ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người dân và hoạt động của doanh nghiệp.

Nắng nóng gay gắt kéo dài, hệ thống điện Quốc gia đối mặt khó khăn

Nắng nóng gay gắt kéo dài, hệ thống điện Quốc gia đối mặt khó khăn

Nhiều đại biểu Quốc hội bức xúc nêu tình trạng hàng ngàn MW điện gió, điện mặt trời không phát được lên lưới, trong khi điện lại thiếu và phải nhập khẩu điện từ Trung Quốc, Lào là vô cùng lãng phí và cần phải làm rõ trách nhiệm.

Theo đại biểu Lê Thanh Vân, điện gió, điện mặt trời Việt Nam có nhiều lợi thế, nhưng mãi gần đây mới đưa vào Quy hoạch điện 8. Còn một loạt dự án điện gió, điện mặt trời đưa vào Quy hoạch điện 7 đang vướng mắc cơ sở pháp lý, dẫn đến không hòa được vào lưới điện.

Việt Nam là cường quốc điện gió, điện mặt trời, thiên nhiên ưu đãi như thế, nhưng vì sao ta vẫn phải nhập khẩu điện từ Trung Quốc, vì sao lại xác định nhập điện lâu dài. Câu hỏi này tôi cho rằng trả lời cũng khó?", theo lời ông Vân.

Theo các chuyên gia, để giảm bớt thủ tục, tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm phát điện, cơ quan quản lý cần có những hướng dẫn bằng văn bản rõ ràng hơn. Những điều kiện nào tại Thông tư 15 gây khó khăn cho nhà đầu tư thì cần được bãi bỏ. Mức giá trần có được điều chỉnh hay không, cách tính giá trần cũng cần được làm rõ.

Theo các nhà đầu tư, họ phải chờ đợi hơn 2 năm để có cơ chế giá phát điện mới, làm cơ sở để thỏa thuận giá bán điện với EVN. Với khung giá này, giá bán điện thực tế của các dự án chuyển tiếp sau đàm phán sẽ thấp hơn hoặc bằng mức trần tại khung. Các nhà đầu tư năng lượng tái tạo lo ngại, những bất cập về pháp lý, hiệu quả tài chính thấp khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn.

Theo tính toán, chỉ tính riêng tổng vốn đầu tư của 34 dự án điện tái tạo đã hoàn thành đầu tư xây dựng gần 85.000 tỷ đồng, trong đó 58.000 tỷ đồng là vốn vay ngân hàng. Nếu không giải cứu kịp thời, không chỉ gây lãng phí vô cùng trong khi cả nước đang thiếu điện gay gắt, mà còn khiến các doanh nghiệp đầu tư năng lượng tái tạo phá sản, dẫn đến sự đổ vỡ khôn lường.

Tin bài liên quan