Dòng tiền lướt nhanh qua các nhóm cổ phiếu.

Dòng tiền lướt nhanh qua các nhóm cổ phiếu.

Nguy cơ chìm trong sóng đầu cơ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Quan điểm “cổ phiếu tốt là cổ phiếu tăng giá” dẫn dòng tiền tiếp tục vào nhóm cổ phiếu đầu cơ, bất chấp các cảnh báo rủi ro từ giới chuyên gia.

Cổ phiếu đầu cơ hút dòng tiền

Nhiều cổ phiếu tăng tính bằng lần trong 3 tháng trở lại đây như họ cổ phiếu APEC, gồm bộ ba API, APS, IDJ, hay cổ phiếu SDA, SJF cũng có liên quan đến cùng một chủ sở hữu. Nhóm cổ phiếu liên quan đến GEX, hay khi FLC kéo lên trần một vài phiên thì ngay lập tức, nhóm cổ phiếu liên quan như ROS, ART cũng “chạy” tương ứng…

“Chưa bao giờ, nhóm cổ phiếu có cùng hệ sinh thái lại cùng nhau kéo lên một cách dễ dàng như thời gian qua. Phải thừa nhận tiền đầu cơ đang quá khoẻ và chưa có điểm dừng, nhịp điều chỉnh có xảy ra thì cũng rất ngắn”, anh Nguyễn Duy Khoa, nhà đầu tư tại Hà Nội nhận xét.

Trước đó, thị trường đã chứng kiến nhóm cổ phiếu cảng biển như VOS, VNA, VPA có chuỗi tăng không tưởng, mặc dù những doanh nghiệp này đều kinh doanh kém hiệu quả hoặc đang thua lỗ. Ở nhóm công ty chứng khoán, dòng tiền đầu cơ đang hướng đến những công ty chứng khoán nhỏ có sự chuyển động tương đối tích cực như tăng vốn, chào đón cổ đông mới.

Trong phiên cuối tuần, thị trường chứng kiến nhịp rung lắc mạnh khiến hàng loạt cổ phiếu tăng nóng thời gian qua như TNI, IDI… từ mức giá trần lao xuống sàn, nhưng rồi nhanh chóng lấy lại được sắc tím trước lực cầu quá mạnh – trên 44.000 tỷ đồng trên sàn HOSE và trên 55.000 tỷ đồng trên toàn thị trường.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam cho biết, với dòng tiền từ các nhà đầu tư cá nhân mạnh đến mức cân hết lực bán của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức bán ròng liên tục và miệt mài nhiều tháng qua thì xu hướng tăng của thị trường trong ngắn hạn là điều khó có thể bàn cãi. Các phiên giảm điểm chỉ mang tính điều chỉnh, chứ chưa thể làm thay đổi xu hướng, vì mỗi khi có sự điều chỉnh, lực mua đều gia tăng.

“Nhóm penny có thị giá thấp hơn mặt bằng chung thị trường nên nhà đầu tư cá nhân rất ưa thích”, ông Khánh nhận xét.

Dòng tiền đang ở giai đoạn đầu cơ cao, nhưng đâu là đỉnh điểm của hiện tượng này là câu hỏi mà ngay các chuyên gia chứng khoán, các broker có thâm niên trong nghề cũng không dễ trả lời.

Không chỉ diễn ra trên hai sàn niêm yết là HOSE, HNX, hiện tượng nhiều cổ phiếu trần hàng loạt trên UPCoM đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong nhiều tuần trở lại đây. Với biên độ dao động giá cổ phiếu trong ngày được phép lên đến 15%, gấp đôi so với HOSE (7%) và gấp rưỡi so với HNX (10%), không ít cổ phiếu trên UPCoM đã và đang mang lại cơ hội kiếm lời lớn cho nhà đầu tư.

Giá trị khớp lệnh bình quân kể từ đầu năm trên UPCoM khoảng 1.380 tỷ đồng, tăng gấp đôi kể từ đầu tháng 11 và có phiên đạt trên 3.000 tỷ đồng. Với dòng tiền đang vào mạnh mẽ, kết hợp với biên độ dao động lớn, đây có thể là đỉnh cao của dòng tiền đầu cơ ở giai đoạn này.

Chừng nào lợi nhuận ở nhóm đầu cơ còn đủ hấp dẫn trên diện rộng thì dòng tiền vẫn ở đây và con sóng đầu cơ vẫn còn tiếp tục. Sóng đầu cơ, vốn tính theo vòng quay, vào nhanh và ra nhanh và luân chuyển liên tục giữa các nhóm cổ phiếu có “game”.

