EVN bị đẩy vào thế khó
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình II có công suất 300 MW là một thành phần quan trọng trong Quy hoạch phát triển điện V đã được phê duyệt. Dự án này được xác định là một nguồn điện cấp bách, bổ sung cho lưới điện quốc gia đến năm 2010, nhân tố quan trọng khắc phục tình trạng thiếu điện trầm trọng của cả nước trong thời gian tới.
Theo Quyết định số 2313/QĐ-NLDK ngày 13/7/2005 của Bộ Công nghiệp phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình II tại Phường Thanh Bình - TP. Ninh Bình, tổng mức đầu tư dự án là 402.335.000 USD (tương đương 6.356 tỷ đồng), trong đó 85% là vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và 15% vốn đối ứng do EVN tự thu xếp. Thời gian thực hiện dự án là 36 tháng, đưa vào vận hành thương mại vào cuối năm 2008. Hiệp định vay vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản đã được ký kết, Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) sẽ cấp vốn cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình II giá trị 29,421 tỷ yên.
Công tác chuẩn bị khởi công dự án đã thực hiện được một khối lượng lớn. Kinh phí đầu tư chuẩn bị dự án đến cuối năm 2006 là 123 tỷ đồng và hiện lên đến gần 300 tỷ đồng. Bên cạnh đó, EVN cũng hoàn thành công tác tuyển chọn tư vấn giai đoạn 2 cho việc đánh giá thầu, giám sát thi công và sơ tuyển nhà thầu thi công. Nếu không có gì thay đổi, cuối năm 2007, EVN sẽ khởi công xây dựng nhà máy này.
Tuy nhiên, khi mọi việc đang tiến hành suôn sẻ thì từ cuối năm 2006, UBND tỉnh Ninh Bình bất ngờ đề nghị chủ đầu tư thay đổi địa điểm xây dựng đã được thỏa thuận tại Phường Thanh Bình - TP. Ninh Bình, đi ngược hoàn toàn với tất cả những thỏa thuận mà tỉnh Ninh Bình đã cam kết với chủ đầu tư. Lý do mà UBND tỉnh Ninh Bình đưa ra là việc xây dựng nhà máy trong Thành phố sẽ gây ô nhiễm môi trường và làm mất đi cảnh quan TP. Ninh Bình - một thành phố định hướng phát triển thành đô thị du lịch trong tương lai.
Giải thích vấn đề này, Bộ Công nghiệp và EVN khẳng định, trong báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, vấn đề Thị xã Ninh Bình tương lai là một thành phố du lịch đã được đề cập đến nhưng tỉnh Ninh Bình vẫn chấp thuận về địa điểm xây dựng; phù hợp với quy hoạch của tỉnh Ninh Bình về điều chỉnh quy hoạch xây dựng Thị xã Ninh Bình giai đoạn 2002 - 2020. Hơn nữa, EVN cho biết, đã thiết kế dự án với tiêu chí đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về môi trường, áp dụng cho vùng đô thị. Chỉ riêng chi phí nhằm thực hiện cam kết bảo vệ môi trường là hơn 44,7 triệu USD, chiếm 13% đầu tư dự án. Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình II đã được Bộ Tài nguyên Môi trường phê duyệt tại Quyết định số 1482/QĐ-BTNMT ngày 27/10/2004. So sánh với tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7440:2005 ban hành năm 2005, lộ trình đến 2015 thì hoàn toàn đạt tiêu chuẩn.
Mặc dù vậy, đến nay EVN và tỉnh Ninh Bình vẫn chưa đạt thỏa thuận cuối cùng, hai bên đang tiếp tục tranh cãi và sự việc đã buộc Thủ tướng Chính phủ phải thành lập một Tổ công tác về vấn đề này.
Sự việc trên đã đẩy EVN vào thế khó. Theo EVN, việc thỏa thuận vay vốn ODA cho một dự án nhiệt điện thường mất 2 - 3 năm. Do vậy, nếu thay đổi vị trí xây dựng nhà máy sẽ phải thỏa thuận lại với người cho vay vốn và khả năng thành công là rất khó. Nếu để mất nguồn vốn này, EVN sẽ khó có cơ hội thu xếp các nguồn vốn khác và trong tương lai, khó thu xếp được nguốn vốn ODA cho dự án này. Nếu di chuyển địa điểm, các thủ tục đầu tư sẽ phải làm lại từ đầu và làm chậm tiến độ dự án không dưới 3 năm. Điều này sẽ gây khó khăn trong việc đảm bảo cung cấp nguồn điện cho quốc gia. Nếu di dời dự án sẽ chậm khoảng 3 năm và tất cả mục tiêu của dự án chắc chắn sẽ không đạt, buộc ngành điện phải tính toán lại chương trình phát triển nguồn điện đã được quy hoạch.
