Nhà đầu tư Việt Nam thích tự đầu tư hơn sử dụng quỹ

Nhà đầu tư Việt Nam thích tự đầu tư hơn sử dụng quỹ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau 18 năm ra đời, đến nay, quy mô quỹ đầu tư chứng khoán ở Việt Nam mới chỉ chiếm 5,5% GDP, thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Một phần nguyên nhân do nhà đầu tư trong nước thích tự đầu tư, gửi tiết kiệm hơn là thông qua các quỹ đầu tư.

Vụ Quản lý các công ty quản lý quỹ và quỹ đầu tư chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa có báo cáo về hoạt động quản lý quỹ ở Việt Nam.

Báo cáo cho hay, hoạt động quản lý quỹ hay quản lý tài sản là một lĩnh vực khá phổ biến trong ngành tài chính ở các nước phát triển trên thế giới. Các quỹ đầu tư chứng khoán đầu tiên đã ra đời và hình thành ở Châu Âu từ những năm đầu của thế kỷ 19 và ở Mỹ vào những năm 1924 - 1925.

Sự hình thành và phát triển của các quỹ đầu tư chứng khoán trên thế giới trong hơn một thế kỷ qua đã khẳng định vai trò quan trọng của quản lý quỹ đối với thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.

Đối với các nhà đầu tư cá nhân, các Quỹ đầu tư chứng khoán đã trở thành kênh đầu tư hiệu quả thay thế cho kênh huy động tiết kiệm của ngân hàng, đồng thời cũng đã khẳng định vị trí quan trọng trong việc giữ vững sự phát triển ổn định của thị trường chứng khoán.

Báo cáo cũng nhấn mạnh, những năm qua, mặc dù gặp không ít khó khăn và thách thức nhưng quản lý quỹ luôn có đóng góp nhất định đối với sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Sự ra đời của công ty quản lý quỹ đầu tiên tại Việt Nam là Công ty liên doanh Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) vào năm 2003 với các hoạt động chính là quản lý quỹ, quản lý danh mục ủy thác đầu tư cho khách hàng, sự xuất hiện của 06 quỹ đầu tư chứng khoán dạng đóng (VFMVF1, VFMVF2, VFMVF4, PruBF1, MAFPF1, ACBGF) lần đầu tiên niêm yết trên thị trường tại Việt Nam trong giai đoạn 2004-2010 đã được cộng đồng nhà đầu tư quan tâm và tham gia tích cực.

Hội thảo giới thiệu về sản phẩm đầu tư mới – Quỹ hoán đổi danh mục ETF (năm 2014)

Hội thảo giới thiệu về sản phẩm đầu tư mới – Quỹ hoán đổi danh mục ETF (năm 2014)

Đến giai đoạn 2011 - 2021, khung pháp lý cho hoạt động của các công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư được tiếp tục được bổ sung với các mô hình quỹ mới (quỹ mở, quỹ ETF, quỹ bất động sản) đã đánh dấu sự phát triển mạnh của nghiệp vụ quản lý quỹ Việt Nam.

Đặc biệt, sự xuất hiện của các quỹ mở, quỹ ETF có thể coi là một bước ngoặt trong sự phát triển của quản lý quỹ đầu tư chứng khoán. Thực tế trên thế giới và quá trình phát triển tại Việt Nam cho thấy, quỹ mở là loại hình quỹ chiếm phần lớn số lượng các quỹ đầu tư trên thị trường.

Quỹ mở cũng chính là sản phẩm nền tảng để thiết kế các mô hình quỹ liên kết TTCK với các thị trường khác như thị trường bảo hiểm, thị trường trái phiếu chính phủ. Ở giai đoạn này, hoạt động huy động thành lập quỹ đầu tư chứng khoán tại Việt Nam được các công ty quản lý quỹ đẩy mạnh, số lượng quỹ tăng gần gấp 3 lần từ 23 quỹ vào năm 2011 lên 62 quỹ vào thời điểm tháng 9/2021.

Ngoài ra, trong suốt thời gian 2011 - 2021, hoạt động nghiệp vụ kinh doanh của các công ty quản lý quỹ được phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Trong đó, hoạt động quản lý danh mục đầu tư cho khách hàng ủy thác cũng được chú trọng, và chủ yếu là khối khách hàng doanh nghiệp bảo hiểm luôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản quản lý tại các công ty quản lý quỹ, đặc biệt là các hãng bảo hiểm có uy tín trên thế giới như Prudential, Manulife, Dai-ichiLife, ChubbLife.

Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng, hoạt động quản lý quỹ đầu tư chứng khoán tại Việt Nam vẫn còn có tiềm năng lớn để phát triển trong thời gian tới. Tính đến cuối năm 2020, tổng giá trị tài sản quản lý của các công ty quản lý quỹ chỉ chiếm 5,5% GDP của Việt Nam. Tỷ trọng giá trị tài sản quản lý của các công ty quản lý quỹ trên GDP của Việt Nam nhỏ hơn so với một số nước trong khu vực.

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, một số nguyên nhân có thể kể đến là: (i) Nhà đầu tư trong nước có thói quen tự đầu tư, gửi tiết kiệm với lãi suất ổn định thay vì ủy thác qua các quỹ đầu tư được quản lý bởi các chuyên gia tài chính; (ii) Hệ thống đại lý phân phối chứng chỉ quỹ còn hạn chế; (iii) Chất lượng hoạt động của các công ty quản lý quỹ là không đồng đều.

Một số công ty quản lý quỹ hoạt động ổn định và phát triển tốt chủ yếu là do có sự hỗ trợ của cổ đông là các định chế tài chính lớn như doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán. Một số công ty hoạt động chưa hiệu quả, chưa huy động thành lập được quỹ.

Trong thời gian tới, để thúc đẩy sự phát triển hoạt động của các công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư chứng khoán tại Việt Nam, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng cần thực hiện tốt các mục tiêu, giải pháp.

Đó là: Nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty quản lý quỹ, đảm bảo năng lực và an toàn tài chính, tiếp cận và thực hiện việc quản trị công ty, quản trị rủi ro cũng như tuân thủ các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cao nhất theo thông lệ quốc tế;

Phấn đấu đến năm 2030 quy mô quản lý tài sản đạt khoảng 6-10% GDP;

Phát triển và đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư, trong đó cần thúc đẩy quỹ hưu trí, các loại hình quỹ mới;

Nâng cao năng lực của các công ty quản lý quỹ (năng lực tài chính, năng lực cung cấp dịch vụ, năng lực cạnh tranh và quản trị rủi ro);

Mở cửa thị trường dịch vụ quản lý tài sản theo lộ trình hội nhập đã cam kết, kết hợp với việc nâng cao sức cạnh tranh của quản lý quỹ tại Việt Nam, nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ quản lý tài sản, năng lực quản trị rủi ro, đạo đức nghề nghiệp và năng lực quản trị doanh nghiệp.

Ông Trần Lê Minh, Phó tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital Việt Nam

Đến tháng 6/2021, ngành quản lý quỹ Việt Nam đang quản lý 433.000 tỷ đồng, tương đương 17-18 tỷ USD. Con số tuy không lớn nhưng đã thể hiện sự phát triển vượt bậc trong giai đoạn từ ngày thành lập vào năm 2013 đến nay.

Với quy mô như vậy, tài sản mà ngành quản lý quỹ Việt Nam đang quản lý chiếm 5,5% GDP Việt Nam. Chúng ta còn một khoảng cách rất lớn trong sự phát triển của ngành này so với các nước trong khu vực như Thái Lan 29% GDP, Malay 31,5%...

Tin bài liên quan