Ông Lê Trung Hiếu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Ông Lê Trung Hiếu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Nhận diện kinh tế 3 tháng cuối năm

Ông Lê Trung Hiếu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, GDP tăng 6,5% là không thể, nhưng nếu có các chính sách phù hợp, Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất.

Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm mới đạt 4,24%. Với những diễn biến hiện nay, ông dự báo GDP năm nay tăng trưởng bao nhiêu?

Trong 9 tháng đầu năm, GDP tăng 4,24% là mức tăng khá trong bối cảnh khó khăn của kinh tế toàn cầu, đặc biệt tốc độ tăng trưởng quý sau đã cao hơn quý trước (quý I tăng 3,28%; quý II tăng 4,05%; quý III tăng 5,33%) là tín hiệu hết sức tốt lành.

GDP tăng 4,24% trong 9 tháng, thấp xa so với mục tiêu, nhưng vẫn là kết quả hết sức khả quan. Nhìn ra thế giới, các nền kinh tế lớn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, như kinh tế châu Âu nói chung, khu vực EU nói riêng giảm sút trong bối cảnh lạm phát ở mức cao; Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và không đạt mức kỳ vọng; kinh tế Nhật Bản chưa bước vào chu kỳ tăng trưởng mới và thoát khỏi tình trạng giảm phát kéo dài; kinh tế ASEAN có sự cải thiện, nhưng các quốc gia ASEAN 5 (ngoại trừ Việt Nam) vẫn đang áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt, nên đạt được tốc độ tăng trưởng cao là rất khó.

Mặc dù vậy, hoạt động sản xuất, kinh doanh đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, nên Tổng cục Thống kê đã tính toán và dự báo, năm nay, GDP chỉ tăng trưởng xung quanh mức 5%. Đạt được mức tăng trưởng 5% cũng không dễ, vì để đạt con số này, GDP quý IV/2023 phải tăng tối thiểu 7%.

Bức tranh tổng thể của nền kinh tế trong 9 tháng đầu năm đã được Tổng cục Thống kê công bố. Theo ông, hiện trạng nền kinh tế nước ta đang phải đối mặt trước những khó khăn, thách thức nào?

Một là, tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2023 đạt 4,24%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2023 (tăng 6,3%). Do đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm 2023 là khó khăn rất lớn trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro và nội tại kinh tế Việt Nam còn nhiều yếu kém.

Hai là, ngành chăn nuôi, lâm nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, giá thức ăn chăn nuôi có xu hướng giảm từ cuối quý II/2023, nhưng vẫn ở mức cao so với thời điểm trước dịch Covid-19.

Ba là, sản xuất công nghiệp tuy có chuyển biến tích cực, nhưng còn chậm, chưa phục hồi hoàn toàn, nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, do nhu cầu thế giới sụt giảm. Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng năm 2023 của một số ngành trọng điểm trong xuất khẩu giảm, như sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 2,2%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa, sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy cùng giảm 3,5%; sản xuất trang phục giảm 1,5%.

Bốn là, hoạt động xuất, nhập khẩu sụt giảm và chịu tác động tiêu cực từ khó khăn của kinh tế thế giới. Trong 9 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 497,7 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 259,7 tỷ USD, giảm 8,2%; nhập khẩu đạt 238 tỷ USD, giảm 13,8%.

Nhưng hoạt động của doanh nghiệp có vẻ sáng sủa, thưa ông?

Tôi không nghĩ như vậy! Hoạt động của doanh nghiệp đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới giảm 14,6%; vốn đăng ký bình quân/doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng năm 2023 chỉ đạt 9,3 tỷ đồng, giảm trên 17% so với cùng kỳ năm 2022.

Doanh nghiệp khó khăn chủ yếu do tác động của cả yếu tố bên ngoài và nội tại nền kinh tế. Cụ thể, khả năng chống chịu của doanh nghiệp bị suy giảm sau thời gian ảnh hưởng của Covid-19; khả năng tiếp cận vốn vay, khả năng hấp thụ vốn và đáp ứng điều kiện vay vốn của doanh nghiệp còn ở mức thấp...

Nhìn vào yếu tố tích cực trong những tháng cuối năm, ông có nhận định gì?

Trong hoạt động kinh tế không bao giờ chỉ có thuận lợi và cũng không bao giờ chỉ có khó khăn, mà luôn đan xen cả thuận lợi lẫn khó khăn, cả tích cực lẫn hạn chế. Vì vậy, khi nhìn vào các yếu tố được xác định đóng góp tích cực vào tăng trưởng những tháng cuối năm, theo tôi, việc tăng lương cơ sở cho công chức, viên chức, người lao động và những đối tượng thụ hưởng ngân sách nhà nước kể từ ngày 1/7 năm nay đã và đang giúp người dân tăng chi tiêu, tạo dư địa tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong các tháng cuối năm.

Các chính sách giảm thuế, phí; gia hạn thuế, tiền thuế đất; giảm mặt bằng lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh không chỉ kích cầu sản xuất, đầu tư, mà còn kích cầu tiêu dùng, qua đó tác động trở lại đối với hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh.

Du lịch - ngành kinh tế có tác động lan tỏa lớn tới nhiều ngành dịch vụ thị trường như vận tải, lưu trú ăn uống, lữ hành, hoạt động nghệ thuật, vui chơi giải trí... - là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm. Đặc biệt là thu hút khách du lịch quốc tế. Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã đón khoảng 9 triệu lượt khách du lịch quốc tế, gấp 4,7 lần cùng kỳ năm trước. Từ nay đến cuối năm, mỗi tháng chỉ cần đón thêm khoảng một triệu lượt khách du lịch quốc tế, thì năm nay, chúng ta đạt 150% mục tiêu đặt ra (12/8 triệu lượt khách).

Nông nghiệp được xem là bệ đỡ của nền kinh tế thì sao, thưa ông?

Hoạt động sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản từ đầu năm đến nay có thể nói là “thuận buồm, xuôi gió”. Tình hình xuất khẩu gạo trên thế giới trong thời gian gần đây liên tục biến chuyển có lợi cho Việt Nam. Nổi bật là việc Nga chính thức rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen; Ấn Độ và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) tạm dừng xuất khẩu gạo.

Ngoài ra, hiện tượng El Nino, tình trạng xâm nhập mặn và hạn hán cũng ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất lúa gạo tại nhiều nước trên thế giới. Do đó, Việt Nam có nhiều cơ hội đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu gạo, khai thác thị trường truyền thống, mở rộng thị trường tiềm năng và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Tin bài liên quan