F0 chứng khoán không phải là một trào lưu của dịch Covid-19.

F0 chứng khoán không phải là một trào lưu của dịch Covid-19.

Nhà đầu tư chứng khoán học hỏi để trưởng thành

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Trường Đại học Bristol (Anh quốc) đã có những trao đổi đáng chú ý về các vấn đề nổi bật trên thị trường chứng khoán Việt Nam năm qua và khuyến nghị cho năm 2022.

Năm 2021, VN-Index ghi nhận mức tăng lên tới 37%. Là chuyên gia có nhiều ý kiến đóng góp tích cực cho thị trường chứng khoán trong nước, ông nhìn nhận thế nào về bức tranh sáng, tối của thị trường trong năm qua?

Năm 2021, theo tôi, là một năm quan trọng để khẳng định, dòng tiền đổ vào chứng khoán là một xu thế dài hạn, chứ không nhất thời do dịch bệnh gây ra.

TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Trường Đại học Bristol (Anh quốc)

TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Trường Đại học Bristol (Anh quốc)

“F0 chứng khoán không phải là một trào lưu của dịch Covid-19”, mà do sự chuyển đổi trong công nghệ, trong nhìn nhận của xã hội cũng như hiểu biết của nhiều người về thị trường chứng khoán, nhất là cổ phiếu, có thay đổi.

Các mạng xã hội như Facebook, Youtube, TikTok, Telegram đã góp phần khiến chứng khoán trở thành một kênh tích lũy chính thống hơn. Con số 1,5 triệu tài khoản cá nhân mở mới kỷ lục vì vậy là một tín hiệu tích cực.

Về mặt chưa tích cực, do nhiều nhà đầu tư mới tham gia thị trường, họ chưa trải qua những đợt sụt giá mạnh trong lịch sử nên dễ bị kéo theo việc mua những cổ phiếu bị “bơm thổi” đi xa giá trị cơ bản, tiềm ẩn rủi ro điều chỉnh mạnh khi có bán tháo trên thị trường. Câu chuyện cổ phiếu FLC cũng là một cảnh báo. Bỏ qua tính không hợp lệ của giao dịch đó, thì khi một cổ đông nắm giữ một lượng cổ phiếu lớn bán ra thị trường sẽ tạo ra một đợt sụt giá rất mạnh.

Với tầm nhìn đầu tư còn ngắn hạn của nhiều nhà đầu tư mới tham gia, thị trường sẽ tiếp tục có những đợt biến động mạnh như vậy. Đó cũng là đặc tính của một thị trường cận biên, chứ chưa được xếp hạng là mới nổi như Việt Nam.

Ông nhận xét thế nào về làn sóng thứ 2 của thị trường với sự chủ động gia nhập của nhà đầu tư trong nước? Nhìn từ kinh nghiệm các thị trường chứng khoán trên thế giới, đâu sẽ là những điểm chúng ta nên nhìn nhận về đồ thị lên xuống và hành vi của các nhà đầu tư trong làn sóng này, đặc biệt là xu hướng coi đầu tư chứng khoán là một kênh tài sản?

Chúng ta nên có một cái nhìn cởi mở hơn, không nên dè bỉu, coi thường các nhà đầu tư F0 như một số người đang nhìn nhận. Thị trường cổ phiếu là nơi mà dòng tiền và niềm tin của nhà đầu tư quyết định, vì vậy, nên tôn trọng dòng tiền, dù đó là dòng tiền của ai. Nếu không có các nhà đầu tư mới, ai sẽ đỡ lực bán ròng của khối ngoại trong năm qua?

Điều chúng ta nên hướng đến là tăng các hàng hóa niêm yết có chất lượng trên thị trường, giảm bớt số công ty niêm yết kém chất lượng.

TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Trường Đại học Bristol (Anh quốc)

Điều chúng ta nên hướng đến là tăng các hàng hóa niêm yết có chất lượng trên thị trường, giảm bớt số công ty niêm yết kém chất lượng, chủ yếu niêm yết để “kéo, xả” trên thị trường, thay vì có năng lực kinh doanh tốt thật sự.

Thu hút các công ty FDI có doanh thu và lợi nhuận lớn ở Việt Nam tham gia niêm yết là một con đường có thể nghĩ đến. Với xu thế một số tập đoàn đa quốc gia tách công ty con hoặc một số mảng hoạt động ra niêm yết như công ty độc lập đang được quan tâm trở lại. Việt Nam có thể nghiên cứu những giải pháp cho nhà đầu tư nước ngoài thấy, niêm yết một công ty con độc lập ở Việt Nam, nơi họ tạo ra nhiều doanh thu sẽ có những lợi ích gì.

Bên cạnh đó, cần rà soát điều kiện hủy niêm yết và đưa công ty vào diện kiểm soát đặc biệt theo hướng hạn chế những công ty có cơ chế quản trị công ty có nhiều thiếu sót, chứ không chỉ đặt tiêu chí về hoạt động tài chính làm cơ sở kiểm soát hay hủy niêm yết.

