Nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp có nên hoảng loạn trong bối cảnh hiện nay?

Nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp có nên hoảng loạn trong bối cảnh hiện nay?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tìm hiểu kỹ doanh nghiệp phát hành và tài sản đảm bảo của trái phiếu sẽ giúp nhà đầu tư “kê cao gối ngủ ngon” trong bối cảnh thị trường có những xáo động.

Theo dữ liệu thống kê của FiinGroup, tính tới ngày 30/9/2022, số dư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) ở Việt Nam chỉ còn ở mức hơn 1,3 triệu tỷ đồng, giảm 200 ngàn tỷ đồng so với cuối năm 2021.

Cũng theo thống kê của công ty này, trong số hơn 1,3 triệu tỷ đồng nói trên thì có hơn 400 ngàn tỷ đồng trái phiếu do các ngân hàng phát hành, phần còn lại là TPDN phi ngân hàng.

Thực tế ở Việt Nam, trái phiếu do ngân hàng phát hành về cơ bản có mức độ rủi ro rất thấp.

Còn lại với khối doanh nghiệp phi ngân hàng thì trong số 920 ngàn tỷ, dư nợ trái phiếu bất động sản hiện có số lưu hành là 455 ngàn tỷ. Theo nhận định của FiinGroup, con số này là lớn nhưng cũng chỉ chiếm 4% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Nhìn sang Trung Quốc, dự nợ trái phiếu doanh nghiệp lên tới 8 ngàn tỷ USD, chiếm 44% GDP và họ vẫn xử lý được sau thời gian bất ổn hai năm qua. Tỷ lệ này ở Việt Nam vào cuối năm 2021 mới chỉ đạt mức 15% GDP.

Về mặt vĩ mô, cần phải khẳng định lại rằng TPDN là kênh huy động vốn trung và dài hạn hết sức quan trọng đối với doanh nghiệp, giúp giảm sự lệ thuộc của doanh nghiệp vào tín dụng ngân hàng, qua đó giúp chia sẻ gánh nặng cung cấp vốn cho nền kinh tế của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam. Vì vậy, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của kênh huy động vốn này là chủ trương nhất quán Chính phủ. Những hành động vừa qua của các cơ quan quản lý liên quan tới thị trường TPDN, như siết chặt qui định về phát hành TPDN riêng lẻ, nâng cao tính minh bạch của thị trường v.v…được các chuyên gia đánh giá là những biện pháp cần thiết giúp thị trường phát triển bền vững trong tương lai.

Với các nhà đầu tư trái phiếu, thực tế vài năm qua đã cho thấy đây là kênh đầu tư hấp dẫn và hiệu quả hơn so với kênh gửi tiết kiệm ngân hàng. Mức chênh lệch về lợi tức lên tới 3-4 điểm phần trăm giữa hai kênh này là lý do thúc đẩy quy mô của thị trường TPDN lên tới 1,5 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2021 như đã nói ở trên.

Trước khi sự kiện Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát diễn ra, nhà đầu tư trong nước tỏ ra ít quan tâm tới những yếu tố như uy tín của tổ chức phát hành hay tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu mà họ đầu tư. Họ đặt niềm tin vào nhân viên tư vấn và nhà phân phối và phần lớn chỉ quan tâm tới yếu tố lãi suất.

Theo các chuyên gia tư vấn tài chính, khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp thì nhà đầu tư nên dành thời gian để tìm hiểu về doanh nghiệp phát hành trái phiếu và tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu (nếu có).

Trên thị trường hiện nay có 2 loại TPDN, đó là trái phiếu có tài sản đảm bảo và không có tài sản đảm bảo. Theo các chuyên gia tài chính, khi đầu tư vào trái phiếu không có tài sản đảm bảo (tín chấp) thì cần chọn các doanh nghiệp lớn, có uy tín cao trên thị trường. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng cần quan tâm tới mục đích sử dụng vốn thu được từ đợt phát hành.

Với các trái phiếu có tài sản đảm bảo, sẽ là tốt nhất nếu nhà đầu tư đầu tư tìm và chọn được các trái phiếu được đảm bảo bởi tài sản có tính thanh khoản cao như giấy tờ có giá, chẳng hạn như chứng chỉ tiền gửi ngân hàng, hay rổ cổ phiếu của các doanh nghiệp có uy tín.

Liên quan tới tài sản đảm bảo bằng rổ cổ phiếu, theo các chuyên gia tư vấn tài chính, nhà đầu tư nên lưu ý lựa chọn cổ phiếu của các công ty có uy tín trên thị trường, thanh khoản cao và tỷ lệ cho vay ký quỹ thấp. Nếu cổ phiếu có thanh khoản thấp thì khi doanh nghiệp phát hành không trả được nợ, sẽ mất rất nhiều thời gian để xử lý tài sản đảm bảo loại này.

Với những trái phiếu được đảm bảo bởi bất động sản, máy móc thiết bị v.v…thì thực tế tại các ngân hàng thương mại nhiều năm trở lại đây cho thấy, việc bán các tài sản đảm bảo loại này để thu hồi nợ khi khách hàng không trả được nợ là không hề dễ dàng và mất rất nhiều thời gian, công sức.

Tóm lại, khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp thì trái chủ/nhà đầu tư cần phải dành thời gian tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp phát hành và những yếu tố có liên quan tới trái phiếu để giảm thiểu những rủi ro mà mình có thể gặp phải trong quá trình đầu tư.

Đặc biệt, trước một vài biến cố xảy ra trên thị trường hiện nay, theo các chuyên gia tư vấn tài chính, nhà đầu tư cần phải hết sức tỉnh táo và bình tĩnh, tránh gây những tác động dây chuyền làm cho tất cả các bên đều mất mát thay vì “win-win” cho tất cả các bên.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup, nhận xét: “Thực tế trên thị trường cũng có nhiều trái phiếu có chất lượng tốt và rủi ro thấp nên vì lý do "trào lưu" mà nhà đầu tư xếp hàng thực hiện "bond-run" thì dù có doanh nghiệp tốt và trái phiếu tốt thì tự dưng cũng thành "xấu", hoặc vỡ nợ vì bị rút trước hạn chứ không phải vì kinh doanh của họ kém hoặc dòng tiền yếu”.

Tin bài liên quan