Nhà đầu tư tố cáo sàn Busstrade “bốc hơi”, chiếm đoạt tiền tỷ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều nhà đầu tư đã đồng loạt gửi đơn thư tố cáo đến cơ quan điều tra Công an TP. Hà Nội về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của sàn giao dịch Busstrade.
Nhà đầu tư tố cáo sàn Busstrade “bốc hơi”, chiếm đoạt tiền tỷ

Ngày 10/5, Chị Đặng Thị Thu H. (SN 1993, ở Hà Nội) cho biết, do được một người bạn rủ rê, chị tham gia vào sàn Busstrade từ tháng 12/2020.

“Tôi được tham gia vào nhóm chát trên Facebook, Zalo, Telegram... Ở đây họ mời gọi đầu tư tài chính và giao dịch tài chính theo hình thức copy trade (tài khoản của nhà đầu tư sẽ copy lệnh tự động từ tài khoản chính do team này dẫn dắt- pv), cam kết đầu tư hợp pháp, cam kết lãi và bảo hiểm vốn đều đặn, lợi nhuận hàng tuần từ 5-7% tùy theo gói đầu tư 100 USD, 200 USD, 2.000 USD ”, chị H. kể.

Theo lời kể của chị H., nhóm này thông báo việc rút vốn và lợi nhuận bất kỳ lúc nào bằng 2 cách là rút về các ví điện tử của sàn như Binance, Remitano… hoặc thanh khoản nội bộ với giá trị tương ứng.

“Vì tin tưởng và đang trong hoàn cảnh thất nghiệp nên tôi đã bỏ số tiền 5.000 USD (tương đương 118 tiệu đồng) nộp vào sàn giao dịch. Sau một thời gian đầu tư có lợi nhuận, tôi không rút lãi mà tiếp tục nâng vốn. Tôi vay mượn thêm ngân hàng và người thân để nâng vốn lên 62.500 USD (tương đương 1,5 tỷ đồng).

Đến ngày 23/4/2021, sàn bắt đầu thông báo bảo trì và ngày 5/5/2021 tôi nhận được thông báo sàn sẽ mở lại thì ngay sau đó, nhóm chát trên zalo và telegram đều bị xóa bỏ”, chị H. bức xúc.

Cũng theo chị H. chia sẻ, toàn bộ số tiền chị nộp để tham gia vào sàn Busstrade đều chuyển vào tài khoản cá nhân mang tên ông Hoàng Minh Đức.

Ảnh do các bị hại cung cấp.

Ảnh do các bị hại cung cấp.

Ngoài chị H., có trường hợp rủ rê người thân tham gia và hiện bị "mất trắng" hơn 3 tỷ đồng.

Một số bị hại cho biết thêm, họ được ông Hoàng Minh Đức (nickname “Buss Đức”) chia sẻ, sàn Busstrade do Anh quốc cấp phép, khi tham gia được bảo hiểm vốn 100%. Những người tham gia sẽ đóng bảo hiểm hàng tuần tùy theo các gói đầu tư.

Sau khi sàn Busstrade “bốc hơi”, hiện nay các nhà đầu tư đang tập hợp đơn thư lên cơ quan điều tra để tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo tìm hiểu của PV, sàn Busstrade từng quảng cáo rầm rộ là sàn chuẩn quốc tế, có thể kiểm tra lượng truy cập đến từ nhiều quốc gia châu Âu và có giấy phép hoạt động do Chính phủ Anh cấp phép. Ngoài ra, còn có đội ngũ team có chuyên gia trade kiếm lợi nhuận 1-2%/ngày và được chuyên gia chịu trách nhiệm bảo hiểm vốn 100% khi tài khoản thua lỗ.

Thời gian qua, nhiều sàn ảo bị tố giác như sàn Coolcat, dự án Skynet 4fx, AT Capital… tiếp tục gióng lên hồi chuông với cơ quan quản lý. Báo Đầu tư chứng khoán sẽ tiếp tục thông tin khi có diễn biến mới.

Vào cuối tháng 3/2021, trước hiện tượng lừa đảo trong việc mua bán tiền ảo, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm có cơ chế về vấn đề này.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, một số bộ đang phối hợp làm rõ cơ chế quản lý tiền ảo. Bộ Tài chính đã có Tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo để thiết kế chính sách, cơ chế quản lý theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính có liên quan đến lĩnh vực này.

Tin bài liên quan