Ảnh Shutterstock.

Ảnh Shutterstock.

Nhà đầu tư chứng khoán cần những ước tính thiệt hại do Covid-19 và giải pháp vượt khó

(ĐTCK) Công khai những ước tính thiệt hại, những thông tin dự phóng chi tiết từng ngành, doanh nghiệp niêm yết về sự ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đó có các giải pháp “vượt khó và chia sẻ” là điều mà nhà đầu tư cần nhất trong giai đoạn hiện nay. 

Hầu hết trên các diễn đàn, các room chat do các nhà đầu tư, môi giới… lập ra, diễn biến dịch Covid-19 được cập nhật, chia sẻ thường xuyên.

Thông tin về số lượng người được xuất viện tăng lên, về nghiên cứu vắc-xin/thuốc mới, hay phương pháp chữa trị mới… đều được nhà đầu tư đón nhận tích cực. Nhưng thông tin số lượng quốc gia, vùng lãnh thổ bị dịch và số người nhiễm bệnh gia tăng khiến nhà đầu tư thận trọng.

Chỉ tính riêng tháng 2/2020, chịu tác động trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, khối ngoại bán ròng hơn 3.000 tỷ đồng - là cú bồi lên tâm lý của các nhà đầu tư trong nước, vốn “mong manh” và cẩn trọng.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tháng 2/2020, chỉ số VN-Index đóng cửa tại 882,19 điểm, giảm 5,81% so với cuối tháng 1. Với diễn biến này, VN-Index ghi nhận 4 tháng liên tiếp giảm điểm.

Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận định, tuần cuối tháng 2, thị trường chứng khoán toàn cầu khép lại một tuần giảm mạnh khi những lo ngại về dịch Covid-19 và khả năng tác động đến nền kinh tế tiếp tục làm nhà đầu tư hoang mang.

Tác động từ dịch này lớn hơn nhiều so với thương chiến Mỹ - Trung. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng điều chỉnh chung của các thị trường chính trên thế giới, thậm chí độ nhạy của thị trường còn lớn hơn so với thị trường Mỹ hay châu Âu.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm sâu trước đó, nhất là trong tháng 11/2019, khiến các nhà đầu tư chủ động cắt lỗ, giảm dần giao dịch ký quỹ (margin) và theo ý kiến của nhiều chuyên gia, điều này giúp thị trường không quá căng thẳng về giải chấp khi dịch Covid-19 lan rộng trên thế giới.

Mặc dù vậy, tâm lý e ngại về xu hướng giảm vẫn còn và không đủ thông tin để đánh giá tác động của dịch khiến tâm lý nhà đầu tư yếu đi. Nhà đầu tư mong muốn có được các thông tin này, cũng như chính sách giảm thuế, phí trong lĩnh vực chứng khoán.

Thực tế, trong mọi diễn biến, thị trường chứng khoán vẫn tồn tại những “cổ phiếu thị trường”, được một phân khúc các nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao chào đón.

Ghi nhận ý kiến của một nhóm nhà đầu tư chuyên “lướt sóng” cổ phiếu được biết, thị trường giảm mạnh trước Tết nên bản thân họ không dám sử dụng nhiều margin, nhưng vẫn duy trì sở thích mua/bán cổ phiếu hàng phiên.

Có những tài khoản gia tăng giá trị trong bối cảnh thị trường đỏ lửa. Hiện họ đang lên kế hoạch chốt lời sớm, vì lý do “thị trường này không lường trước được, nên lời là chốt ngay”.

Cũng có tài khoản đang duy trì dư nợ margin khá cao, riêng chi phí lãi vay đã là áp lực không nhỏ. Những chủ tài khoản này mong muốn được công ty chứng khoán giảm lãi vay margin.

Một nhà đầu tư tại TP.HCM cho biết, anh không sử dụng margin nên không lo ngại bị giải chấp hay phải trả lãi suất trong suốt thời gian qua.

Tuy nhiên, giá trị tài khoản đến thời điểm hiện tại đã giảm một nửa so với trước Tết Nguyên đán.

Anh không kịp cắt lỗ vì thị trường có một số phiên lao dốc bất ngờ và mức độ sụt giảm ngoài dự kiến, nên đành chấp nhận “ôm hàng” chờ thời.

