Nhà đầu tư BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn lo bị 'bỏ con giữa chợ'

0:00 / 0:00
0:00
Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đang chờ đợi những quyết định mạnh mẽ, dứt khoát của UBND tỉnh Lạng Sơn trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc dai dẳng tại công trình này.
Một đoạn cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.

Một đoạn cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.

Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn, đơn vị quản lý, vận hành tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn cho biết, sau gần 3 năm đi vào khai thác, phương án tài chính của dự án chỉ đạt 31,5% so với phương án ban đầu, khiến dự án gặp nhiều ách tắc.

Nhiều tồn tại chậm xử lý

Sau khi được mời vào “giải cứu” Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đang ngập trong khó khăn vào năm 2017, Tập đoàn Đèo Cả đã thực hiện đúng cam kết, huy động mọi nguồn lực để hoàn thành công trình trong vòng 18 tháng.

Đây là kỷ lục về giải phóng mặt bằng và thi công nhanh nhất của tuyến cao tốc trong ngành giao thông cho tới thời điểm hiện nay. So với các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông hiện nay, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn là một trong số không nhiều phân đoạn đạt tiêu chuẩn cao tốc 4 làn xe có làn dừng khẩn cấp liên tục.

Kể từ khi đưa vào vận hành từ tháng 1/2020, tuyến cao tốc này giúp tiết kiệm thời gian di chuyển Hà Nội và Lạng Sơn từ 3,5 giờ xuống còn 2,5 giờ so với di chuyển trên Quốc lộ 1.

Đây là đường giao thông huyết mạch, một trong 7 tuyến cao tốc xuyên tâm kết nối với Thủ đô Hà Nội, đảm bảo an ninh - quốc phòng các địa phương trong vùng, giảm ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 1 và thúc đẩy dịch vụ, phát triển sản xuất của địa phương.

Sau 4 năm đưa vào khai thác, tuyến cao tốc BOT Bắc Giang - Lạng Sơn đã chứng minh được hiệu quả đầu tư nhưng nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án (Công ty BOT Bắc Giang - Lạng Sơn) đang gặp hàng loạt vướng mắc, bất cập kéo dài chưa được cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết dứt điểm.

Tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn do UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức hôm 22/12/2023, Công ty BOT Bắc Giang - Lạng Sơn cho biết là dù công trình đã hoàn thành nhiều năm, nhưng đến nay mới chỉ có phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được đóng và giải ngân đầy đủ.

Phần vốn tín dụng của VietinBank mới giải ngân 9.229/10.169 tỷ đồng, còn 940 tỷ đồng đến nay chưa được giải ngân, dẫn đến tồn đọng 492 tỷ đồng công nợ dự án.

“Các nhà thầu thực hiện Dự án đã gửi đơn toà án yêu cầu mở thủ tục giải thể đối với Công ty BOT Bắc Giang - Lạng Sơn do không có khả năng thanh toán công nợ. Nếu doanh nghiệp dự án phá sản, tuyến đường cao tốc này có nguy cơ dừng vận hành. Các nhà đầu tư có thể mất phần vốn chủ sở hữu đã đầu tư vào dự án, ngân hàng cấp tín dụng không thu hồi được nợ”, ông Nguyễn Quang Vĩnh - Tổng Giám đốc BOT Bắc Giang - Lạng Sơn lo lắng.

Gỡ sớm nút thắt

Giải thích lý do tạm dừng giải ngân vốn tín dụng, đại diện Vietinbank cho biết, Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn hiện không đáp ứng phương án tài chính ban đầu, không đủ khả năng trả nợ cho ngân hàng.

Thực tế, doanh thu thu phí - nguồn tiền để hoàn vốn cho Dự án chỉ đạt trung bình khoảng 30 tỷ đồng/tháng, tương đương 32% so với phương án tài chính với ba nguyên nhân làm suy yếu trầm trọng dòng tiền hoàn vốn cho cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.

Một là, Dự án bị cắt giảm 1 trạm thu phí so với phê duyệt ban đầu dẫn đến giảm nguồn thu, tính đến nay khoảng 5.500 tỷ đồng.

Hai là, việc miễn giảm các đối tượng ngoài hợp đồng và giá vé sử dụng dịch vụ chưa được tăng theo lộ trình được duyệt gây thiệt hại lên tới 229 tỷ đồng.

Ba là, tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng chưa được xây dựng để kết nối tới các cửa khẩu biên giới, khiến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn vẫn là “cao tốc cụt”.

Điều này dẫn đến tốc độ tăng trưởng và phân bổ lưu lượng phương tiện trên tuyến cao tốc không được đảm bảo. Đây là những nguyên nhân chính làm cho doanh thu Dự án không đạt so với phương án tài chính đã được Cơ quan nhà nước có thầm quyền là UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt và cũng là cơ sở để Vietinbank thẩm định cho vay, ký kết hợp đồng tín dụng.

Theo ông Trần Văn Thế, Phó chủ tịch HĐQT Công ty BOT Bắc Giang - Lạng Sơn, khi bắt tay “giải cứu”Dự án, chúng tôi hiểu đây là dự án có ý nghĩa phát triển kinh tế - xã hội kết nối liên vùng của địa phương, tin tưởng vào cam kết của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, ngân hàng thẩm định cho vay.

“Tuy nhiên, khi Dự án hoàn thành xong không một ai quan tâm đến cái khó của nhà đầu tư. Thậm chí có ý kiến cho rằng: “lời thì bỏ túi, lỗ thì để cho nhà nước sao lại than…, dùng các tác động khác gây sức ép để nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án phải đứng ra gánh nợ”, ông Thế bức xúc và cho rằng, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần sớm có những quyết định mạnh mẽ, dứt khoát trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc dai dẳng tại công trình này, tránh tình trạng "bỏ con giữa chợ" như hiện nay.

Đại diện doanh nghiệp dự án cũng đề xuất việc UBND tỉnh Lạng Sơn xem xét báo cáo cấp có thẩm quyền bổ sung vốn Nhà nước tham gia vào Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn để cải thiện tính khả thi tài chính. Hiện Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn là công trình PPP cao tốc hiếm hoi được thực hiện bằng vốn của nhà đầu tư và vốn tín dụng.

Theo ông Lương Trọng Quỳnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, địa phương ghi nhận nỗ lực của doanh nghiệp dự án trong việc hoàn thành tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và tinh thần chủ động khắc phục những khó khăn tại dự án của liên danh các nhà đầu tư do Đèo Cả đứng đầu.

Lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết là sẽ chỉ đạo các sở ngành liên quan nghiên cứu, báo cáo tham mưu tỉnh các phương án cụ thể để giải quyết các vướng mắc cho dự án, đồng thời đề nghị ngân hàng tích cực đồng hành, phối hợp chia sẻ khó khăn chung cùng các nhà đầu tư.

“Đối với kiến nghị bổ sung nguồn vốn ngân sách Nhà nước đảm bảo phương án tài chính của dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư Lạng Sơn khẩn trương rà soát tham mưu UBND tỉnh để báo cáo Thủ tướng phương án bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ dự án”, ông Quỳnh chỉ đạo.

Tin bài liên quan