Phá cách
Xuất thân là một kiến trúc sư, song Phương Chi cảm thấy nghề này chưa thực sự phù hợp với mình. Với mục tiêu tiếp tục tìm kiếm đam mê, trong thời gian học thạc sỹ tại Pháp, Chi đi nhiều nơi tìm tòi, học hỏi về thiết kế và phát triển các sản phẩm nội thất rời như bàn, ghế, tủ kệ... “Vẫn liên quan đến chuyên ngành tôi đã học và làm, nhưng đồ nội thất là những thứ nhỏ hơn, tinh tế và giàu cảm xúc hơn. Tôi nhận thấy chúng thực sự cuốn hút”, Phương Chi kể lại.
Năm 2015, Phương Chi trở về nước thành lập công ty về thiết kế kiến trúc và tìm hiểu sâu về nội thất vừa để công trình của mình có dấu ấn riêng và mang giá trị cao, vừa để thoả ước đam mê. Trong thời gian mày mò, Phương Chi nhận thấy, thị trường cũng có nhu cầu cao với những sản phẩm nội thất độc lạ, song chưa có đơn vị cung cấp nào đáp ứng hoàn chỉnh.
“Với niềm đam mê và nhu cầu thực tế, tôi bắt đầu khởi nghiệp từ 0 đồng. Từ những đồng lãi ban đầu, tôi mới nảy ra ý tưởng thành lập Công ty Nội thất SMA, phát triển sản phẩm, hoàn thiện web, mở showroom…”, CEO SMA chia sẻ.
Theo Phương Chi, các sản phẩm nội thất mà SMA thiết kế mang phong cách Bắc Âu, nhưng được tối ưu hóa về mặt nhân trắc học và nguyên vật liệu để phù hợp với phong cách sống của người Việt. Người Việt nhỏ bé hơn rất nhiều so với người châu Âu, nên đa phần đồ nội thất nhập khẩu về không phù hợp. Hơn nữa, khí hậu Việt Nam là nhiệt đới, không phù hợp với đồ nội thất nhập khẩu từ các nước Bắc Âu.
“SMA giữ lại những ưu điểm nổi trội và khắc phục những điểm chưa phù hợp để tạo ra những sản phẩm hoàn hảo nhất cho người tiêu dùng Việt Nam”, CEO Nguyễn Phương Chi cho hay.
Từ một đơn vị chuyên về thiết kế công trình, mở rộng sang thiết kế, sản xuất và cung ứng nội thất, trong vòng một năm qua, SMA đã mở được 2 showroom tại Hà Nội, mỗi tháng tiếp đón vài trăm lượt khách hàng. Mở rộng, song vẫn giữ được giá trị cốt lõi với mảng sản phẩm nội thất thiết kế, SMA có một số sản phẩm và thiết kế công trình được các tạp chí quốc tế của Hàn Quốc, Đức, Mỹ đăng tải.
Làm từng bước một
Ngày đầu khởi nghiệp, CEO SMA gặp không ít khó khăn, trước hết là về tài chính. Lựa chọn thị trường nội thất, với dòng sản phẩm thiết kế ở phân khúc cao, chuyên biệt, vì vậy để tối ưu hóa các sản phẩm và tạo được dấu ấn riêng, SMA cần nguồn chi phí ban đầu tương đối lớn.
“Tự thiết kế, tạo ra một dòng sản phẩm riêng, với thương hiệu Việt đáp ứng nhu cầu trong nước, tương đương hàng nhập khẩu không phải là một điều dễ dàng. Để giải quyết vấn đề này, tôi lựa chọn làm từng bước, từ khâu thiết kế sử dụng nguyên liệu nhập khẩu rồi dần thay thế bằng nguyên liệu trong nước với các đối tác đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe do SMA đề ra”, CEO Phương Chi cho hay.
Thời điểm này, SMA sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu cho các thiết kế của mình. Nguồn nguyên liệu này được chọn lọc tại các nhà máy lớn của châu Á như Malaysia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan… Trong khi đó, SMA cũng không ngừng nghiên cứu nguồn nguyên liệu trong nước để thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu ở các giai đoạn tiếp theo.
“Tôi mong muốn trong vòng năm năm tới, SMA sẽ nằm trong top 10 công ty về đồ nội thất Việt có thương hiệu được bạn bè quốc tế biết đến. Đến nay, SMA đã đi được khoảng 1/3 chặng đường, đã có thương hiệu và tên tuổi, song con đường để hình thành một thương hiệu nội thất “Made in Việt Nam” còn rất dài và cần có sự cố gắng nhiều hơn nữa”, CEO SMA tâm sự.
Trò chuyện với CEO Nguyễn Phương Chi:
Tệp khách hàng mà SMA đang hướng tới?
SMA tập trung vào các công ty thiết kế, các kiến trúc sư yêu thích phong cách hiện đại. Ngoài ra, khách hàng của chúng tôi còn là những cá nhân có gu riêng, yêu thích những giá trị về thiết kế và sẵn sàng chi trả cho những sản phẩm chất lượng cao.
SMA có ý định gọi vốn từ bên ngoài để phát triển nhanh sản phẩm và thương hiệu?
SMA luôn muốn gọi vốn, nhưng khi vốn đầu tư vào, định hướng sản phẩm của SMA có thể bị ảnh hưởng. Vì vậy, tôi chưa có kế hoạch gọi vốn cụ thể, trừ khi tìm được những nhà đầu tư có cùng định hướng, đam mê và có tâm huyết với sản phẩm mang giá trị Việt.
Nếu tự mình xoay xở, thì Công ty có thể phát triển chậm?
Chậm nhưng mà chắc. Những việc mà chúng tôi đang làm và có được kết quả như hiện nay là sự phát triển bền vững.