Nhà đầu tư cần nhất là niềm tin và sự minh bạch

Nhà đầu tư cần nhất là niềm tin và sự minh bạch

(ĐTCK) Với thực tế khoảng 80.000 - 100.000 lệnh giao dịch mua/bán mỗi phiên được đặt trên 2 Sở Giao dịch chứng khoán, ông Trần Tiến Dũng, nhà đầu tư theo TTCK từ những ngày đầu cho rằng, phần lớn người có tiền vẫn đang để ở dạng tiết kiệm hay các tài sản tĩnh, TTCK chưa có sức hấp dẫn dòng tiền đầu tư. 

Quy mô giao dịch trên TTCK tuy có sự tăng trưởng qua từng năm, nhưng còn ở mức khiêm tốn. Ngoại trừ các nhà đầu tư tổ chức tham gia thị trường trái phiếu Chính phủ, thị trường cổ phiếu có mức giao dịch khoảng 2.500 - 2.800 tỷ đồng/phiên là rất nhỏ so với tiềm lực thực tế. Theo ông Dũng, nếu có chính sách đúng, thanh khoản TTCK có thể đạt gấp nhiều lần con số này.

Vậy chính sách đúng là gì? Ở góc nhìn nhà đầu tư, ông Dũng cho rằng, điều cần nhất là sự minh bạch, là niềm tin và hiệu lực chính sách được thực thi trên toàn thị trường. Về sự minh bạch, quy định pháp lý buộc các doanh nghiệp niêm yết công bố báo cáo tài chính hàng quý ra công chúng, nhưng không ít trường hợp, doanh nghiệp cố tình công bố sai lệch thông tin, vừa báo lãi nhưng ngay sau đó ra kết quả lỗ. Lỗi trước hết thuộc về doanh nghiệp, nhưng vai trò của nhà quản lý là cần kiên quyết và nhanh chóng có chế tài xử lý lãnh đạo doanh nghiệp cố tình làm sai, gây mất niềm tin thị trường.

Về niềm tin, TTCK hiện có trên 1.000 doanh nghiệp đang có cổ phiếu giao dịch, nhưng trong đó có nhiều doanh nghiệp kinh doanh yếu kém, thua lỗ, lợi nhuận/cổ phần thấp, nhiều năm không trả cổ tức cho nhà đầu tư. Đặc biệt, có không ít doanh nghiệp huy động vốn của cổ đông với giá bằng hoặc cao hơn mệnh giá, nhưng sau đó dùng tiền sai mục đích, hiệu quả mang lại kém, giá cổ phiếu rơi sâu, cổ đông thiệt đơn, thiệt kép.

Tình trạng này, theo ông Dũng, cần sự quyết liệt, cần “bàn tay sắt” của nhà quản lý, không tham số lượng DN trên sàn, mà phải dọn dẹp lại theo chất lượng cổ phiếu. Những DN duy trì được hiệu quả kinh doanh cao tính trên cổ phiếu thực phát hành (chẳng hạn EPS từ 2.000 đồng trở lên trong 2 năm liên tiếp), mới đáng được để trên sàn niêm yết. Phần còn lại, nên đưa hết xuống sàn giao dịch cổ phiếu của công ty đại chúng, nhà quản lý giám sát các DN công bố thông tin đúng quy định và thực thi các chế tài đủ mạnh để giữ gìn kỷ cương thị trường. “Từ thông điệp của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng một Nhà nước kiến tạo, lấy doanh nghiệp, lấy nhà đầu tư làm chủ thể phục vụ. “Chúng tôi rất chờ đợi sự quyết liệt bảo vệ nhà đầu tư trong các quyết sách điều hành TTCK”, ông Dũng nói.

Điểm chờ đợi đầu tiên là xác lập môi trường đầu tư lành mạnh trên TTCK. Theo đó, hai Sở Giao dịch chứng khoán cần sớm hợp nhất để thống nhất việc quản lý thị trường cổ phiếu, trên đó có sự phân bảng rõ ràng, cổ phiếu niêm yết và cổ phiếu của công ty đại chúng để xây dựng hình ảnh các doanh nghiệp niêm yết là những doanh nghiệp minh bạch, hiệu quả, quản trị chuyên nghiệp. Không thể để tình trạng mang danh doanh nghiệp niêm yết, mà báo cáo sai lệch, lãnh đạo doanh nghiệp phát ngôn kích giá cổ phiếu, trong khi cổ tức không trả, tiền huy động từ cổ đông được doanh nghiệp sử dụng như thế nào không rõ. Theo ông Dũng, đây là vấn đề bức xúc nhất của nhà đầu tư đại chúng.

“Thủ tướng phát đi thông điệp đặt doanh nghiệp, đặt nhà đầu tư làm chủ thể trung tâm, chủ thể để các cơ quan quản lý phục vụ. Tôi mong rằng, những tiếng nói thiết thực từ nhà đầu tư sẽ đuợc lắng nghe, được xử lý, để thị trường ngày càng có đông người đến, chứ không chỉ hơn 1,5 triệu tài khoản được mở, trong đó chỉ có khoảng 20-30% là còn hoạt động”, ông Dũng nói.

Thực trạng hàng hóa trên TTCK không được sàng lọc, cộng với tư vấn chưa đạt chất lượng của nhiều công ty chứng khoán đã khiến nhiều nhà đầu tư bị mất tiền trên thị trường.

“Chỉ cần niềm tin được xác lập, nhà đầu tư tin rằng doanh nghiệp minh bạch và trung thực (vì nếu gian dối sẽ chịu chế tài đủ mạnh), thì không lo TTCK không hút được dòng tiền”, ông Dũng nhấn mạnh. Khi nhà đầu tư có niềm tin, Chính phủ đồng thời thực hiện việc cổ phần hóa, bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp lớn như Sabeco, Habeco, Vinamilk, Mobiphone, VinaFone, Vietnam Airlines…, sẽ không lo thiếu nguồn lực cho phát triển kinh tế. Chính phủ có đủ nguồn lực để giảm áp lực nợ công như hiện nay”, nhà đầu tư gợi mở.         

Tin bài liên quan