Thêm 4 NH mới, thêm cạnh tranh giữa các NH

Thêm 4 NH mới, thêm cạnh tranh giữa các NH

Nhận diện 4 ngân hàng mới

NHNN Việt Nam vừa chấp thuận về mặt nguyên tắc với đề án thành lập 4 NH: FPT, Bảo Việt, Liên Việt và Tài chính Dầu khí. Nhiều khả năng trong năm 2008, 4 NH này sẽ chính thức tham gia vào thị trường tài chính Việt Nam!

Chia thị phần

 

Hiện tại nước ta có 5 NH TMNN và 35 NH TMCP, trong đó 4 NH TMNN đang chiếm gần 70% thị phần tiền gửi, 60% thị phần tín dụng.  Song với việc thành lập các NH mới, là thành viên của các công ty, tập đoàn, do vậy, khi 4 NH này đi vào hoạt động, các NH TMNN sẽ có nguy cơ giảm đáng kể một lượng khách hàng tổ chức, có năng lực tài chính.

 

Đơn cử như các NH TMNN sẽ mất một khoản phí dịch vụ không nhỏ nếu như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chuyển tài khoản thanh toán, giao dịch với đối tác nước ngoài từ các NH TMNN về NH Tài chính Dầu khí.

 

Rõ ràng, sự ra đời thêm 4 NH mới sẽ là những nhân tố mới trên thị trường, làm cho thị trường tài chính tiền tệ ngày càng sôi động, hoạt động cạnh tranh phong phú và đa dạng hơn. Hiện nước ta chỉ mới có 8 triệu dân mở tài khoản tại NH, nên 4 NH mới sẽ còn nhiều dư địa để khai thác trong tương lai.

 

Hút nhân lực

 

Một trong những tác động lớn đối với thị trường tài chính khi 4 NH mới ra đời là sự cạnh tranh về chất xám. Bên cạnh hoàn thiện hồ sơ, chuẩn bị công nghệ và huy động đủ số vốn điều lệ đăng ký, 4 NH mới cũng đang ráo riết chiêu mộ nhân sự.

 

Thị trường nhân lực cao cấp ngành NH càng “nóng” lên khi giới “săn đầu người” bắn tin với nhau là chỉ cần giới thiệu một giám đốc phòng giao dịch hoặc chi nhánh của ACB, Eximbank hoặc DongABank về làm việc tại NH mới sẽ được trả hoa hồng tương đương 1-2 tháng lương.

 

Nguồn tin cho biết có NH mới đã chào giá mời nhân sự cao cấp với mức lương trên 15.000 USD/tháng. Thực tế, các NH mới sẵn sàng bỏ số tiền lớn như vậy không chỉ để chiêu dụ nhân sự cao cấp về làm việc mà mục tiêu chủ yếu là kéo nguồn khách hàng tiềm năng từ các NH cũ thông qua nguồn nhân sự cao cấp.

 

Cơ hội lớn, thách thức không nhỏ

 

NH FPT có cổ đông tổ chức là CTCP Phát triển công nghệ, Công ty Thông tin di động… nên đang có thế mạnh trong đầu tư công nghệ, hướng đến NH điện tử, phát triển dịch vụ trên nền tảng công nghệ hiện đại. NH Liên Việt có cổ đông là Công ty TNHH Him Lam, Công ty Sasco , Công ty Mobifone… là những công ty lớn, hứa hẹn sẽ có phong cách kinh doanh linh hoạt và phát triển mạnh mẽ dịch vụ bán lẻ.

 

Các NH có thể liên kết với các công ty này để bán chéo sản phẩm, phục vụ khách hàng của nhau. NH Bảo Việt có nhiều lợi thế về mạng lưới hoạt động khi tận dụng được hệ thống đại lý bảo hiểm rộng khắp của Bảo Việt trên cả nước.

 

Riêng NH Tài chính Dầu khí với tiềm lực tài chính lớn (vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng), có thể đẩy mạnh hoạt động NH bán sỉ, tài trợ xuất nhập khẩu và đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có Công ty Tài chính Dầu khí hoạt động gần giống như một NH (chỉ không được huy động vốn ngắn hạn từ 12 tháng trở xuống). Do vậy nhiều người cho rằng liệu sẽ có sự xung đột giữa NH Tài chính Dầu khí với Công ty Tài chính Dầu khí?

 

Tuy nhiên, một trong những đối thủ đáng gờm của 4 NH mới là các NH TMCP hiện nay với kinh nghiệm từ 10-20 năm trên thương trường, có số lượng khách hàng lớn, có mạng lưới rộng khắp cả nước và có lợi nhuận từ 25-50%/vốn điều lệ. ACB hiện số tài khoản cá nhân đã lên 1 triệu tài khoản.

 

Từ tháng 11-2007, ACB thu phí tài khoản cá nhân chỉ 10.000 đồng/tháng cũng đã hút được đến 100 tỷ đồng/năm. Chưa kể, dự kiến năm 2008, NHNN sẽ cấp phép thành lập thêm  2-3 NH mới và các NH 100% vốn nước ngoài. Trong bối cảnh đó, hoạt động huy động và tín dụng của các NH ngày càng cạnh tranh gay gắt. Các quỹ đầu tư cũng đang cạnh tranh với các NH khi liên kết với các công ty bất động sản đầu tư nhiều dự án không thông qua NH.

 

Chỉ còn hơn 2 năm nữa (tháng 12-2010) Chính phủ sẽ quy định vốn điều lệ của một NH tối thiếu là 3.000 tỷ đồng. Nếu hoạt động suôn sẻ thì thông thường 3 năm sau, NH thành lập mới sẽ có lãi. Liệu trong 2 năm tới FPT có kêu gọi được cổ đông tiếp tục góp vốn? Ngoại trừ Bảo Việt được sở hữu tỷ lệ 40%/vốn điều lệ trong NH Bảo Việt, còn FPT, Tập đoàn Dầu khí, Liên Việt… cổ đông tổ chức chỉ sở hữu 20%. Điều này đặt ra một thách thức về quyền tự quyết định trong hoạt động kinh doanh của các NH này.