So với thế hệ đầu tham gia thị trường chứng khoán, nhà đầu tư mới hiện đã có điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều để tiếp cận thông tin, học hỏi bài bản từ lý thuyết cũng như từ chia sẻ của những người đã thành công. Dù vậy, mặt trái của phong trào này như ông đã đề cập trong một bài viết gần đây, tạo ra rất nhiều hội nhóm và kết cục gây thiệt hại cho nhà đầu tư, ảnh hưởng tới tính bền vững của thị trường. Vậy nhà đầu tư và các chủ thể tham gia thị trường cần lưu ý gì về thực tế này?

Điều gì cũng có mặt trái của nó. Sự phát triển của mạng xã hội, Internet và những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội về tài chính (finfluencer) thúc đẩy sự tiếp nhận kiến thức mới và sự lớn mạnh của cộng đồng nhà đầu tư chứng khoán thì đồng thời cũng tạo ra cơ hội cho những người lừa đảo kiếm tiền.

Đã đến lúc cần có những tổ chức nghề nghiệp tự quản được thành lập với những hội đồng chuyên môn uy tín để đưa ra những thông điệp cần thiết, với mục tiêu đính chính những tin thất thiệt nhằm dẫn dắt sai nhà đầu tư. Nhiều tổ chức như vậy đang được thành lập trên cộng đồng và cần được lan tỏa hơn nữa.

Nên tận dụng sức mạnh của cộng đồng đầu tư và nguồn lực của nhiều bên trong xã hội để gánh vác việc đào tạo và tư vấn về chứng khoán để giải quyết vấn đề. Cơ quan quản lý chỉ nên duy trì vai trò giám sát và điều chỉnh.

Ở các thị trường chứng khoán phát triển như Mỹ từng có hiện tượng GameStop, hành vi của các nhà đầu tư nhỏ lẻ tác động lớn đến thị trường và cả các tổ chức đầu tư. Kinh nghiệm xử lý vấn đề này của các nhà quản lý là gì, làm thế nào để có thể giúp thị trường vận hành lành mạnh hơn?

Cho đến lúc này, hiện tượng GameStop có thể được nhìn nhận là một phần của thị trường. Dòng tiền của nhà đầu tư nhỏ lẻ chấp nhận đổ vào một cổ phiếu nào đó như một canh bạc hay một lựa chọn rủi ro cao là một phần của thị trường.

Yếu tố đầu cơ, muốn kiếm tiền nhanh luôn tồn tại trong mọi thị trường tài sản và không thể loại trừ hoàn toàn. Vì vậy, muốn thị trường phát triển lành mạnh hơn, chỉ có thể bắt đầu bằng việc yêu cầu các đơn vị cung cấp giải pháp tài chính phải đảm bảo khách hàng có đủ khả năng và hiểu biết khi sử dụng các công cụ có đòn bẩy cao dẫn đến thua lỗ lớn.

Chẳng hạn, ở Anh và Mỹ hiện tại, nhiều ứng dụng giao dịch cổ phiếu dùng đòn bẩy, các hợp đồng CFD, phái sinh cũng như các ứng dụng giao dịch phái sinh tiền mã hóa được cấp phép đều phải yêu cầu nhà đầu tư trải qua bài kiểm tra tự đánh giá năng lực trên các ứng dụng.

Nếu nhà đầu tư không phù hợp với các tiêu chuẩn như kinh nghiệm, hiểu biết, tiền vốn, mức vốn khả dụng để đầu tư, khả năng gánh chịu thua lỗ, thì sẽ bị hạn chế, không được tiếp cận một số sản phẩm dùng đòn bẩy cao.

Đây là điều Việt Nam có thể tiếp thu và điều chỉnh để đảm bảo nhà đầu tư mới tham gia không sử dụng những công cụ rủi ro quá cao nhằm kiếm tiền nóng.

Sang năm 2022, đâu là những góp ý chính sách mà ông mong muốn Việt Nam tham khảo từ sự phát triển đi trước của thị trường chứng khoán các nước?

Bước đi quan trọng vẫn là nên tập trung vào vấn đề nâng hạng thị trường và có những cải tổ sâu rộng với quản trị công ty.

Việc “bán chui” cổ phiếu hay vi phạm công bố thông tin vẫn còn phổ biến cho thấy vấn đề cốt lõi nằm ở việc một số công ty có hệ thống quản lý nội bộ còn yếu, cũng như người nội bộ không hướng đến giá trị dài hạn, mà chủ yếu nhắm tới kiếm lợi, “tạo game” trên thị trường.

Như đã nói ở trên, tiêu chuẩn niêm yết, cấp margin và đưa công ty vào diện cảnh báo nên xem xét đến các yếu tố này. Các công ty chứng khoán và tổ chức đầu tư chuyên nghiệp như quỹ đầu tư nên xem xét loại trừ những công ty có xếp hạng ESG và quản trị công ty nói chung thấp ra khỏi danh sách đầu tư và khuyến nghị đầu tư.

Tin bài liên quan