Ngoại trừ một số mã có nhà tạo lập "cứng tay", giúp điểm số tăng liên tục qua từng phiên thì phần còn lại có sự luân chuyển khá nhanh qua từng nhóm ngành.

Dù vậy, các chuyên gia cũng cảnh báo hành động mua đuổi các cổ phiếu mang tính đầu cơ cao và chưa có nhiều dự phóng lợi nhuận khả thi có thể dẫn đến “đu đỉnh” ngắn hạn và điều này ảnh hưởng đến trạng thái tài khoản của nhà đầu tư.

Thực tế, dòng tiền đầu cơ đang giúp cho thị trường sôi động, nhưng chỉ một bộ phận nhà đầu tư được hưởng lợi nếu nắm bắt được thông tin, cũng như được “phím hàng”, trong khi những nhà đầu tư chọn đầu tư theo giá trị thì trong danh mục vẫn có những cổ phiếu giảm hoặc đứng giá, hoặc mức lợi nhuận ghi nhận được cũng chỉ một vài chục phần trăm.

Cần yếu tố giữ lửa cho thị trường

Nếu dòng tiền đầu cơ làm chủ “cuộc chơi”, thị trường chứng khoán đi nhanh hơn, nhưng để thị trường đi xa thì vẫn cần sự đồng thuận của nhóm bluechips. Nhìn lại phiên hồi phục của thị trường vào ngày 17/11/2021, có thể thấy, động lực giúp thị trường nối lại đà tăng chính là nhóm bluechips, bên cạnh đó có sự hỗ trợ từ các nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, dầu khí...

Ảnh tác giả

Chỉ số VN-Index đang ở giai đoạn sóng tăng trưởng mạnh nhất, nhưng rủi ro ngắn hạn của nhịp sóng tăng mạnh nhất này đang bắt đầu dần hình thành.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, thị trường vẫn đang trong xu hướng tăng ngắn hạn và các chỉ số liên tục xác lập các đỉnh kỷ lục mới. Tuy nhiên, xét về độ rộng thị trường và mức độ tham gia dòng tiền, có thể thấy rủi ro ngắn hạn đang có dấu hiệu tăng dần, điều này cho thấy thị trường có thể sẽ xuất hiện các nhịp điều chỉnh trong tuần giao dịch tới, đặc biệt mức kháng cự gần nhất của chỉ số VN-Index là mức 1.480 điểm.

“Xét về mô hình biến động của các chỉ số, chỉ số VN-Index đã xác lập cơn sóng kể từ giai đoạn đáy giữa tháng 7/2021. Đây là sóng kỳ vọng phục hồi sau khi các tác động từ dịch bệnh đã phản ánh đợt giảm mạnh từ đầu tháng 7/2021. Ở thời điểm hiện tại, chỉ số VN-Index đang ở giai đoạn sóng tăng trưởng mạnh nhất, nhưng rủi ro ngắn hạn của nhịp sóng tăng mạnh nhất này đang bắt đầu dần hình thành và rất có khả năng sẽ sớm có pha điều chỉnh ngắn hạn. Mục tiêu kỳ vọng của cơn sóng trung hạn này là 1.534 điểm”, ông Minh nêu quan điểm.

Ở thời điểm hiện tại, bức tranh kinh tế vĩ mô trở nên khả quan hơn vẫn là điểm tựa lớn nhất cho nhà đầu tư. Cùng với đó là dòng tiền dành cho kênh chứng khoán vẫn đang ở mức dồi dào hơn bao giờ hết.

Ông Lâm Gia Khang, Phụ trách chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán Vietinbank cho rằng, các yếu tố như cán cân xuất nhập khẩu ghi nhận tín hiệu tích cực khi kim ngạch xuất khẩu hồi phục, tăng 1% so với tháng trước và tăng nhẹ so với cùng kỳ.

Đà hồi phục xuất hiện cả khối doanh nghiệp trong nước và FDI nhờ chủ trương tiến hành mở cửa nền kinh tế theo trạng thái “bình thường mới” của Chính phủ, giúp chỉ số PMI hồi phục qua ngưỡng quan trọng 50 điểm, hay lạm phát tiếp tục được kiểm soát và dự báo đạt được mục tiêu tăng dưới 4% trong năm 2021…

Những yếu tố này đang củng cố thêm niềm tin cho nhà đầu tư chứng khoán về sự hồi phục nhanh trở lại của nền kinh tế. Hơn nữa, môi trường lãi suất huy động tại các ngân hàng được dự báo tiếp tục được duy trì ở mức thấp khi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bơm tiền qua hoạt động mua bán ngoại tệ trên thị trường 2, giúp dòng tiền trên thị trường tiếp tục dồi dào.

Tin bài liên quan