Trong tài khoản còn một ít tiền mặt, dù có tâm lý bắt đáy nhưng anh không biết nên mua cổ phiếu nào.

Đáng chú ý, tin tức cập nhật về dịch Covid-19 tốt xấu đan xen, khiến tâm lý nhà đầu tư liên tục xoay chuyển.

Mong muốn lớn nhất của nhà đầu tư lúc này là các doanh nghiệp niêm yết công bố kế hoạch/chiến lược cụ thể nếu bị ảnh hưởng do dịch bệnh; ước tính các con số thiệt hại, con số sụt giảm và đưa ra giải pháp vượt qua khó khăn lúc này.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần đẩy mạnh hoạt động giám sát thị trường, tránh trường hợp xảy ra biến cố lớn mới vào cuộc/lên tiếng và không nên đưa ra những lời khuyên/trấn an mang tính “khẩu hiệu”.

Dịch Covid-19 đã và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường, nên các cơ quan quản lý cần nhanh chóng có các giải pháp về chính sách.

“Các vấn đề về kỹ thuật như giao dịch T+0, T+1, bán khống… là điều mà thị trường chờ đợi từ lâu. Thị trường chứng khoán Việt Nam đã 20 năm tuổi, không còn trẻ nữa, hội nhập cũng sâu rộng, nên những vấn đề này cần triển khai sớm”, nhà đầu tư nói và cho rằng, khi các sản phẩm mới này được triển khai, nhà đầu tư sẽ chủ động hơn trong các tình huống diễn biến của thị trường, giảm thiểu rủi ro thanh khoản.

Một số thị trường trên thế giới có quy định về tạm dừng giao dịch toàn thị trường, nhưng giải pháp này không được đa số nhà đầu tư ủng hộ. Bởi theo họ, tạm dừng giao dịch sẽ ảnh hưởng đến thanh khoản, đặc biệt là khối ngoại đang bán mạnh mà tạm dừng giao dịch thì có nguy cơ sau đó, dòng tiền ngoại không còn quay lại thị trường. Mất thanh khoản là điều mà các nhà đầu tư lo sợ nhất.

Nhà đầu tư T, người bám sàn 15 năm qua cho rằng, nhà đầu tư bây giờ đã chuyên nghiệp hơn, hiểu được bản chất của thị trường, nên điều họ mong muốn nhất ở thời điểm hiện tại không đến từ cách điều hành của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK).

Trong bối cảnh thị trường bị tác động bởi đại dịch toàn cầu, nhà đầu tư cần các giải pháp từ Chính phủ hơn là Bộ Tài chính và UBCK, bao gồm thông tin tổng thể và minh bạch về dịch bệnh, xử lý các trường hợp cách ly, việc học của học sinh…, kèm theo đó các giải pháp mang tính “chia sẻ thiệt hại”.

Nhà đầu tư cũng cần thông tin dự phóng về thiệt hại và về triển vọng, các giải pháp hậu dịch để cộng đồng nhà đầu tư cùng nắm bắt.

Quan trọng nhất ở đây vẫn là minh bạch truyền thông và giảm chi phí đầu tư, gồm phí giao dịch, thuế, lãi vay. Phí và lãi vay phụ thuộc vào quyết định của các công ty chứng khoán, còn thuế thì cơ quan quản lý nên giảm 50%.

Nhiều ý kiến nhà đầu tư cho rằng, căn cơ nhất vẫn là những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, doanh nghiệp vững lên thì thị trường mới trụ vững và phục hồi.

Chẳng hạn, các gói hỗ trợ lãi suất và vốn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch; miễn giảm lãi, giãn nợ; kích cầu trong nước bằng đẩy mạnh đầu tư công; ổn định vĩ mô, giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp qua ổn định tỷ giá, duy trì mặt bằng lãi suất thấp…

Ngoài ra, các vấn đề cũ của thị trường cần được đẩy mạnh triển khai như tiến độ ban hành văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán sửa đổi, nới room sở hữu nước ngoài, cổ phần hoá gắn với niêm yết và tăng chế tài quản lý để công khai, minh bạch hơn nữa...

"Chính sách cần chuyển động nhanh và cần trực tiếp vì thị trường, thì mới hy vọng dòng tiền ở lại kênh chứng khoán", một nhà đầu tư chia sẻ.

Tin bài liên quan