Nhà đầu tư chỉ còn biết chờ
CTCP Nhiệt điện Ninh Bình đã thực hiện bán đấu giá, phát hành gần 4,1 triệu cổ phiếu lần đầu ra công chúng cho khoảng 1.100 nhà đầu tư, với tổng số tiền thu về gần 140 tỷ đồng. Giá đấu bình quân là gần 27.000 đồng/CP.
Bản cáo bạch công bố thông tin bán cổ phần lần đầu ra công chúng của CTCP Nhiệt điện Ninh Bình cho biết: dự án Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình II, công suất 300MW, được đặt cạnh Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình hiện tại, thuộc 2 phường Thanh Bình và Bích Đào - TP. Ninh Bình - Tỉnh Ninh Bình, có tổng mức đầu tư hơn 402 triệu USD, tương đương 6.356 tỷ đồng. Dự án bắt đầu từ năm 2002, đến nay đã hoàn thành 10/12 gói thầu và dự kiến khởi công vào quý III/2007, hoàn thành xây dựng sau 36 tháng.
EVN đã quyết định giao cho Công ty Nhiệt điện Ninh Bình trực tiếp làm chủ đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình II khi được Chính phủ cho phép và được sự đồng ý của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản. Trong bản cáo bạch khi đề cập đến phương hướng hoạt động của Công ty Nhiệt điện Ninh Bình sau khi cổ phần hoá cho biết, Công ty sẽ mở rộng một số ngành nghề sản xuất, kinh doanh phụ nhằm tận dụng quá trình sản xuất nhiệt điện là: sản xuất đất đèn, gạch xốp cách nhiệt, dự án sản xuất phụ gia bê tông từ tro bay, sàng tuyển xỉ than cung cấp cho các đơn vị sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng… Đặc biệt, sản xuất thạch cao là sản phẩm tận dụng có sẵn từ quá trình sản xuất được lấy từ hệ thống khử lưu huỳnh, khi dây chuyền Nhiệt điện Ninh Bình II đi vào vận hành Công ty sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh này.
Như vậy có thể thấy, Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình II đã được CTCP Nhiệt điện Ninh Bình hiện nay coi như là dự án gắn liền với hoạt động của mình - dự án được liệt kê thành yếu tố tiềm năng cho cổ phiếu của Công ty khi chào bán cho nhà đầu tư. Và rất nhiều nhà đầu tư đã kỳ vọng vào điều này khi quyết định mua cổ phiếu Nhiệt điện Ninh Bình.
Được biết, trong dự kiến của EVN, sau khi Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình II đi vào hoạt động, sẽ thay thế cho Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình I hiện nay. CTCP Nhiệt điện Ninh Bình sẽ là đơn vị tiếp tục quản lý và kinh doanh Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình II. Đối với nhà đầu tư mua cổ phiếu CTCP Nhiệt điện Ninh Bình, đã rất kỳ vọng vào tiềm năng mang lại từ Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình II.
Vì vậy, tình thế này khiến cho nhiều nhà đầu tư của CTCP Nhiệt điện Ninh Bình lo lắng. Giá cổ phiếu Nhiệt điện Ninh Bình trên thị trường OTC vì thế liên tục sụt giảm. Trong những ngày vừa qua, CTCP Nhiệt điện Ninh Bình đã nhận được rất nhiều câu hỏi từ phía nhà đầu tư về vấn đề này. Tuy nhiên, đại diện Công ty cũng không biết trả lời gì hơn, ngoài việc khuyên các nhà đầu tư bình tĩnh chờ đợi vì Công ty cũng không biết làm gì vì đây được coi là “một rủi ro ngoài hệ thống”.
Được biết, ngày 30/6 tới, Tổ công tác sẽ có báo cáo, trước khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định cuối cùng. Cổ đông của CTCP Nhiệt điện Ninh Bình vì thế cũng không nên quá lo lắng và bình tĩnh chờ quyết định cuối cùng của Thủ tướng.