Nhà đầu tư ngoại thắng đậm tại HPG, Chủ tịch Trần Đình Long “bỏ túi” thêm hơn 1.000 tỷ đồng

Nhà đầu tư ngoại thắng đậm tại HPG, Chủ tịch Trần Đình Long “bỏ túi” thêm hơn 1.000 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi phần lớn thị trường đều hạ độ cao do áp lực bán gia tăng thì HPG là một trong những mã ngược dòng thành công, tiếp tục xác lập đỉnh giá mới hơn 1 năm, giúp nhà đầu tư ngoại và tỷ phú Trần Đình Long gia tăng tài sản.

Trước câu hỏi của các nhà đầu tư rằng liệu đã đến lúc “bank – chứng – thép” đồng loạt “khởi nghĩa” chưa, ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm vĩ mô và thị trường, Công ty Chứng khoán BSC cho rằng, thời điểm hiện tại, điều này khó xảy ra.

Những tưởng dự báo trên sẽ “lệch pha” sau phiên nổi sóng của nhóm cổ phiếu chứng khoán ngày hôm qua, nhưng thị trường nhanh chóng trở về với quỹ đạo ngay trong phiên giao dịch sáng 5/7. Dòng tiền tiếp tục luân chuyển và nhóm cổ phiếu chứng khoán trở nên yếu đà, thay vào đó là những con sóng khác tiếp sức cho đà tăng của thị trường.

Bên cạnh dòng tiền chưa đủ mạnh để giúp VN-Index bật cao và chạm được vùng đỉnh mới 1.140 điểm trong năm nay, áp lực bán có chút gia tăng về cuối phiên khiến thị trường thu hẹp biên độ. Sàn HOSE may mắn giữ sắc nhờ diễn biến tích cực ở một số cổ phiếu bluechip ngược dòng thị trường.

Điển hình là cổ phiếu quốc dân HPG. Nếu trong phiên sáng, cổ phiếu HPG chỉ lình xình quanh mốc tham chiếu, thì sang phiên chiều, lực cầu tăng mạnh mẽ đã giúp mã này tăng tốc và tiếp tục lập đỉnh mới trong khoảng 1 năm qua.

Đóng cửa phiên hôm nay, HPG tăng 2,7% lên mức 26.950 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất thị trường, đạt hơn 31,8 triệu đơn vị. Tính trong tháng 6, cổ phiếu HPG đã tăng hơn 27% và nếu tính tại thời điểm đáy trong khoảng 1 năm qua (vào giữa tháng 11/2022 khi đóng cửa tại mức giá 12.100 đồng/CP) thì đã tăng tới 122,7%.

Bên cạnh lực cầu trong nước sôi động, khối ngoại cũng là nhân tố hỗ trợ tốt cho đà bứt tốc của HPG. Từng xả hàng “không thương tiếc” đối với HPG nhưng khối này đã “quay xe” mua ròng cổ phiếu này trong 8 tháng liên tiếp. Riêng tháng 6 đã mua ròng mạnh tới gần 1.900 tỷ đồng cổ phiếu HPG và tiếp tục giải ngân mạnh mẽ trong các phiên đầu tháng 7.

Trong phiên hôm nay, HPG vẫn dẫn đầu danh mục mua ròng mạnh của khối ngoại với khối lượng mua ròng đạt hơn 4,5 triệu đơn vị, giá trị mua ròng tương ứng đạt 120,64 tỷ đồng.

Như vậy, với đà tăng mạnh mẽ của HPG trong thời gian gần đây, nhà đầu tư ngoại đã thắng đậm khi liên tục rót ròng mạnh “cổ phiếu quốc dân”. Ngoài ra, cổ đông lớn nhất của Hòa Phát – Chủ tịch Trần Đình Long với việc sở hữu hơn 1.516 triệu cổ phiếu HPG cũng không ngừng gia tăng giá trị tài sản và chỉ trong phiên hôm nay đã “bỏ túi” thêm hơn 1.000 tỷ đồng.

Theo công bố mới đây của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng thép sản xuất trong tháng 5 đạt 2 triệu tấn, tăng 3,1% so với tháng trước. Tổng sản lượng tiêu thụ tăng mạnh 13.3% so với tháng trước đạt mức 2.14 triệu tấn. Sản lượng xuất khẩu thậm chí còn tăng trưởng ấn tượng 29,7% so với tháng trước, đạt 822,657 tấn, cao hơn gần 52% so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng với Hòa Phát, trong tháng 5, sản lượng bán các sản phẩm thép (thép xây dựng, thép cuộn cán nóng và phôi thép) của tập đoàn đạt 530.000 tấn, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tăng 16% so với tháng 4 trước đó. Đây cũng là mức tiêu thụ thép cao nhất của doanh nghiệp đầu ngành thép kể từ đầu năm.

Ngoài HPG, một số mã bluechip khác vẫn giữ đà tăng khá tốt, hỗ trợ tốt giúp thị trường bảo toàn sắc xanh, như VCB tăng 2%, cùng PLX và VRE tăng hơn 1%; các mã BID, CTG, MSN… nhích nhẹ.

Chốt phiên, sàn HOSE có 218 mã tăng và 183 mã giảm, VN-Index tăng 2,62 điểm (+0,23%), lên 1.134,62 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 807 triệu đơn vị, giá trị 17.200,7 tỷ đồng, tăng 15,07% về khối lượng và 17,48% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 62,2 triệu đơn vị, giá trị 1.933,42 tỷ đồng.

Cùng thị trường chung hạ độ cao, tất cả các nhóm ngành cũng không giữ được nhịp tăng như phiên sáng với hầu hết chỉ còn tăng chưa tới 1%.

Trong đó, nhóm ngân hàng vẫn góp công lớn nhất nhờ sự khởi sắc của anh cả VCB, dù nhiều mã như TCB, TPB, TCB, SHB, HDB, ACB đảo chiều giảm nhẹ trên dưới 0,5%. Các cổ phiếu giữ được sắc xanh cũng trong biên độ hẹp, ngoại trừ VCB tăng 2% và VIB tăng 1,27%. Cổ phiếu VPB vẫn là mã giao dịch sôi động nhất dòng bank khi khớp lệnh gần 20,5 triệu đơn vị và tiếp tục duy trì đà tăng nhẹ 0,5%.

Bên cạnh đó, đà tăng tích cực của HPG cũng đã lan sang các mã khác trong nhóm thép, với HSG đóng cửa tăng 0,6%, còn NKG tăng 1,1%, thanh khoản đều đạt hơn 18 triệu đơn vị, thuộc top 10 mã giao dịch sôi động nhất thị trường.

Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu chứng khoán lại khiến thị trường thất vọng sau phiên dậy sóng hôm qua khi quay đầu giảm nhẹ. Trong đó, các mã giao dịch sôi động nhất ngành là VIX đứng giá tham chiếu, còn VND và SSI đều giảm hơn 1%, thanh khoản lần lượt đạt 21,83 triệu đơn vị, hơn 20 triệu đơn vị và 15,87 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, áp lực bán tiếp tục gia tăng trong phiên chiều khiến HNX-Index nhanh chóng đảo chiều ngay khi mở cửa và dần rời xa mốc tham chiếu hơn.

Chốt phiên, sàn HNX có 93 mã tăng và 84 mã giảm, HNX-Index giảm 0,92 điểm (-0,4%) xuống 227,84 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 90,33 triệu đơn vị, giá trị 1.373,83 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 9,37 triệu đơn vị, giá trị 178,77 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 là gánh nặng chính của thị trường, với nhiều mã tìm về vùng giá thấp nhất ngày như PVS giảm 2%, IDC giảm 1,2%, hay các mã SHS, CEO… đều đảo chiều giảm.

Trong đó, cổ phiếu SHS chốt phiên giảm 0,7% xuống mức thấp nhất ngày 13.600 đồng/CP, thanh khoản tiếp tục dẫn đầu với hơn 16,9 triệu đơn vị khớp lệnh. Còn cổ phiếu cùng ngành là MBS cũng hạ độ cao khi đóng cửa tăng 2,6% và khớp 7,48 triệu đơn vị.

Ở bộ 3 họ apec, cặp IDJ và APS đều trở lại nằm sàn do áp lực bán tháo mạnh, với khối lượng khớp lệnh tương ứng đạt 8,87 triệu đơn vị và 6,21 triệu đơn vị, đồng thời đều dư bán sàn trên dưới 0,8 triệu đơn vị.

Trong khi API có mức biến động mạnh khi có thời điểm phiên sáng kéo trần thành công, rồi lao dốc mạnh và đóng cửa giảm 8% xuống sát mức giá sàn 6.900 đồng/CP, thanh khoản cũng thuộc top 5 dẫn đầu thị trường, đạt 5,76 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường duy trì đà giảm nhẹ trong suốt cả phiên chiều.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,12 điểm (-0,14%), xuống 85,41 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 45,18 triệu đơn vị, giá trị 667,81 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 15,67 triệu đơn vị, giá trị 174,64 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR vươn lên vị trí dẫn đầu về thanh khoản với hơn 5,43 triệu đơn vị giao dịch thành công, nhưng đóng cửa giá cổ phiếu lùi về mốc tham chiếu 17.600 đồng/CP.

Trong khi đó, C4G vẫn sôi động với hơn 5,27 triệu đơn vị giao dịch thành công, kết phiên duy trì mức tăng tốt 2,9% lên 147.200 đồng/CP.

Các mã DDV, QNS và ABB đều đóng cửa tăng hơn 1% với thanh khoản 1,68-2,72 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trên thị trường phái sinh, có 3 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều nhích nhẹ và 1 hợp đồng giảm, trong đó VN30F2307 tăng 1 điểm, tương đương +0,1% lên 1.124 điểm, khớp lệnh gần 134.800 đơn vị, khối lượng mở hơn 58.370 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, phiên này, CFPT2210 vẫn có khớp lệnh dẫn đầu, đạt 2,16 triệu đơn vị, và tiếp tục đứng tham chiếu tại 340 đồng/cq, theo sau là CVIB2302 với 1,66 triệu đơn vị và đóng cửa tăng 6,2% lên 2.070 đồng/cq.

Tin bài liên quan