Nguy cơ khủng hoảng nguồn cung

Nguy cơ khủng hoảng nguồn cung

(ĐTCK) Tại cuộc tiếp xúc của lãnh đạo TP.HCM với doanh nghiệp ngành bất động sản do Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong chủ trì giữa tuần qua, có ít nhất 20 lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản đăng ký phát biểu với cùng một vấn đề.

Đó là chủ trương siết chặt cấp phép dự án cũng như những ách tắc thủ tục đang khiến cho nhiều chủ đầu tư lao đao và TP.HCM cũng bị “chảy máu” nguồn lực đầu tư địa ốc ra các địa phương khác đang “trải thảm đỏ” hơn. Bên cạnh đó, nó cũng trực tiếp khiến giá nhà trên địa bàn TP.HCM trở nên đắt đỏ hơn.

Tất nhiên, nỗi lòng thì chung, nhưng câu chuyện của mỗi chủ đầu tư một khác!

Đại diện cho một chủ đầu tư thuộc hàng “đại gia” về sở hữu quỹ đất và số lượng dự án đưa ra thị trường những năm trước, ông Bùi Xuân Huy, Tổng giám đốc Novaland đã nêu ra hai dự án lớn mà Công ty đang gặp vướng mắc, đó là dự án Vườn Dừa (quận 9) và Bình Khánh (quận 2).

Hai dự án này dù Novaland đã rất cẩn thận thuê các công ty luật uy tín nước ngoài vào thẩm định hồ sơ pháp lý và họ đều trả lời rất ổn. Tuy nhiên, khi Thành phố quyết định dừng thì đương nhiên dự án phải bất động và chủ đầu tư phải chờ đợi.

Đáng nói là thiệt hại của sự "bất động" này có thể định lượng rất cụ thể. Đó là khoản tiền khoảng 400 tỷ đồng tiền lãi mỗi năm; đó là việc không ra hàng được khiến Công ty không hoàn thành cam kết với cổ đông về kế hoạch bán hàng và lợi nhuận, phải tinh giản hơn 1.000 nhân viên và tiếp tục tinh giản do không đủ dự án để triển khai…

“Chưa kể, chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn trong khi làm việc với các tổ chức tín dụng vì đối tác rất ngần ngại khi phần lớn các dự án của Novaland bị thanh kiểm tra quá nhiều”, ông Huy trần tình.

Câu chuyện Novaland không phải cá biệt!

Nhiều doanh nghiệp bất động sản trước kia mỗi năm ra mắt hàng chục dự án, thì năm 2018 lại không thể hoặc chỉ có 1 dự án đưa ra thị trường như Him Lam, Hưng Thịnh…

Vậy là cùng tắc biến, rất nhiều chủ đầu tư bất động sản lớn tại TP.HCM phải “vươn khơi” bất đắc dĩ khi mang nguồn lực đi phát triển dự án ở những địa phương khác ngoài TP.HCM.

Những nguồn tin đáng tin cậy cho biết, Địa ốc HimLam Land đã lên kế hoạch phát triển dự án mới tại Hà Nội. Novaland đang phát triển dự án tại Nha Trang, Phan Thiết, Vũng Tàu. Còn HungThinh Corp  cũng “chạy” ra Đồng Nai, Vũng Tàu để phát triển dự án…

Đây là một thiệt thòi cho TP.HCM khi nguồn thu của địa phương này có tỷ trọng không nhỏ từ bất động sản. Báo cáo kinh tế 10 tháng đầu năm 2018 của TP.HCM cho biết, trong số 35.585 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 435.980 tỷ đồng, thì hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng cao nhất (42%) trong những ngành nghề có vốn đăng ký mới… Đồng thời, những chương trình mục tiêu lớn của TP.HCM như cải tạo cảnh quan kênh rạch, chống ngập… cần nguồn vốn cực lớn và có thể thực hiện phần nào bằng hình thức BT.

Với một doanh nghiệp, không gian phát triển cũ bị bó hẹp thì đương nhiên họ sẽ phải tìm đến không gian tăng trưởng mới. Và không chỉ nguy cơ khủng hoảng nguồn cung, mà dài hạn hơn, sự hạn chế cấp phép dự án mới tại TP.HCM cũng khiến ngành bất động sản địa phương này trở nên “ốm yếu” hơn.

Nói như một tổng giám đốc doanh nghiệp bất động sản đã đăng ký nhưng chưa được bố trí phát biểu tại cuộc gặp gỡ trên là, doanh nghiệp mang gánh nặng về việc phải có hàng mới để bán, có hàng bán mới có doanh thu, mới có tiền trả lương lao động và tồn tại. Khi họ buộc phải tìm đến các địa phương khác thì đó là cơ hội cho thị trường bất động sản các tỉnh, nhưng lại là nỗi buồn của TP.HCM khi nhu cầu nhà ở của người dân TP.HCM luôn cao, nhưng dự án lại bị hạn chế phát triển và từ đó đánh mất cơ hội cho doanh nghiệp, cho người dân và cho cả ngân sách Thành phố.       

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan